Có đói cũng không nghỉ học

08:45 12/10/2011     2667

Công tác giáo dục   Cái nghèo xuyên suốt hoàn cảnh của 125 tân sinh viên các tỉnh miền Đông Nam bộ nhận học bổng đợt này. Nhưng trên hết chính là nghị lực vượt khó để có thể tiếp tục được học sau khi đã bước đến cánh cổng giảng đường ĐH.

Vũ Thanh Trang một buổi đi học, buổi còn lại phụ việc trong quán cơm - Ảnh: PHI LONG

Bức thư dài 16 trang

Gửi kèm trong hồ sơ xét học bổng, Vũ Thanh Trang - tân sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM - đã viết một bức thư dài 16 trang giấy học trò với những dòng đau đáu: “Dù biết rằng cơ hội rất mỏng manh nhưng tôi vẫn hi vọng có một phép mầu xuất hiện để có thể tiếp tục thực hiện ước mơ được đến trường”.

Ba làm phụ hồ rày đây mai đó, mẹ bị ung thư và hen suyễn nặng nên tiền thuốc ngốn gần hết thu nhập ít ỏi của cả gia đình. Biết hoàn cảnh gia đình, từ khi còn là học sinh cấp III, sau giờ học Trang lại tìm đến xưởng làm hạt điều ở thị trấn Châu Thành (Tây Ninh) để làm thêm. Cũng có thời điểm ở năm học cuối cấp, Trang đã nghĩ đến chuyện bỏ học vì lúc đó gia đình không còn tiền đóng học phí, nhưng chính bạn bè cùng lớp đã tiếp sức để em có thể tiếp tục học.

Ngay cả khi vừa tốt nghiệp THPT, thời gian Trang ở xưởng nhiều hơn ở nhà ôn thi vì “nếu đậu mà không có tiền thì tôi cũng không thể nào đi học”. Trước ngày nhập học, Trang đã dành dụm được hơn 1,5 triệu đồng từ tiền làm thêm để đóng các khoản thu đầu năm. Lên ở trọ tại một quán cơm trên đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9, TP.HCM), nhờ tính tình hiền lành, chịu thương chịu khó nên chị chủ quán nhận Trang phụ bưng bê, dọn dẹp để em có thêm thu nhập.

Nói về lý do chọn làm cô giáo mầm non, Trang chia sẻ: “Ở quê, trẻ em rất thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, ba mẹ các em thường vất vả với việc mưu sinh nên tôi tin mình có thể bù đắp được phần nào tình cảm dành cho các em thông qua công việc của mình”.

Hồ Thị Băng Trâm mồ côi cha mẹ từ năm 15 tuổi, ngoài giờ học Trâm phải phụ ngoại nuôi em - Ảnh: Bình THANH

Gắng học để thành người có ích

Hồ Thị Băng Trâm (Bà Rịa - Vũng Tàu) mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chưa tròn 15 tuổi. Cô gái nhỏ nhắn này phải thay cha mẹ chăm sóc em gái và đỡ đần ông bà ngoại đã già yếu. Thương ông bà, chị em Trâm thay phiên nấu cơm, dọn dẹp nhà rồi giúp bà nấu chè, gánh chè bán mỗi khi rảnh rỗi. Ngày ngày Băng Trâm cùng ông ngoại đi kiếm củi về để bà nấu chè. 3,4 giờ sáng Trâm đã dậy phụ bà làm hàng và tranh thủ chút ít thời gian ôn bài.

Dẫu hoàn cảnh khó khăn, Băng Trâm vẫn cố gắng học tốt và đã thi đậu vào Khoa luật Đại học Sài Gòn - ngành học đúng với ước mơ từ nhỏ của Trâm. Hiện nay Trâm đang tích cực tìm việc làm thêm để kiếm tiền phụ ông bà thuốc thang và nuôi cô em gái đang học cấp III. “Tôi chỉ muốn học xong đại học thật nhanh để có điều kiện phụng dưỡng ông bà, chăm cậu và lo cho em gái học hành đến nơi đến chốn. Dù có phải làm thêm ngày đêm hay bữa đói bữa no, chị em tôi cũng sẽ cố gắng không nghỉ học”- Băng Trâm bộc bạch.

