Cô giáo trẻ công khai có AIDS để sống có ích
21:01 27/12/2011 2585
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Cô giáo Đỗ Thị Thu Hà, sinh năm 1980 trong một gia đình ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tuổi thơ của Hà trôi qua thật đẹp, thật bình yên trong sự đùm bọc, thương yêu, chăm lo chu đáo của gia đình.
Cô giáo Thu Hà và các em học sinh |
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tĩnh khoa Mầm Non, Thu Hà tự nguyện về công tác ở quê nhà, tại Trường Mầm non Sơn Kim1. Năm 2001 chị lập gia đình với một chàng trai cùng làng, khôi ngô tuấn tú, làm nghề lái xe, có hoàn cảnh gia đình khá giả. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ luôn hòa thuận và niềm hạnh phúc được nhân lên khi cô con gái nhỏ của họ chào đời. Nhưng, “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, Hà tình cờ phát hiện chồng mình nghiện ma túy. Hà tâm tự “Nỗi buồn quá lớn với em, may em còn có niềm động viên lớn lao từ gia đình và đặc biệt là cô con gái bé bỏng đáng yêu. Em đã thường xuyên động viên chồng cai nghiện để cùng xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Dù rất thương yêu vợ con nhưng chứng nghiện ma túy khiến chồng Hà quên đi tất cả, sau những phút giây hứa hẹn sửa chữa thì anh lại lao vào những tháng ngày dài chích, hít cùng đám bạn. Cuộc sống cứ thế trôi qua, cho đến năm 2006 chồng chị không may bị tai nạn giao thông phải đến bệnh viện để chữa trị vết thương. Tại đây, sau khi làm xét nghiệm máu, các bác sỹ phát hiện ra anh bị nhiễm vi rút HIV. Căn bệnh phát sinh trong cơ thể chồng chị từ lâu, nay đã chuyển sang giai đoạn cuối. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chồng chị về với Tổ tiên, để lại cho chị một đứa con vừa tròn 03 tuổi và căn bệnh thế kỷ HIV lây nhiễm từ chồng; điều may mắn khi kết quả xét nghiệm cho thấy con gái chị hoàn toàn âm tính với rút HIV.
Sau khi chồng qua đời, Thu Hà rất e ngại với mọi người và tự ty với hoàn cảnh, số phận không may của mình. Sau bao đêm ôm con khóc ròng, cùng với sự đùm bọc, động viên của bạn bè, đồng nghiệp, của người thân, gia đình, chị quyết tâm đứng lên, vượt qua nỗi đau, vượt qua số phận để sống làm người có ích và điều quan trọng hơn hết là để trở thành niềm tự hào cho con gái mình khi con khôn lớn. Chị đã tự vạch cho mình một lộ trình sống với những việc làm có ý nghĩa. Với suy nghĩ, căn bệnh của mình rất dễ lây nhiễm, nhất là trong môi trường giáo dục mầm non, thường xuyên phải trực tiếp chăm lo cho các cháu, nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao, vả lại các phụ huynh cũng khó chấp nhận việc một cô giáo bị nhiễm HIV chăm sóc cho con của mình, Thu Hà đã viết đơn xin nghỉ việc. Biết chuyện, chị em giáo viên trong trường mầm non Sơn Kim 1 đã ra sức khuyên bảo, động viên, an ủi chị Hà vững tin bước tiếp, đích thân cô hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Hoa đã đến tận nhà, trò chuyện, phân tích mọi tình huống và mong chị tiếp tục trở lại đứng lớp.
Trước tình cảm chân thành của cô hiệu trưởng và đồng nghiệp, Thu Hà cảm động vô cùng, chị rút lại tờ đơn xin nghỉ việc, đồng thời tìm đọc tất cả những tài liệu liên quan đến HIV/AIDS, trực tiếp đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh để được tư vấn về cách sống chung với “H” một cách lành mạnh, an toàn cho bản thân và xã hội. Sau khi có những kiến thức cơ bản, cô giáo Thu Hà mạnh dạn quay trở lại lớp học trong sự cảm thông của đồng nghiệp và sự nhớ mong của các cháu nhỏ. Những ngày mới trở lại trường, Thu Hà cùng cô hiệu trưởng mạnh dạn đến từng nhà, gặp gỡ các phụ huynh để giải thích cho họ hiểu về những con đường lây nhiễm và cách phòng tránh HIV. Thu Hà đã được các phụ huynh thông cảm, chia sẻ nỗi đau, tin tưởng giao con cái mình cho chị dạy dỗ, chăm sóc.
