Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh và trách nhiệm của tuổi trẻ

14:27 19/03/2015     3710

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Những câu hò, điệu ví - món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Nghệ An, Hà Tĩnh vừa được Unesco công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trách nhiệm bảo tồn và phát huy dân ca ví, dặm là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó không thể không nhắc đến trách nhiệm của tuổi trẻ.
Từ khởi nguồn, dân ca, ví, dặm được cất lên và lan truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân mà chắc chắn rằng các chàng trai, cô gái trẻ tuổi đã góp phần rất quan trọng trong đó. Qua các thời kỳ, khắp các vùng, miền xứ Nghệ đâu đâu cũng có những người trẻ, nổi tiếng bởi tài sáng tác và giọng hát đặc sắc. Chúng ta có thể kể đến một số tên tuổi được nhân dân truyền tụng với nhiều câu chuyện để lại ấn tượng khó quên như: O Uy, ả Sạ, Nhị nữ Trường Lưu ở Can Lộc; O Nhẫn ở Kỳ Anh; O cúc, O Miện, O Sỹ, O Hai ở Thạch Hà,…
CLB Dân ca ví, dặm của Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Hà Tĩnh biểu diễn tại diễn đàn “Tuổi trẻ với bản sắc văn hóa dân tộc” do Tỉnh đoàn tổ chức
CLB Dân ca ví, dặm của Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Hà Tĩnh biểu diễn tại diễn đàn “Tuổi trẻ với bản sắc văn hóa dân tộc” do Tỉnh đoàn tổ chức


Không gian diễn xướng cho tất cả các loại hình dân ca ví, dặm ở xứ Nghệ đều xuất phát từ lao động, sản xuất, trong các làng nghề truyền thống, lúc chèo thuyền, thả lưới ven sông, lên rừng lấy củi, hay mỗi dịp lễ hội… Để tạo không khí hào hứng, giảm bớt mệt nhọc trong khi lên rừng lấy củi đã có những điệu hò leo núi chất chứa tình cảm thủy chung, sâu nặng như “Nghe tin anh đau đầu chưa khá/Em băng rừng bẻ lá về xông/Làm sao cho đáng đạo vợ chồng/Đổ mồ hôi em quạt/Ngọn gió nồng em che,…”. Vào những dịp nông nhàn, vào những đêm thời tiết tốt, trong lúc đưa thoi, dệt vải, các cô thường hát với các cậu theo nhiều lối như hát đối hoặc hát tỏ tình, hát đố, hát thử tài, hát xe duyên, hát tiễn,… Bao trai gái nên duyên vợ chồng cũng từ những câu ví, điệu hò mượt mà, nhiều khi là những câu đố đầy hóc búa như “Năm con ngựa cột cồn Ngũ Mã/Chín con rồng nằm Cửu Long Giang/Chàng mà đối được có lạng vàng em trao” hay “Đành rằng anh học đã cao/Hỏi chị dâu rớt giếng, anh nắm chỗ nào lôi lên”,… Khi đã cảm mến tấm lòng, phục tài chàng trai, các cô gái cũng rất tình tứ với những câu hát xe duyên đầy ý nhị “Thiếp thương chàng đừng cho ai biết/Chàng thương thiếp đừng để ai hay/Rồi ra miệng thế lắt lay/Cực chàng chín rượi, khổ thiếp đây mười phần” hay “Đã thương thì thương cho chắc/Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn/Đừng như con thỏ đứng đầu truông/Khi vui thời giỡn bóng, khi buồn bỏ đi,…”. Phong trào hát phường, hát hội mà trong đó một bên là nam thanh, bên kia là nữ tú không chỉ ăn sâu bám rễ trong những người dân mà còn thu hút biết bao văn nhân, thi sỹ, tiêu biểu trong đó có Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ là những người có công lớn trong việc phát huy, làm giàu, đẹp thêm cho những làn điệu dân ca ví, dặm của xứ Nghệ.

