Con chữ ở bản Tu Thượng

20:14 07/02/2012     2128

Công tác giáo dục   Sống heo hút bên sườn Đông của dãy Hoàng Liên, người Mông xanh ở bản Tu Thượng, xã Nậm Xe, huyện Văn Bàn, Lào Cai tuy nghèo nhưng rất coi trọng việc học chữ.

Áo mới cho bản

Ngồi trong ngôi nhà gỗ, tường ốp nứa truyền thống đã nhiều năm tuổi, cụ Giàng A Khoa kể: Địa bàn hẻo lánh, cộng đồng bản sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, những tập tục lạc hậu đã hằn sâu vào thói quen, nếp sinh hoạt của người dân nơi đây. Bà con chỉ biết trồng lúa, ngô, sắn trên nương. Vụ nào thời tiết thuận, được mùa, mỗi hộ may lắm cũng chỉ được vài gùi thóc, nên một năm thiếu ăn tới 7 tháng.

Thế hệ tương lai của người Mông xanh Tu Thượng.

"Người đói thì phải đòi rừng nuôi", cứ nhị kỳ giáp hạt là già trẻ, trai gái trong bản kéo nhau vào rừng đào củ mài, củ nâu về ăn. Nghèo đói lại thiếu hiểu biết nên những hủ tục lạc hậu như kết hôn cận huyết; tang ma rườm rà; thách cưới đeo nặng bản làng...

Nhưng đó là câu chuyện buồn của ngày xưa. Giờ đây, cái khó nghèo cùng những hủ tục lạc hậu ở Tu Thượng đã được đẩy lùi. Bản như khoác lên mình một tấm áo mới. Đường cấp phối được mở, điện về tới từng mái nhà, bản đã có trường, lớp; những nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy.

"Tết con rồng này bản mình vui lắm vì năm nay thảo quả được mùa, giá bán lại cao nên nhà nào cũng có tiền để mua thịt, bánh mứt và sắm quần áo mới cho con trẻ” - Trưởng bản Vàng A Páo chia sẻ.

Con chữ và ước mơ thoát nghèo

Đồng bào Mông ở Tu Thượng giờ nhà nào cũng biết khai hoang, đắp ruộng trồng cây lúa nước, biết bảo vệ rừng, trồng cây thảo quả, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. An ninh trật tự được giữ vững, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, hủ tục được đẩy lùi; đường trong bản được bê tông hóa; bản không còn hộ đói, nhiều hộ thu nhập cao từ trồng thảo quả và phát triển chăn nuôi đại gia súc. 90% số hộ đã mua đài, ti vi, đầu video; trên 70% hộ có xe máy; 95% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; hệ thống nước sạch đang được đầu tư xây dựng, trong quý I năm 2012 này sẽ cấp nước cho 90% hộ dân trong bản.

Chúng tôi tự hào là mấy trăm con người từ già đến trẻ ai cũng biết chữ, cơm có thể thiếu nhưng chữ thì phải đủ.

Thành quả lớn nhất mà đồng bào Mông ở Tu Thượng có được hôm nay là việc học của con trẻ được đặc biệt quan tâm. Thầy giáo Vàng A Su, người con của đất Nậm Xé chỉ về phía điểm trường Tu Thượng mới được xây khá khang trang, tự hào:

"Dăm năm trước, cả bản chỉ có 1-2 người biết mặt chữ đủ để viết nguệch ngoạc cái tên vào bản đăng ký khai sinh, còn lại bà con chỉ biết nhúng ngón tay vào mực để điểm chỉ. Bây giờ khắp bản không có bóng trẻ em nào ở nhà hoặc bỏ học đi làm đồng, chăn trâu, kể cả các cháu trong độ tuổi học mẫu giáo".

Trưởng bản Vàng A Páo khoe rằng, Tu Thượng đã phổ cập tiểu học và THCS được 2 năm nay, bản có gần chục người tốt nghiệp THPT và có cả người tốt nghiệp đại học đi làm cán bộ. "Chỉ vài năm nữa thôi các thế hệ tương lai của bản lớn lên với kiến thức, văn hóa vững vàng. Khi ấy Tu Thượng sẽ giàu đẹp, tiến kịp miền xuôi"- ông Trưởng bản chào chúng tôi bằng cái bắt tay xiết chặt và tiếng cười rổn rảng.