Hà luôn trăn trở, mình là người có “H”, mình may mắn có được sự chia sẻ, giúp đỡ từ nhiều phía, những người cùng có “H” như mình, nếu họ không có kiến thức, nhận thức chưa cao về trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng thì sẽ ra sao? Bao nhiêu người nữa sẽ bị nguy cơ lây nhiễm từ họ? Thu Hà tự hứa với mình sẽ cố gắng thật nhiều để chia sẻ nỗi niềm, giúp đỡ những người có “H” có thêm nghị lực sống, hòa nhập cộng đồng, tránh kỳ thị và quan trọng là để xã hội có cái nhìn thân thiện với những người có “H” như các chị. Chị chủ động ghi tên mình tham gia vào Câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng Hà Tĩnh” dành cho những người nhiễm HIV ở trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh. Sau một thời gian hoạt động tại Câu lạc bộ, đến năm 2010 Thu Hà vận động mọi người thành lập Câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng Hương Sơn” và sau đó đổi tên thành Nhóm “Sông Lam xanh Hà Tĩnh” do chị làm trưởng Nhóm. Từ chỗ chỉ có một vài người tham gia, đến nay Nhóm đã có số lượng thành viên lên đến 23 người, trong có 3 người không bị nhiễm HIV, số còn lại là những người nghiện ma túy và những người có nguy cơ cao. Từ khi thành lập đến nay, Nhóm “Sông Lam xanh Hà Tĩnh” thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người có “H”, người thân của người có “H” và các thành viên của Nhóm. Theo định kỳ, mỗi tháng Nhóm tổ chức sinh hoạt một lần, nội dung sinh hoạt có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả; thường xuyên tham gia tuyên truyền HIV/AIDS bằng các hình thức sáng tạo như: Phát các tài liệu liên quan đến “H” đến tận các cơ quan, trường học và người dân để giúp mọi người hiểu thêm về “H”, hiểu về những người bị căn bệnh này. Ngoài ra, việc thành lập Nhóm và hoạt động của Nhóm còn là cơ hội để những người bị nhiễm “H” có thuốc điều trị và biết cách bảo vệ cho mình và mọi người. Thu Hà còn là tuyên truyền viên cho Dự án World Bank do Ngân hàng thế giới tài trợ. Mục đích của Dự án này là đưa những người nhiễm HIV không dám tiếp xúc với cộng đồng ra công khai hoạt động, tránh lây nhiễm cho những người xung quanh do không hiểu biết.
Với tinh thần trách nhiệm cao, chuyên môn giỏi cộng với năng khiếu thiên bẩm nên chị luôn nhận được lời khen ngợi của phụ huynh, được các cháu nhỏ yêu quý. Năm nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu lao động tiên tiến cấp huyện và nhiều danh hiệu cao quý khác. Một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời Thu Hà cũng là niềm vinh dự, động viên lớn lao đối với chị, đó là trong cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng” tổ chức vào tháng 11/2010 tại Hà Nội, mẹ con chị Hà tham gia và đoạt giải khuyến khích.
Tấm gương cô giáo trẻ Đỗ Thị Thu Hà đã thực sự tỏa sáng, chị đã mạnh dạn công khai có AIDS để sống có ích. Mặc dù, hiện nay mỗi ngày chị phải uống hai lần thuốc để chống chọi với bệnh tật nhưng trên gương mặt người phụ nữ tuổi thanh niên ấy vẫn toát lên một nét đẹp thanh thoát, một niềm tin sắt đá vào cuộc sống tương lai.