Chuyện tình Phó chủ tịch xã trên cao nguyên đá
15:34 09/01/2013 3059
Công tác giáo dục Cùng là trí thức trẻ, cùng về làm phó chủ tịch xã ở huyện Đồng Văn (Hà Giang), Dương Minh Hải và Lục Thị Thu Nhâm đã đến với nhau, xây tổ ấm trên cao nguyên đá. Họ đang chờ đón đứa con đầu lòng chào đời!
Dấn thân
Tốt nghiệp khoa Lâm học của Đại học Lâm nghiệp năm 2011, Lục Thị Thu Nhâm (Ngọc Linh, Yên Minh, Hà Giang) mong muốn có được việc làm đúng chuyên môn.
|
Nhưng rồi Nhâm lại làm hồ sơ đăng ký dự án tuyển 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã tại các huyện nghèo. “Hôm mình đi nhận bằng tốt nghiệp, bố mẹ thông báo đang có chương trình tuyển trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã. Mình đăng ký ngay, dù trước đó rất muốn làm trong ngành kiểm lâm”, Nhâm nói. Biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng Nhâm muốn thử sức!
Nộp đơn và trúng tuyển, nguyện vọng của Nhâm là về công tác tại huyện Hoàng Su Phì, nhưng được phân công lên huyện Đồng Văn. Nhận nhiệm vụ, thân gái dặm trường, vượt qua hơn 170km đường đèo, dốc, Nhâm về làm phó chủ tịch xã Sính Lủng. “Ấn tượng ban đầu chẳng có gì khác ngoài đá. Chỗ nào cũng thấy đá. Lạnh lẽo và cô đơn”, Nhâm kể.
Thời gian đầu, nơi công tác thường xuyên thiếu nước nên hầu như ngày nào Nhâm cũng lên hồ trên núi xách nước về. Cứ dịp cuối tuần, các anh chị trong cơ quan về nhà hết, Nhâm ở lại một mình giữa căn nhà công vụ. Một thời gian sau, cứ ngày nghỉ là Nhâm cũng “khăn gói” phóng xe về với mẹ.
Làm phó chủ tịch xã đã khó, làm phó chủ tịch xã vùng cao còn khó hơn gấp nhiều lần. Đường vào bản xa xôi, toàn đá hộc, Nhâm không đi được xe máy, nhiều khi phải vượt đường rừng, núi vào nói chuyện với bà con.
“Thời gian đầu, ngày nào Nhâm cũng phải uống rượu”- Nhâm cười. Nhâm cho biết, phải uống rượu thì bà con mới nói chuyện.
Với mong muốn trải nghiệm thực tế, Dương Minh Hải làm đơn xin dự tuyển về làm phó chủ tịch xã Tả Phìn - xã giáp ranh với Sính Lủng. Cũng như Nhâm, lúc đầu lên nhận công tác, Hải gặp nhiều khó khăn khi làm quen với phong tục tập quán địa phương.
Đã nhiều lần, Hải bỏ lại xe máy, chặt cây làm gậy, vượt qua đồi, núi để vào thăm bà con dân bản. “Làm thế người ta mới quý, mới tin vào cán bộ”, Hải cho biết.
Cùng là trí thức trẻ, cùng nhận nhiệm vụ về làm phó chủ tịch hai xã giáp nhau, Nhâm và Hải có cơ hội chia sẻ với nhau. Nhắc đến chuyện gia đình, nữ phó chủ tịch xã cười “chúng mình quen nhau từ đợt cùng lên Đồng Văn.
Lúc đó, cũng chẳng ngờ sau này hai đứa lại mến nhau. Cứ nhắn tin qua lại rồi yêu lúc nào không hay”, Nhâm nhớ lại.
Tổ ấm trên cao nguyên đá
|
Ngày 11-12-2012 vừa qua, Hải và Nhâm làm đám cưới. Niềm vui càng nhân lên gấp bội khi Nhâm có tin mừng. Do hai xã cách nhau hơn chục cây số, để thuận tiện cho việc chăm sóc vợ, Hải chuyển hẳn sang bên xã Sính Lủng ở. “Mấy anh chị trong cơ quan cứ đùa sao phải đi ở rể thế”, Hải cười.
Căn phòng vợ chồng Nhâm ở là nhà công vụ của xã Sính Lủng, nằm trên một dãy núi xung quanh toàn đá tai mèo. Phòng rộng chừng khoảng hơn 20 mét vuông, được chia đôi bằng một tấm ri - đô.
Đằng sau là giường ngủ đơn sơ của hai vợ chồng. Phương tiện thông tin duy nhất trong phòng là một chiếc tivi đã cũ. “May mà còn có điện, chứ nếu không thì chả biết thông tin gì”, Nhâm nói.
Mỗi ngày, Hải đi xe hơn 10 cây số sang xã Tả Phìn làm việc. Chiều về, tạt qua chợ của người bản địa mua thức ăn về nấu nướng. Thi thoảng, tiện công việc khi ra thị trấn Đồng Văn hay xuống thành phố Hà Giang, anh mua cho Nhâm vài hộp sữa.
Cuộc sống còn nhiều khó khăn, công việc còn nhiều vất vả, nhưng trong căn phòng của vợ chồng Nhâm luôn ấm áp tình yêu thương.