Công tác giáo dục Tháng 2/2009, trong một lần đi họp lớp cùng
các bạn, em đã bị tai nạn giao thông, bị chảy máu màng não, gẫy lìa 3
đốt sống (3,4,5), tủy sống bị đứt lìa.
Tháng 2/2009, trong một lần đi họp lớp cùng các bạn, em đã bị tai nạn giao thông, bị chảy máu màng não, gẫy lìa 3 đốt sống (3,4,5), tủy sống bị đứt lìa.
Sau 5 tháng nằm viện với hai lần phẫu thuật, tính mạng em được cứu sống nhưng em bị liệt từ ngực trở xuống, mãi mãi không thể bước đi được nữa. Đó là sinh viên Tô Thị Yến, lớp Thương mại A khoá 49 - Khoa Thương mại & Kinh tế Quốc tế, ĐH Kinh tế Quốc dân.
Yến được mẹ đẩy xe lăn tới trường.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình cả bố và mẹ đều là công nhân. Yến và cậu em trai kém mình 1 tuổi đều là những học sinh ngoan giỏi của lớp chuyên Toán – trường Đại học Vinh. Khi Yến thi đỗ vào khoa Thương mại và Kinh tế Quốc tế – Trường Đại học KTQD, cha mẹ Yến đã vô cùng hạnh phúc và tự hào về cô con gái lớn của mình, Họ mong chắt chiu làm lụng nuôi hai chị em Yến ăn học, kỳ vọng một ngày không xa các con trưởng thành sẽ là những người có ích cho gia đình và xã hội. Nhưng bỗng đâu tai họa ập xuống với em và gia đình. Tháng 2 năm 2009, trong một lần đi họp lớp cùng các bạn, em đã bị tai nạn giao thông, bị chảy máu màng não, gẫy lìa 3 đốt sống (3,4,5), tủy sống bị đứt lìa.
Sau 5 tháng nằm viện với hai lần phẫu thuật, tính mạng em được cứu sống nhưng em bị liệt từ ngực trở xuống, mãi mãi không thể bước đi được nữa. Bất hạnh này đối với em quá lớn. Em - cô sinh viên 22 tuổi, đang tràn đầy ước mơ và hoài bão tươi đẹp, bao khát vọng phía trước đang chờ thực hiện đã khép lại. Và em không thể chấp nhận sự thật ấy, em không muốn sống, không muốn gặp bất kỳ ai, muốn hủy hoại cuộc sống của mình, ngày ngày chìm đắm trong nỗi đau tinh thần và thể xác của riêng mình.
Nhưng bằng tình yêu thương, sự kiên trì động viên thuyết phục của cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè đã dần kéo em từ “cõi chết trở về”. Em chấp nhận sự thật, vượt lên nỗi đau và bắt đầu hòa nhập với cuộc sống, giao tiếp với mọi người.
Mẹ cõng Yến lên lớp
Sau một năm điều trị, em quyết tâm quay lại với giảng đường đại học và dường như, sau khi tâm hồn được sống lại, nó trỗi dậy với sức sống mới, mạnh mẽ hơn, can đảm và mãnh liệt hơn. Em quên đi nỗi đau tinh thần và thể xác, những cơn co giật trên lớp học làm chân tay em bầm tím, những ánh mắt thương cảm của mọi người dành cho em đôi khi cũng làm em chạnh lòng tủi thân cho số phận của mình. Và em học, học trong những cơn đau hành hạ, học để mong sau này dù không còn đôi chân để đứng, để đi lại thì em vẫn còn đôi tay và trí óc, em vẫn là người có ích.
Bằng nghị lực của bản thân và sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, em đã nỗ lực học tập và đạt kết quả cao - điểm TB học tập 8.0. Thành quả đó là để thực hiện ước mơ và cũng là đền đáp công ơn cha mẹ, thầy cô, bạn bè, những người đã rất quan tâm lo lắng cho em.
Tô Thị Yến (ngồi) và mẹ tặng hoa các thầy cô giáo
ở phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên, trường ĐH Kinh tế Quốc dân
Khi em bị tai nạn, gia đình đã phải vay mượn cả trăm triệu đồng phẫu thuật cho em, rồi còn cả một thời gian dài dưỡng bệnh. Giờ đây, gia đình em lâm vào cảnh kiệt quệ. Đồng lương công nhân của bố không thể đủ cho khoản thuốc men, ăn ở của em. Mẹ vừa đưa em đi học vừa đi làm giúp việc theo giờ. Em trai em mặc dù thi đại học Xây dựng năm đầu được 18.5 điểm nhưng nghĩ cảnh nhà mình khó khăn nên cũng không thi lại, đi làm để lấy tiền phụ giúp cha mẹ chữa bệnh và nuôi chị ăn học.
Thế nhưng tất cả những nỗ lực của cả gia đình cộng lại cũng chẳng thấm tháp vào đâu với khoản chi hàng tháng quá lớn. Chỉ tính riêng tiền mua các dụng cụ y tế, ống dẫn dịch, băng bông, bỉm, thuốc men cho em hàng tháng đã lên tới vài triệu, chưa kể tiền ăn, tiền thuê phòng trọ hàng tháng. Nhiều lúc nhìn mẹ lặng lẽ chăm sóc cho mình mà lòng em đau nhói. Em biết mẹ rất lo cho em, lo cho cả một chặng đường dài phía trước.
Tâm sự với chúng tôi, em mong là sau khi tốt nghiệp ngành QTKD TMQT, em sẽ cố gắng học thêm một bằng nữa - bằng 2 chuyên ngành Kế toán, để sau này hy vọng có một công ty, một doanh nghiệp nào đó sẽ nhận em vào làm, và khi đó em có thể tự kiếm được tiền để nuôi sống bản thân mình.
Nhìn em, nghe những tâm sự của em, tôi ước có một phép màu cho đôi chân em đứng được, cho em sức mạnh để vượt lên số phận mình.
“Sống ở trên đời cần có một tấm lòng. Để làm gì? Để cho gió cuốn đi. Tôi mong gió hãy cuốn đi trong em những cơn đau đớn thể xác, những nỗi buồn trong tâm hồn em; và gió hãy mang về cho em những tấm lòng hảo tâm rộng mở, những vòng tay ấm áp để sưởi ấm trái tim em. Và em hãy tin, hãy nhìn về phía trước – Một mùa xuân nắng ấm đang về! Ngày mai là một ngày mới sẽ đến với em.