Chuyện về nữ đảng viên 83 năm tuổi Đảng

20:23 05/03/2013     1739

Công tác giáo dục   Nguyên là Ủy viên Đảng đoàn, thường trực Phụ vận TW Hội LHPN Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa II, III, hơn 80 năm tuổi Đảng, cụ Phạm Thị Trinh vẫn đủ minh mẫn kể lại cho lớp con cháu về thời gian hoạt động gian khó nhưng luôn một lòng kiên định theo Đảng. Những bài học của cụ vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hôm nay.
Trở thành đảng viên năm 16 tuổi

Sinh ra trên mảnh đất nghèo khó huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi giàu truyền thống yêu nước, những buổi đầu tham gia cách mạng, cô Một (tên hồi đó của cụ Trinh) khi ấy mới 16 tuổi, được tổ chức giao cho nhiệm vụ bí mật, rải truyền đơn lên đường làng, dán lên tường đình làng và treo cờ búa liềm lên các ngọn cây cổ thụ. Nhiệt huyết hoạt động ngày thêm dâng cao, đặc biệt là cuộc biểu tình ở Sơn Tịnh tháng 11/1930, cô Một có nhiệm vụ cầm cờ dẫn đầu cuộc biểu tình nhằm phản đối giặc bắn giết đồng bào trong cuộc biểu tình lần trước khiến tri huyện Sơn Tịnh khiếp sợ, phải đứng ra xin lỗi và nhận bản yêu sách để trình lên tỉnh giải quyết. Đến cuối năm 1930, cô Một vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 8/1931, khi địa điểm hoạt động trên núi Hòn Dầu bị lộ, cụ và nhiều đồng chí bị địch bắt giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Bất chấp mọi cực hình tra tấn dã man và mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ của bọn tuần phủ, mật thám, người nữ đảng viên chưa tròn 18 tuổi này vẫn giữ trọn khí tiết của người cộng sản. Không chỉ vậy, trong điều kiện tù ngục của thực dân, bà cùng các chị em tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị. Không có giấy vở, bà dùng gạch vỡ tập viết trong nhà lao.

Tình yêu chiến thắng lao tù

Trong cuốn hồi ký “Phạm Thị Trinh – Những chặng đường của Người mẹ”, cụ chia sẻ mối nhân duyên với người đồng chí, đồng hương tên là Nguyễn Chánh. Một mối tình đẹp và có hoàn cảnh thật kì lạ nảy sinh khi hai người cùng bị giam trong nhà lao Quảng Ngãi. Trong điều kiện khắc nghiệt của nhà tù là vậy, tình cảm, chí hướng, chung lòng nhiệt thành cách mạng và ham học hỏi đã vun đắp cho tình cảm hai người ngày càng bền chặt. Ngay cả đến ngày làm đám cưới, dù cả hai bên gia đình đều không tán thành cuộc hôn nhân này (vì hai nhà đều có vài ba người đều phải đi tù vì có người làm cộng sản nên không ai muốn rước thêm vào nhà mình những người phải vào tù, ra tội) nhưng họ vẫn đến được với nhau bằng tình yêu, trái tim trẻ trung đầy nhiệt huyết, cùng chung lí tưởng cách mạng, cùng yêu thơ, nghệ thuật.

Không chỉ là cán bộ cách mạng trung kiên, cụ Trinh cũng như bao người phụ nữ Việt Nam với tình cảm vô bờ của người mẹ đều dồn cả cho những người con khi người chồng mất sớm từ năm 1957. Chia sẻ kỉ niệm về người mẹ, bà Nguyễn Ngọc Sương, nguyên phóng viên truyền hình quân đội vẫn nhớ những ngày tham gia cuộc chiến đấu 12 ngày đêm đánh B52 Mỹ ở Hà Nội năm 1972. Bà Sương kể lại: “Trong những ngày này, mẹ tôi làm việc ở Cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam, có một đêm tôi tranh thủ về thăm mẹ đúng lúc B52 quần trên trời và thả bom trải thảm ở trên đầu. Bà liền kéo tôi nằm xuống và nằm đè lên trên. Khi ấy mình là quân nhân, lại trẻ trung, đáng lý mình phải che chở cho dân mà “người dân” lại chính là mẹ mình. Nhưng mẹ tôi đã làm ngược lại. Với mẹ, mình lúc nào cũng là đứa con nhỏ bé cần sự đùm bọc, chở che”.

Cuộc đời hoạt động của bà Phạm Thị Trinh là một tấm gương sáng về lòng trung thành với cách mạng, lòng tận tụy với công việc, tinh thần khắc phục khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác.

Trích lời giới thiệu của nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trương Mỹ Hoa cho Hồi kí “Những chặng đường của Người mẹ”.