Những nghệ nhân dân gian lớp ông cha đã tài tình thêu dệt nên bức tranh dân ca ví, dặm đa màu sắc, âm điệu để lại cho đời sau cả một kho tàng quý báu để khai thác, sử dụng, góp phần xây đắp tâm hồn người Việt thêm trong sáng, thấm đẫm niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đáng đứng trước một thực tế đáng lo ngại đó là: Do hình thức lưu truyền là truyền miệng nên những lời hát ví, dặm còn lại chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng vốn rất phong phú của dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Người am hiểu thực sự về di sản Ví, dặm không còn nhiều hoặc các thế hệ nghệ nhân thiếu sự quan tâm trao truyền di sản; thế hệ trẻ không được tiếp nhận một cách hệ thống và bền vững, đa số chạy theo những dòng nhạc trẻ mà ít quan tâm tới dân ca. Sự tiếp nối sinh hoạt văn hóa truyền thống giữa các thế hệ bị ngắt quãng do chiến tranh và điều kiện lịch sử - xã hội. Sinh hoạt của cộng đồng đã có nhiều thay đổi, nhiều nghề nghiệp trước đây gắn với đời sống không còn nữa. Nếu như trước đây, những câu hát dân ca ví, dặm được cất lên trong không gian lao động, trong sinh hoạt cộng đồng thì đến nay, người ta chỉ thấy dân ca trên các sân khấu, trên sóng truyền hình. Mặc dù, trong thời gian gần đây, các ngành chức năng và các địa phương, đơn vị đã có nhiều nỗ lực để tiếp tục bảo tồn, phát huy, đưa dân ca ví, dặm vào cuộc sống bằng nhiều hình thức thiết thực. Trong các cấp bộ Đoàn ở Hà Tĩnh hiện có 65 Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm; tiêu biểu có CLB “Dân ca ví, dặm” của trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi Hà Tĩnh tham gia nhiều hội thi, hội diễn trong tỉnh đoạt giải cao; các CLB trong các trường học được duy trì, hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, hầu hết tập trung vào hình thức sân khấu hóa, gây dựng phong trào đáp ứng các kỳ liên hoan, thi hát dân ca của địa phương; việc sinh hoạt dân ca ví, dặm ở khá nơi trong thời gian qua cơ bản ở tình trạng tự phát, thiếu sự trao truyền qua các thế hệ một cách có hệ thống.
Câu lạc bộ “Em yêu làn điệu dân ca” của Liên đội Trường Tiểu học Sơn Quang, Hương Sơn
Câu lạc bộ “Em yêu làn điệu dân ca” của Liên đội Trường Tiểu học Sơn Quang, huyện Hương Sơn


Tự hào về loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương được UNESCO công nhận Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đặt ra cho các cấp, ngành và toàn xã hội trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản. Để phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp; các cấp bộ Đoàn cần tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền quảng bá về dân ca ví, dặm đến các đối tượng đoàn viên, thanh thiếu nhi; tổ chức các hoạt động nhằm giúp tuổi trẻ có kiến thức, hiểu biết cơ bản về loại hình nghệ thuật này; đưa dân ca vào sinh hoạt Đoàn định kỳ; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn nghệ, hội thi, hội diễn, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm,…; phát động phong trào sáng tác, cải biên từ lời cổ thành lời mới để phù hợp với điều kiện hiện nay. Điều quan trọng nhất để đi đến thành công, nhân lên tình yêu dân ca trong những người trẻ là sự quan tâm, đầu tư, phối hợp tích cực của các ngành, đơn vị chức năng nhằm tạo điều kiện thuận lợi về cả yếu tố nhân lực, vật lực; tạo ra môi trường, không gian diễn xướng phù hợp cho tuổi trẻ cảm nhận cái hay, cái đẹp, được tắm mình trong các làn điệu dân ca, những câu hò, điệu ví, dặm ngọt ngào, lãng mạn những cũng đầy chất trí tuệ, sắc sảo.

Di sản dân ca ví, dặm của chúng ta đã được cả thế giới vinh danh, trách nhiệm bảo tồn và phát huy là không chỉ riêng ai mà của toàn xã hội. Để dân ca ví, dặm trường tồn, chúng ta cần làm cho nó xuất hiện thường xuyên trong nhiều không gian, thời gian. Tuổi trẻ ngày nay sẽ tiếp nối truyền thống, là cầu nối bền vững cho dân ca ví, dặm trao truyền, ăn sâu, bám chặt trong tâm hồn những người con xứ Nghệ nói riêng và các thế hệ người Việt Nam nói chung.