Cha đã qua đời, mẹ đau ốm liên miên nhưng vẫn cặm cụi làm đủ nghề: làm ruộng, trồng mía, đi bán bánh tráng, nên ngoài học văn hóa tại Trường THPT Bến Cát (Bình Dương), Trần Văn Lãm (tân sinh viên Đại học Sài Gòn) phải đi làm thêm để phụ gia đình. Từ làm thuê trong các trại chăn nuôi heo, đi nhổ cỏ trong vườn cao su hay làm công nhân may em đều đã trải qua. Chân ướt chân ráo lên Sài Gòn nhập học, qua sự giới thiệu của thầy Thế Vinh - giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (Bình Dương) - Lãm cùng hai người bạn khác có chỗ ở miễn phí tại một chung cư nhỏ trên đường D3 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Người chủ ở đây còn tạo điều kiện cho Lãm và các bạn kiếm thêm chút thu nhập qua việc trông giữ xe tại chung cư.

“Tôi định đầu tháng 11 này sẽ đi dạy thêm hoặc xin làm bảo vệ, phục vụ ở nhà hàng vào ca đêm để có thể tự nuôi bản thân mình, dành dụm mua chiếc máy tính cũ để học và dành tiền gửi về phụ mẹ”. Với học bổng “Tiếp sức đến trường” lần này, Lãm muốn đóng góp một phần vào quỹ từ thiện của Trung tâm Hướng Dương, mua bộ đồ mới cho mẹ và em gái, còn lại sẽ dùng để chi tiêu ăn ở trong những ngày sắp tới khi chưa kiếm được việc làm thêm.

PHI LONG - BÌNH THANH

30 tỉ đồng, trên 6.500 suất học bổng

Tối nay 12-10, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng bảy tỉnh thành đoàn và sở giáo dục - đào tạo các tỉnh miền Đông Nam bộ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 125 tân sinh viên đang học tại TP.HCM với tổng kinh phí 625 triệu đồng (5.000.000 đ/học bổng).

125 suất học bổng này do nhãn hàng nước cốt gà Brand’s, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Công ty võng xếp Duy Lợi, Ủy ban Tương trợ người VN tại Đức, giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ. Dịp này, Công ty TNHH Asama Yuh Jiun Int'l  VN (Bình Dương) tài trợ 60 xe đạp cho các tân sinh viên và ba tỉnh Bắc Trung bộ trị giá 111 triệu đồng.

Năm 2011, chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ đã trao 1.430 suất học bổng cho tân sinh viên trên 52 tỉnh thành của cả nước với tổng kinh phí trên 7,15 tỉ đồng, do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (trên 2,960 tỉ đồng), các CLB “Nghĩa tình Quảng Trị” (510 triệu đồng), “Tiếp sức đến trường Thừa Thiên - Huế” (420 triệu đồng), “Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng” (510 triệu đồng), “Tiếp sức đến trường Quảng Ngãi” (520 triệu đồng), “Tiếp sức đến trường Tiền Giang”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Tiền Giang, Quỹ học bổng Nhân Thiện (Bến Tre) và Công ty CP Gò Đàng (800 triệu đồng), Công ty CP Khang Thông (250 triệu đồng), Công ty Incomex Saigon Group và Hội Doanh nghiệp trẻ Khánh Hòa (255 triệu đồng), Công ty Sony Electronics VN (300 triệu đồng) tài trợ.

Chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ thực hiện từ năm 2003 đến nay, sau chín năm đã trao gần 6.500 học bổng cho tân sinh viên với tổng kinh phí trên 30 tỉ đồng.