“Cô gái da cam” tốt nghiệp ĐH loại giỏi

08:48 04/08/2011     3356

Công tác giáo dục   Vượt qua những cơn đau và sự mặc cảm về số phận do di chứng chất độc da cam, Phan Thị Thu Hiền (sinh năm 1984, ngành Sư phạm Giáo dục chính trị - ĐH Sư phạm Đà Nẵng) đã hoàn thành xuất sắc chương trình đại học trong 3 năm, tốt nghiệp loại giỏi.
Vượt lên số phận nghiệt ngã

Trong buổi lễ tốt nghiệp hôm 26/7 vừa rồi, cầm tấm bằng đỏ trên tay, Hiền xúc động chia sẻ: “Có được thành quả như ngày hôm nay, tất cả đều nhờ có sự giúp đỡ, động viên từ thầy cô và bạn bè, đặc biệt là mẹ - những người sát cánh cùng Hiền suốt 3 năm học”.
Phan Thị Thu Hiền trong lễ tốt nghiệp đại học ngày 26/7/2011.
Phan Thị Thu Hiền trong lễ tốt nghiệp đại học ngày 26/7/2011.

Với bằng tốt nghiệp loại giỏi, vậy là Hiền đã ghi thêm vào bảng thành tích của mình, đã thực hiện được một phần ước mơ, ấp ủ trong câu nói: “Ý nghĩa cuộc sống của một con người không phải phụ thuộc vào thời gian dài hay ngắn mà phụ thuộc vào những gì mình gặt hái được”.

Đi thêm một đoạn đường mới, Hiền nhớ lại những ngày tháng gian khổ đèn sách: “Mình không được như bao bạn khác nên thời gian rảnh chỉ biết lấy chữ làm niềm vui”. 10 ngón trên đôi bàn tay ngón thì cụt ngủn quắp lại, ngón thì thẳng nhưng mềm không xương. Vì vậy, những giờ trên lớp, Hiền chỉ ghi chép những nội dung mà thầy giáo nhấn mạnh, còn lại về tự đọc sách và tìm hiểu thêm.

Không được như bao chúng bạn cùng lứa, Hiền sinh ra và lớn lên trong  một gia đình nghèo, chưa đầy một tuổi cha mẹ ly dị. Mẹ Hiền là cán bộ phòng văn hóa huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Còn bố là bộ đội phục vụ trong quân ngũ, từng tham gia cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam.

Năm Hiền lên 12 tuổi, căn bệnh di truyền chất độc da cam bộc phát do di chứng người cha để lại, khi đó chị mới là cô học sinh lớp 9. Cô nữ sinh hồn nhiên, học giỏi có biệt tài làm thơ, từng đăng trên các báo Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong thường xuyên bị ngất xỉu. Có những khi Hiền đang học trên lớp thì máu mũi trào ra ướt hết trang giấy trắng. Đau đớn không khiến chị lùi bước, Hiền vẫn tiếp tục học hết lớp 12 và thi đỗ vào khoa Ngữ văn Trường ĐH Đà Lạt năm 2001. Oái ăm thay, đây là lúc di chứng chất độc da cam bộc phát mạnh nhất. Chị đành tạm gác giấc mơ thành cô giáo.

6 năm sau (2007), Hiền nộp hồ sơ và thi đậu vào ngành Sư phạm chính trị, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

Bằng nghị lực của mình, Hiền đã vượt qua số phận và tạo nên những kỳ tích đáng khâm phục. Hiền là một trong ba sinh viên trong lớp được nhận học bổng ba năm liền; được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tặng giấy khen “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong phấn đấu rèn luyện và học tập”  nhân dịp 8/3/2009; đạt danh hiệu “Thanh niên sống đẹp vì cộng đồng” do Đoàn thanh niên TP Đà Nẵng trao tặng (26/3/2009); được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao tặng bằng khen trong lễ tuyên dương “Nhà giáo và sinh viên tiêu biểu xuất sắc khu vực miền Trung - Tây Nguyên” (6/3/2010)…

Đặc biệt, luận văn tốt nghiệp của Hiền đạt số điểm gần như tuyệt đối 9.92 vừa qua đã khiến mọi người trầm trồ khen ngợi.

Được biết, ngoài thời gian học, Hiền tranh thủ đi dạy cho các em ở Trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu và Trung tâm Bảo trợ trẻ em chất độc da cam ở TP Đà Nẵng. Ở nơi đó, Hiền cảm thấy đầu óc thanh thản, không suy nghĩ chuyện đời, cuộc sống mà chỉ có sự yêu thương đùm bọc. Hiền thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục sống khẳng định bản thân.

Trong lễ trao bằng tốt nghiệp khóa 2007-2011 ngày 26/7 vừa rồi, TS. Nguyễn Bảo Hoàng Thanh - hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết: “Hiền là tâm gương sáng vươn lên trong học tập, là niềm tự hào của nhà trường”.

Gian nan con đường tương lai


Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải Sâm - mẹ Hiền đau đớn cho biết: “Hiền sẽ không sống được lâu, dài nhất là 40 tuổi, nhanh thì 30 - 35 tuổi. Vài năm nữa khi chất độc da cam phát tán mạnh, Hiền sẽ không thể đứng trên đôi chân của chính mình mà phải ngồi xe lăn, đeo kính trợ lực…”.
Bà Nguyễn Thị Hải Sâm từ Nghệ An vào Đà Nẵng để chung vui cùng con trong buổi lễ tốt nghiệp ĐH.

Số phận nghiệt ngã là vậy nhưng Hiền vẫn tự tin, lạc quan trong cuộc sống.

Lặn lội vượt hàng trăm cây số từ Nghệ An vào dự lễ tốt nghiệp của con gái, bà Sâm chia sẻ: “Thấy con mình cố gắng học tốt tôi cũng thấy hãnh diện, nhưng vui thì ít lo lắng thì nhiều bởi vì sức khỏe nó yếu, hoạt động không được nhanh nhẹn như người khác nên không biết công việc sau này sẽ ra sao”.

Được biết, nhà Hiền có 2 chị em, chị cả đã lập gia đình, chỉ còn mẹ và bà ngoại đã ngoài 80 tuổi. Mong muốn của Hiền là được ở lại Đà Nẵng, bởi khí hậu nơi đây sẽ tốt hơn cho sức khỏe của Hiền.

Triết lý sống mà Hiền tâm đắc nhất là: "Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc.Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười!". Bởi vậy, chị khát khao cống hiến cho cuộc đời, muốn đi làm tự nuôi sống bản thân, chăm sóc mẹ và bà ngoại.  Để sớm đạt được ý nguyện đó, ngay khi biết kết quả học tập, Hiền đã gõ cửa nhiều trung tâm và doanh nghiệp nhưng không nhận được hồi âm.

Bà Phùng Thị Yến (ở 512 Ông Ích Khiêm, TP Đà Nẵng) - người đã đỡ đầu cho Hiền trong suốt 3 năm nay trăn trở với chúng tôi : “Liệu Hiền như vậy thì đi làm có ai nhận không? Nhìn cháu mà ruột gan tôi như quặn lại, tôi mong sao có thêm những tấm lòng bác ái, những nhà hảo tâm, hiểu và chia sẻ thêm với hoàn cảnh rất đặc biệt này”.