Cử nhân về làng lập nghiệp

21:37 12/07/2012     2706

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Ngày nay, nhiều thanh niên nông thôn đua nhau lên thành thị tìm việc với mong muốn có được cuộc sống mới. Song thực tế, không ít những cử nhân tốt nghiệp đại học không xin việc vào các cơ quan, doanh nghiệp mà lại quyết về quê lập nghiệp với tài sản lớn nhất là sức trẻ và tri thức tiếp nhận được trên giảng đường đại học.

Đoàn viên Lê Văn Bính
Đoàn viên Lê Văn Bính chăm sóc cây cảnh


2 bằng đại học về làng trồng cây cảnh

Người dân xã Chiến Thắng, huyện An Lão, không mấy người không biết đến vườn cây cảnh của chàng trai trẻ Lê Xuân Bính, người vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn trao tặng là một điển hình về sự dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ. Nhiều người sẽ ngạc nhiên hơn khi biết Bính là chàng trai mới 26 tuổi, có trong tay 2 tấm bằng đại học và có 1 vườn sanh cảnh gần 1.000m2, với giá trị gần hai chục tỷ đồng.

Gặp gỡ chàng trai Lương Định Của của huyện An Lão mới biết, gia đình Bính không có ai chơi, hay có đam mê về cây cảnh. Thậm chí, bố anh còn dọa chặt bỏ hết cây khi thấy con suốt ngày quanh quẩn bên mấy cây cảnh mà không lo chuyện học hành- Bính chia sẻ. Niềm đam mê cây đã ngấm vào Bính từ khi học THCS, ngày đó có những buổi vì mải xem cây cảnh mà Bính quên luôn cả đi học. Mê cây, nhưng không có tiền mua cây giống Bính nhặt những cành cây mà người khác cắt vứt bỏ hoặc những cây mà người khác không trồng Bính đều xin về trồng. Dần dần, vườn cây của Bính phát triển từ 7 cây lên đến 20 cây khi Bính học hết THPT. Sau khi tốt nghiệp THPT, Bính thi đậu vào trường đại học Hàng hải Việt Nam, tưởng vào đại học anh sẽ không mê mẩn với cây cối. Nhưng, ngược lại từ khi vào đại học Bính lại có nhiều thời gian để tìm hiểu kiến thức về cây cảnh, những lúc rảnh rỗi anh lại tìm đến những vườn cây có tiếng trong thành phố và các tỉnh lân cận để học hỏi kỹ năng chăm sóc, cắt tỉa cây. Kiến thức học được Bính thực tập luôn vào những cây có trong vườn, hết đến năm thứ nhất đại học (2004) vườn cây của Bính đã có những cây trị giá đến 40 triệu đồng (lúc đó có thể mua được hơn 2 cây vàng). Chia sẻ về vườn sanh lên đến hàng nghìn cây hiện nay Bính cho biết: Em sử dụng phương án “mỡ nó rán nó” bán được cây nào là em lại dùng tiền đó mua những cây mới về gối vào, dần dần số cây lên đến hàng nghìn cây như hiện nay. Bính chia sẻ, chơi cây cảnh mà không có kiến thức về cây, cũng như “mắt nhìn” thì rất dễ bị thua lỗ. Nhưng, có kiến thức và kỹ thuật làm cây thì có thể làm tăng giá trị của cây lên gấp 2, 3 lần so với  mức giá ban đầu chỉ sau vài tháng.

Không chỉ giỏi về cây cảnh mà Lương Định Của của huyện An Lão còn là người ham học. Sau khi tốt nghiệp đại học Hàng hải, Bính cũng lấy thêm tấm bằng quản trị kinh doanh tại trường đại học Hải Phòng.

Nói về dự định của mình Bính tâm sự, trước mắt anh chưa có ý định sử dụng bằng đại học để đi xin việc mà sẽ tiếp tục ở nhà làm cây. Đất quê giàu tiềm năng như vậy không khai thác việc gì phải ra thành phố, nhờ cây cảnh mà nhà em giờ cũng khá giả hơn trước. Thời gian tới em sẽ tiếp tục đầu tư phát triển vườn cây và nâng cao giá trị cây hiện có.

Học xây dựng về mở xưởng nhôm kính

Tốt nghiệp Đại học Dân Lập Hải Phòng chuyên ngành xây dựng năm 2009, không như bao bạn bè khác cùng khóa Hoàng Anh Tuấn, thôn Việt Tiến, xã Đại Hợp, Kiến Thụy lại về quê mở xưởng sản xuất và ấp ủ “ước mơ” làm nông nghiệp. Năm 2009, anh đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất nhôm kính tại nhà với bao khó khăn vất vả thiếu vồn và thiếu thị trường. Song bằng sự nỗ lực, cùng với ý chí quyết tâm làm giàu anh đã đi lên từ hai bàn tay trắng. Sau gần hai năm đi vào sản xuất, cơ sở sản xuất của anh đã chiếm được lòng tin của khách hàng ở nhiều địa phương trong và ngoài thành phố. “Tiếng lành đồn xa” hiệu quả từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm Eurowindow của Hoàng Văn Tuấn đã chứng tỏ được uy tín của mình với khách hàng. Khi khách hàng đến mua sản phẩm Tuấn đều tư vấn, dùng cửa công nghiệp cũng chính là cách tuyên truyền cho người dân hạn chế các sản phẩm cửa gỗ tự nhiên, góp phần giảm thiểu tình trạng khai thác gỗ như hiên nay, cũng là cách tuyên truyền ý thức bảo vệ tài nguyên rừng đối với người dân.

Vừa làm, vừa tích luỹ vốn để mở rộng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị máy móc, đặc biệt là xây dựng thương hiệu riêng cho mình. Đến nay, Tuấn thành lập doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất lắp đặt các loại cửa cuốn, cửa tự động, khung nhôm kính, mái hiên di động... Doanh nghiệp của anh còn là đại lý nhôm- phụ kiện để sản xuất các sản phẩm nói trên của huyện Kiến Thụy với quy mô lớn trong và ngoài thành phố. Hiện nay, các mặt hàng do danh nghiệp của Tuấn sản xuất đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Hiện cơ sở sản xuất của Hoàng Văn Tuấn, ngày càng được mở rộng về quy mô sở tạo được công ăn việc làm cho hàng chục lao động chủ yếu là thanh niên, lương trung bình của công nhân 3,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập hàng tháng của cơ sở sản xuất mang lại khoảng 250 đến 350 triệu đồng. Hiện Tuấn còn bắt tay xây dựng mô hình kinh tế sinh vật cảnh góp phần giữ gìn môi trường sinh thái với tổng diện tích 1.200 m2.

Thay lời kết…

Câu chuyện lập chuyện, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của 2 cử nhân Lê Xuân Bính và Hoàng Anh Tuấn, là hai trong số nhiều những điển hình cử nhân về làng lập nghiệp thành công trên thành phố Cảng. Với họ lập nghiệp trên quê hương, họ đã có được một “hậu phương” vững chắc là bố mẹ và người thân. Và hơn ai hết chính họ là những người biết rõ quê hương mình đang cần những gì, thiếu gì, phù hợp với cái gì...? Thay vì cứ luẩn quẩn, bế tắc, chen chân ở những đô thị lớn. Mảnh đất quê hương đang là một tiềm năng lớn đang chờ được khai thác và ở đó cần rất nhiều sự cố gắng chung tay góp sức của những người trẻ “Chung tay xây dựng nông thôn mới”.