Đổi mới giáo dục: Khắc phục những yếu kém của từng bậc học

09:15 01/08/2013     2386

Công tác giáo dục   Web.ĐTN - Sáng 31-7, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị bàn tròn nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và đông đảo các chuyên gia giáo dục uy tín đã tham dự.
Giáo dục - Đào tạo là phải là tạo ra những con người có chuyên môn, nhân cách của người Việt Nam. Ảnh minh họa: Mai Hải
Giáo dục - Đào tạo là phải là tạo ra những con người có chuyên môn, nhân cách của người Việt Nam. Ảnh minh họa: Mai Hải


Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục-đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế hiện vẫn đang tiếp tục được Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị hoàn thiện để trình Trung ương Đảng. Thời gian qua, rất nhiều hội thảo về góp ý cho đề án này đã được triển khai. Nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia giáo dục uy tín đã đóng góp ý kiến tâm huyết cho đề án.

Tại hội thảo sáng nay, đa phần ý kiến đều cho rằng nền giáo dục hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam có kiến thức, trình độ, đạo đức. Vì thế phải cấp bách đổi mới giáo dục trên cơ sở rà soát lại yếu kém của từng bậc học, thay đổi phương pháp giáo dục, phát triển năng lực người học thay vì học để lấy bằng. Một trong những yếu tố then chốt để đổi mới giáo dục mà các chuyên gia cũng chỉ ra đó là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam góp ý cần chấm dứt tư tưởng học để lấy bằng cấp, thay vào đó là học để có tư duy, kiến thức. Ngoài ra, bà Thu Hà cũng như nhiều chuyên gia khác đề nghị phải nâng cao chất lượng chuyên môn và đạo đức giáo viên. “Có việc phải đón con sớm, tôi phát hiện thấy tất cả học sinh nằm rạp ra bàn để viết, trong khi giáo viên đang làm việc riêng ở trên. Đó là nguyên nhân khiến học sinh bị cận? Nếu giáo viên có ý thức nhắc nhở học sinh thì hậu quả sẽ không lớn như vậy”, bà Nguyễn Thị Thu Hà dẫn chứng về những hạn chế hiện nay trong đội ngũ nhà giáo.

GS Hoàng Xuân Sính, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Thăng Long cho rằng: “Chúng ta ai cũng kêu về giáo dục, nhưng ngân sách dành cho giáo dục quá thấp. Thế giới dành mức chi đào tạo cho sinh viên là 5.000-50.000 USD/năm, còn ở ta chỉ khoảng 500 USD. Đó chính là nguyên nhân gây nên yếu kém của giáo dục đại học nói riêng, toàn hệ thống nói chung. Không có kinh phí thì đừng mong nâng cao chất lượng giáo dục”. Vị giáo sư này cho rằng, cũng không thể đòi hỏi Nhà nước chi thêm tiền cho giáo dục vì 20% ngân sách đã là nhiều nhất trong các ngành. Nhưng nếu chưa tìm được tiền thì hãy tìm ra những nơi, những khâu, những người đang làm lãng phí nguồn lực dành cho giáo dục, trong đó lãng phí nhất là dạy thêm, học thêm.

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng giáo dục chúng ta chưa dạy được đạo đức cho học sinh Việt Nam. 2 tính cách cần thiết nhất là chăm chỉ, tiết kiệm thì chúng ta chưa dạy được cho học sinh. Các em cứ thế mang theo sự lười biếng, hoang phí vào đại học.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cho biết bà rất sốt ruột về nền giáo dục. “Tại sao đất nước ta chậm đổi mới, có vẻ tụt hậu xa hơn các nước trong khu vực, dù số người học đại học, sau đại học ngày càng đông. Phải chăng chúng ta đang lãng phí một nguồn lực rất lớn đối với Giáo dục - Đào tạo”, Phó Chủ tịch nước tâm tư. Bà đồng ý với tư duy của GS Hồ Ngọc Đại là phải xác định đúng vai trò của Giáo dục - Đào tạo đối với sự phát triển của đất nước. “Phải có giá trị gia tăng thì xã hội mới phát triển được. Việt Nam sẽ tạo giá trị gia tăng ra bằng cách nào: tận dụng lao động phổ thông giá rẻ, bán đất, bán khoáng sản, hợp tác quốc tế? Nhìn ra khu vực và thế giới, cách làm của họ là tập trung cho giáo dục để tạo ra giá trị gia tăng, những ví dụ Singapore, Malaysia là minh chứng. Việt Nam cũng phải làm thế”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, đến thời điểm này, không nói đổi mới Giáo dục - Đào tạo chung chung nữa, vì nghị quyết, cương lĩnh nói nhiều rồi. Bây giờ phải nhìn vào từng bậc học để biết còn yếu gì, thiếu gì để bổ sung. “Giáo dục - Đào tạo là phải là tạo ra những con người có chuyên môn, nhân cách của người Việt Nam, trong đó bậc học tiểu học là rất quan trọng. Cấp tiểu học thì chủ yếu là “tiên học lễ, hậu học văn”, vì đó là bậc học rất quan trọng trong hình thành nhân cách của học sinh. Ở bậc đại học thì phải tạo ra những con người biết làm việc vì cách đào tạo hiện nay rất lãng phí vì sinh viên ra trường phải đào tạo lại. Như vậy, phải xuất phát từ mục tiêu của mỗi bậc học để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Triệt để khắc phục cách dạy-học theo kiểu đọc-chép rất thụ động hiện nay. Đã đến lúc rà soát lại thật cụ thể từng bậc học một để đổi mới”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan yêu cầu.