Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đối thoại với thanh niên
09:10 29/06/2023 2109
Công tác giáo dục Chiều 29/6, Hội nghị đối thoại của đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với thanh niên năm 2023 được tổ chức với chủ đề: “Thanh niên thành phố Hà Nội khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số” đã diễn ra.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, bản thân cũng sẽ có đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ.
"Tôi biết các bạn trẻ hiện nay rất quan tâm đến các vấn đề đó là, làm sao cho thanh niên Thủ đô đến tuổi đi làm được đi làm; làm sao khi thất nghiệp thì có việc làm mới và nhiệm vụ của lãnh đạo sở, ngành thành phố phải lưu tâm đến việc chuyển hướng tư duy đào tạo ngành nghề có lợi thế, nhà trường chuyển sang đào tạo nhân lực xã hội cần", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, bản thân đồng chí cũng sẽ có đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ.
Chiều 29/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề: “Thanh niên thành phố Hà Nội khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các đại biểu tham gia đối thoại
Tham gia chương trình có Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các sở, ban, ngành và đông đảo đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trò chuyện với các đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của Thủ đô
Tham dự hội nghị tại điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã có các đồng chí lãnh đạo UBND, các ban, ngành, đoàn thể và 2.000 đoàn viên, thanh niên đại diện cho gần 3 triệu thanh niên Thủ đô Hà Nội.
Việc làm, khởi nghiệp và chuyển đổi số - mối quan tâm hàng đầu của thanh niên Thủ đô
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh nhấn mạnh: Hội nghị đối thoại là diễn đàn quan trọng để lãnh đạo thành phố lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, thanh niên. Qua hội nghị, lãnh đạo thành phố cũng hiểu hơn thanh niên, từ đó có những quyết sách tạo điều kiện cho thanh niên Hà Nội phát triển.
“Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố cũng như Nghị quyết của HĐND thành phố đã quyết nghị mục tiêu tổng quát Chương trình phát triển thanh niên thành phố Hà Nội là: Xây dựng thế hệ thanh niên thành phố phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng Thủ đô Hà Nội và đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ".
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị đối thoại, những băn khoăn, vướng mắc của các đoàn viên, thanh niên về các lĩnh vực: Chính sách cho thanh niên vay vốn đi du học và khởi nghiệp; chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm; hỗ trợ thanh niên kinh doanh trên môi trường số; giáo dục truyền thống lịch sử cho thanh niên… đã được đại diện lãnh đạo các sở, ngành và đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh trực tiếp giải đáp.
Bí thư Đoàn Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Trần Tuấn Dương phát biểu tại hội nghị.
Trả lời câu hỏi của Bí thư Đoàn Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Trần Tuấn Dương về việc lao động thanh niên chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương, cho biết: Lao động, việc làm là vấn đề ở bất kỳ giai đoạn nào đều được mọi người quan tâm, nhất là giới trẻ. Hiện thành phố đang triển khai chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho 6 nhóm đối tượng gồm: Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề dưới 3 tháng cho thanh niên nông thôn, trong đó có hỗ trợ tiền ăn, đi lại. Thứ hai, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho những người bị thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng. Thứ ba, hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Thứ tư, hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ năm, hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh THPT khi chuyển sang học nghề và thứ sáu, hỗ trợ các đối tượng sau thi hành án trở về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng.
Giải đáp thêm thắc mắc của Bí thư Đoàn Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, chia sẻ: "Tôi biết các bạn trẻ hiện nay rất quan tâm đến các vấn đề thực tế. Đó là, làm sao cho thanh niên Thủ đô đến tuổi đi làm được đi làm; làm sao khi thất nghiệp thì có việc làm mới và nhiệm vụ của lãnh đạo sở, ngành thành phố phải lưu tâm đến việc chuyển hướng tư duy đào tạo ngành nghề có lợi thế, nhà trường chuyển sang đào tạo nhân lực xã hội cần". Với cương vị là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, bản thân đồng chí cũng sẽ có những đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ.
Về câu hỏi của Bí thư Đoàn xã Cao Dương, huyện Thanh Oai Nguyễn Văn Biển liên quan đến nguồn vốn ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố theo quy định người vay phải thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, dẫn đến việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết, cho biết, nhu cầu vay vốn đi học và vay vốn đi xuất khẩu lao động của thanh niên rất lớn. Hiện thành phố cũng đã thực hiện hai cơ chế cho vay, chủ yếu phục vụ các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên. Thời gian tới, Ngân hành Chính sách Hà Nội phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan sẽ triển khai các chương trình cho vay đúng đối tượng cần giải quyết việc làm.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, cần nhận biết rõ hơn nữa về tuổi trẻ trên cương vị là những cá nhân độc lập tự chủ. Như nhiều quốc gia trên thế giới, khi 18 tuổi, các em không còn phụ thuộc vào kinh tế gia đình, vì thế có thể tự chủ trong vấn đề vay và trả vốn; phải giao sự tự chủ cho thanh niên để giúp thanh niên nâng cao năng lực, danh dự của mình.
