Dự án 600 Phó Chủ tịch xã ở Quảng Bình sau hơn một năm nhìn lại

14:39 31/10/2014     1643

Công tác giáo dục   Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã đã được triển khai tại huyện Minh Hóa đến nay đã được hơn một năm. Trong thời gian qua, các đội viên Dự án vừa phải làm quen với chức vụ mới, vừa cùng cấp ủy, chính quyền giúp bà con dân bản xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nơi đội viên Dự án 600 công tác là các xã miền núi, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Một số bản, làng cách xa trung tâm xã, không có phương tiện giao thông đi lại khó khăn, không điện lưới, trường học, bệnh xá và tồn tại nhiều phong tục cổ hủ, lạc hậu. Cán bộ, công chức của một số xã chưa hiểu hết mục tiêu của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã nên bước đầu còn có sự đố kỵ, tư tưởng cục bộ, chưa thực sự phối hợp công tác với đội viên, đặc biệt đối với những đội viên ở địa phương khác đến công tác...

Vượt qua những khó khăn, vất vả ban đầu các đội viên Dự án 600 luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương và được nhân dân các xã trong phạm vi Dự án ủng hộ. Các đội viên là những trí thức trẻ, có trình độ, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo nên nhanh chóng nắm bắt và triển khai các nhiệm vụ được giao.
a
 Hà Ngọc Thành hướng dẫn người dân chăm sóc vườn ươm cây cao su

Sau khi có Quyết định phê chuẩn của Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, UBND các xã đã khẩn trương bổ sung Quy chế làm việc của UBND xã, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phân công nhiệm vụ cho các tân Phó Chủ tịch UBND xã là đội viên Dự án 600, cụ thể: 09 đội viên phụ trách văn hóa - xã hội, 02 đội viên phụ trách lĩnh vực kinh tế.
 
Theo định kỳ, Sở Nội vụ phối hợp với UBND huyện Minh Hóa tiến hành kiểm tra, nhận xét hiệu quả công tác của từng đội viên. Phần lớn các đội viên đều được đánh giá có lập trường tư tưởng vững vàng, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, có trách nhiệm, ham học hỏi và sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp những khó khăn và được đông đảo quần chúng nhân, cán bộ, lãnh đạo địa phương ủng hộ.

Theo kết quả đánh giá công tác năm 2013, có 07 đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 04 đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các đội viên được lãnh đạo xã đánh giá cao như: Phạm Văn Bắc (Trọng Hóa), Ngô Thị Hương (Hóa Phúc), Hồ Thị Hồng (Tân Hóa), Hà Tiến Thành (Yên Hóa), Đinh Hải Lý (Quy Hóa)...

Hơn một năm qua, các đội viên đã tích cực tham gia xây dựng, chỉ đạo, triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch; các mô hình phát triển kinh tế - xã hội và bước đầu đã hoàn thành công tác khảo sát, xây dựng đề án, lập kế hoạch. Một số kế hoạch đã được triển khai thí điểm như: Kế hoạch hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn; mô hình trồng cây cao su; nuôi cá lồng bè; kế hoạch bình xét Gia đình văn hóa và Làng văn hóa năm 2012, 2013; thành lập, phụ trách hoạt động của Hội đồng Giáo dục xã… tích cực chỉ đạo, vận động quần chúng nhân dân xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần triển khai Đề án 135 của Chính phủ…

Là một trí thức trẻ sẵn sàng xung phong đến công tác tại xã biên giới, mơi khó khăn nhất của huyện Minh Hóa, đội viên Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa dường như trở thành một “người con” của người dân bản địa. Để đến được với dân bản, anh phải đi bộ cả ngày đường, vượt qua những quãng đường lầy lội, nhiều khe suối nhưng anh vẫn hồ hởi, chia sẻ: “Về với dân bản em thấy vui, thấy mình có ích và phấn khởi làm việc hơn”. Anh sẵn sàng cùng ăn, cùng ở, cùng lên rẫy, sẻ chia những khó khăn vất vả của đồng bào người dân tộc Mày, Khùa. Được dân bản gọi với cái tên trìu mến: “Chú Bắc”, anh hòa nhập với dân bản để hiểu hơn về cái khó, cái khổ thật sự của người dân, nơi cách trung tâm xã gần 40km đường rừng, rồi nhận thấy nơi đây cần biết bao ánh sáng con chữ, những bàn tay tình nguyện xông pha làm thay đổi mảnh “đất khó”,

Xuất phát từ chủ trương của huyện và điều kiện thực tế thực tế về đất đai, khí hậu tại địa phương cũng như kiến thức về chuyên ngành Nông lâm, đội viên Hà Ngọc Thành có ý tưởng giúp bà con nhân dân xã Yên Hóa xóa đói giảm nghèo bằng Đề án “Phát triển cây cao su trên địa bàn xã Yên Hóa giai đoạn 2011 - 2015".

Để làm được điều này, Thành đã phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là trong việc thuyết phục người dân tin tưởng tham gia trồng cây cao su. Được sự ủng hộ của lãnh đạo huyện và xã, sự chung sức của cán bộ kỹ thuật, đến nay, toàn xã đã vận động được trên 50 hộ dân tham gia trồng được gần 10ha/12ha theo chỉ tiêu, đạt 92% kế hoạch, 100% cây nảy mầm và phát triển tốt. Dự án đã giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân đang tuổi lao động, đặc biệt là thanh niên. Để tận dụng tối đa diện tích đất và tăng thêm thu nhập, trong thời kỳ đầu khi cây cao su còn nhỏ, Thành cũng tham mưu cho lãnh đạo xã vận động, khuyến khích bà con trồng xen kẽ các loại cây lạc, đậu xanh, khoai...

Đánh giá về vai trò của đội viên Dự án 600 trong việc góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện nghèo Minh Hóa, nhiều đồng chí lãnh đạo chính quyền xã cũng như đông đảo người dân đều bày tỏ sự tin tưởng vào sức trẻ, bầu nhiệt huyết, sáng tạo của các tân Phó Chủ tịch UBND xã.

Tuy nhiên, để thành công hơn nữa, các đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã tại Quảng Bình phải nỗ lực hết mình để vượt qua những mặt còn tồn tại, hạn chế. Đặc biệt từ sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân tiếp tục là động lực giúp đội viên Dự án hoàn thành nhiệm vụ. Với sự thành công ban đầu, hy vọng Dự án được tiếp tục phát triển và nhân rộng để trí thức trẻ có cơ hội cống hiến.