Đau đáu giấc mơ giảng đường

13:44 19/09/2011     2831

Công tác giáo dục   Có bạn phải sống cảnh côi cút giữa đời, không được bàn tay cha mẹ chăm sóc. Có bạn thường xuyên bụng đói đến trường, có bạn phải chịu nỗi đau do di chứng của chất độc da cam...

Lương Thị Xuân tranh thủ giúp mẹ chăm sóc mấy sào ruộng trước khi nhập trường - Ảnh: Thân Hoàng

Với các bạn, hành trình phía trước dẫu còn nhiều gian nan nhưng tương lai tươi sáng đang dần được thắp lên từ những nỗ lực, khát khao...

Xuân “da cam” vào đại học

Hôm nay trao học bổng cho 250 tân sinh viên phía Bắc và Hà Nội

Hôm nay 19-9, tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ phối hợp với bảy tỉnh đoàn biên giới phía Bắc và Thành đoàn Hà Nội trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 250 tân sinh viên bảy tỉnh biên giới phía Bắc và TP Hà Nội trúng tuyển vào ĐH-CĐ năm 2011. Toàn bộ học bổng là 1,25 tỉ đồng (5 triệu đồng/suất), do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (Công ty CP Phân bón Bình Điền, báo Tuổi Trẻ và VTV tổ chức) tài trợ.

P.T.

Những ngày này khi bạn bè đang tíu tít chuẩn bị hành trang lên thành phố nhập học thì Lương Thị Xuân, tân sinh viên Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, vẫn nấn ná ở nhà giúp mẹ chăm mấy sào ruộng. Nhà Xuân thuộc diện nghèo nhất nhì xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Ông Lương Văn Chiêm, cha của Xuân, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường B5 ở các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế. Sau những năm 1970, ông rời quân ngũ về quê lập gia đình. Thế nhưng sự khốc liệt, nỗi ám ảnh của chiến tranh vẫn đeo bám khi lần lượt những đứa con ông sinh ra đều mang trong mình dị tật quái ác bởi ông bị nhiễm chất độc da cam trong quá trình chiến đấu tại chiến trường B5.

Anh cả của Xuân từ khi sinh ra đã bị khối u tại cột sống không thể phẫu thuật được. Anh thứ hai nửa người bị dị tật, lưỡi rụt lại, nói năng khó khăn. Hiện cả hai anh đều phiêu bạt vào Gia Lai làm ăn. Rồi anh thứ ba, thứ tư bị bại não bẩm sinh, tai biến và đều mất cùng năm 2004. Em trai của Xuân sinh ra với thân hình dị dạng, có hai hậu môn và có đuôi. Cha mẹ Xuân phải rất vất vả đưa các con đi chữa chạy khắp nơi để giành giật mạng sống của con khỏi tay tử thần.

Dù gặp may mắn nhất trong mấy anh em nhưng từ lúc mới sinh ra Xuân bị nổi một khối u máu ở môi dưới, che lấp hết miệng. Xuân kể tuổi thơ của mình là những nỗi ám ảnh vì bị bạn bè chọc ghẹo, là những ngày nằm viện nhiều hơn ở nhà. “Ngày nhỏ bạn bè thường chọc ghẹo em là Xuân “da cam”. Lúc đó em không hiểu chạy về hỏi mẹ thì mẹ không trả lời mà cứ ôm em vào lòng và khóc” - Xuân nhớ lại.

Xuân đã thi đậu cùng lúc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam và Cao đẳng Y Thái Bình. Niềm vui trộn lẫn nỗi buồn. Cầm giấy báo đỗ đại học của con gái buổi chiều, buổi tối cha mẹ Xuân trằn trọc bàn tính “nhà không còn gì để bán...”. Mẹ của Xuân phải mang sổ đỏ nhà đi “cắm” vào ngân hàng vay được 5 triệu đồng cho con nhập học.

Đến nay sau nhiều lần phẫu thuật, môi của Xuân đã lành lặn nhưng tiếp tục phát sinh u hõm nách, mỗi khi thời tiết thay đổi em lại bị hành hạ bởi những cơn đau. Bệnh tật, nghèo khó cứ bám riết lấy em nhưng khi nghĩ đến tương lai, Xuân nói với giọng rắn rỏi: “Không có tiền thì em sẽ đi làm thuê, vừa học vừa làm. Chắc chắn em phải trở thành bác sĩ để sau này tự lo cho bản thân, chăm sóc được cho bố mẹ và em trai”.

Nhật ký mồ côi

Sinh ra không biết mặt cha. Năm lên 10 tuổi mẹ lại mắc bệnh nặng rồi qua đời. Sống với người bà, hành trình vượt qua nghịch cảnh để được đặt chân đến giảng đường khoa ngoại ngữ Đại học Thái Nguyên của cậu tân sinh viên Vương Văn Ngọc (huyện nghèo Nà Vạ, tỉnh biên giới Cao Bằng) là những dòng nhật ký đầy nước mắt.

Ngày... tháng... năm... Bà ơi, từ lúc xuống đây nhập trường cháu thấy rất nhớ bà. Lúc còn ở nhà cháu có thể chăm sóc bà những lúc bà ốm đau, bây giờ đi học xa nhà, bà ở một mình cháu lo lắm!

Giá như lúc này mẹ cháu còn sống chắc sẽ vui lắm, vì con trai duy nhất của mẹ đã trở thành sinh viên của Đại học Thái Nguyên. Bà ơi, mẹ thương cháu là vậy mà lại không được chứng kiến ngày cháu bước chân vào giảng đường đại học thì thật thiệt cho mẹ, bà nhỉ?

Ngày... tháng... năm... Mẹ ơi con nhận được kết quả đậu đại học rồi. Ước mơ của mẹ, của bà và của con đã phần nào trở thành hiện thực. Những lúc này con chỉ muốn được ôm mẹ và hét lên thật to: “Con đã đỗ đại học”. Mong muốn ấy thật giản dị nhưng với con thì xa vời quá.

Trong giây phút hạnh phúc này ký ức buồn lại hiện về trong con. Đến giờ con cũng không thể tin mẹ đã rời xa con mãi. Dù lúc mẹ mất con mới học lớp 4 nhưng con vẫn biết bệnh của mẹ là do những ngày đi ở đợ phải làm việc vất vả để có tiền nuôi con ăn học. Rồi mẹ mắc bệnh, liệt nửa người nằm trong buồng gần một năm nhưng vẫn nói dối con là mẹ chỉ mệt. Thế rồi mẹ mất.

Trong nhà tài sản lớn nhất chỉ là đôi gà mái, bà nuôi lấy trứng bán kiếm tiền nuôi con. Áo rách, bụng đói... cứ thế bà cháu lay lắt sống qua ngày.

Ngày... tháng... năm... Hôm nay con lên huyện xin rửa bát thuê để kiếm tiền nhập học mẹ ạ. Con làm ở đây khoảng một tháng sẽ được 1 triệu đồng để đóng học phí.

Cổng trường đại học đã ở trước mắt, con quyết không dừng bước. Con đã nhập trường, xin vào ở trong ký túc xá. Con đang nhờ các anh chị khóa trước xin cho vào làm thêm trong căngtin của trường. Nếu có thời gian con sẽ tranh thủ đi dạy thêm. Con tin sẽ tự lo được cho bản thân, thực hiện được lời hứa học hành nên người vì con biết mẹ luôn dõi theo con.