Bí thư Đoàn Thanh niên phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm Đàm Mỹ Phượng lại quan tâm đến việc thành phố sẽ hỗ trợ thanh niên tham gia kinh doanh trên môi trường số...
Trả lời câu hỏi, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, cho biết: Kinh doanh bán hàng online là một hình thức kinh doanh thương mại điện tử và được pháp luật Việt Nam công nhận, các bạn trẻ phải chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước. Và cần tìm hiểu các chương trình hỗ trợ kinh doanh thương mại điện tử của thành phố để có thể tham gia các lớp tập huấn livestream, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khuyến khích các bạn trẻ kinh doanh đúng pháp luật, vì mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng mong muốn, thời gian tới Đoàn Thanh niên mỗi địa phương, mỗi cơ sở sẽ phát động phong trào thanh niên tham gia quảng bá và bán sản phẩm OCOP của địa bàn mình.
Phó Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì Hoàng Minh Hằng nêu vấn đề: Cải cách hành chính đang được các cấp chính quyền quan tâm, chuyển đổi số nhanh, đem lại nhiều lợi ích trong việc sử dụng các dịch vụ công của nhân dân; đồng thời mong muốn, Chủ tịch UBND thành phố và các sở liên quan nghiên cứu tích hợp các ứng dụng (app) hiện hành vào một ứng dụng chung.
Giải đáp thắc mắc của bạn Hoàng Minh Hằng, đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hiện chúng ta đang có 3 ứng dụng về thủ tục hành chính, quản lý dữ liệu dân cư và sổ tay đảng viên điện tử. Trong đó, dữ liệu dân cư quốc gia rất quan trọng, được khai thác để thay thế cho các giấy tờ khác như sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe… Những ứng dụng này sẽ quy về một mối và thời gian tới sẽ có một “super app” như mong muốn.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội Phạm Minh Phúc đề xuất phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan để đưa hệ thống dữ liệu số này vào các bài giảng môn lịch sử trong trường học, qua đó góp phần đổi mới phương thức giảng dạy và áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục lịch sử đối với học sinh Thủ đô...
Về nội dung này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, việc mã hóa “Địa chỉ đỏ” chuyển đổi số cho công tác giáo dục truyền thống lịch sử của Thủ đô là nội dung mà Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố và ngành Giáo dục rất quan tâm. Hiện Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có hơn 2.384 di tích được xếp hạng… Việc mã hóa di tích rất hữu ích, giúp các em học sinh dễ dàng tiếp cận những tri thức về truyền thống lịch sử, qua đó khơi lên ý chí, khát vọng cống hiến cho Thủ đô, đất nước.
Hãy hành động cụ thể để có thể làm chủ ngay từ bây giờ
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, nhiệt huyết trong các phong trào hành động cách mạng.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận hội nghị.
Bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ của Thủ đô phải xác định mình là những người làm chủ đất nước; trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, từ lao động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nghiên cứu khoa học, tham gia các lực lượng vũ trang… Với vai trò lực lượng nòng cốt, Chủ tịch UBND thành phố mong muốn thế hệ trẻ đừng nghĩ mình là chủ nhân trong tương lai mà hãy hành động cụ thể để có thể làm chủ ngay từ bây giờ.
“Tôi mong muốn được trao đổi, lắng nghe nhiều hơn ý kiến của các bạn trẻ, để cập nhật kiến thức, tư duy dưới những góc nhìn mới mẻ, sáng tạo của thanh niên. Qua đó, giúp lãnh đạo thành phố cập nhật thông tin của thanh niên nhanh hơn, hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh bày tỏ.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Thành đoàn Hà Nội không ngừng đổi mới phương thức hoạt động để có thể thu hút đông đảo lực lượng thanh niên hành động, sáng tạo và thực hiện được nhiều hơn những công việc có ý nghĩa nhất cho xã hội…
Bí thư Thành đoàn Chu Hồng Minh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết: Tại chương trình ý nghĩa này, thanh niên Thủ đô đã được đón nhận ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng, động viên, giao nhiệm vụ của Chủ tịch UBND thành phố cùng những thông tin giải đáp, chia sẻ rất quý báu của lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Đây là những định hướng quan trọng để thanh niên Thủ đô tự tin, mạnh dạn tham gia hiệu quả vào công cuộc khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, đây cũng chính là nguồn động viên, cổ vũ; là sự tin tưởng, mong chờ của lãnh đạo thành phố đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại.
Nhấn mạnh thế hệ trẻ Thủ đô hôm nay may mắn được sống, lao động, học tập trong môi trường hòa bình, dân chủ; được thừa hưởng những thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc đổi mới Thủ đô và đất nước..., Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh tin tưởng, những thuận lợi đó sẽ là hành trang giúp thanh niên vững bước, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, phát triển, cũng như hăng hái trong công cuộc khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số.
theo Hà Nội mới Tweet