Câu chuyện về người Hải Phòng cứu rùa Hồ Gươm

11:46 29/07/2011     4405

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Rùa Hồ Gươm không chỉ là biểu tượng riêng của thủ đô Hà Nội, mà còn là biểu tượng thiêng liêng của cả dân tộc. Những ngày phương án “vây bắt” Cụ rùa Hồ Gươm được triển khai mọi người dân Việt Nam đều hướng về thủ đô theo dõi tình hình sức khỏe của Cụ rùa.
 Cuối cùng, cuộc “vây bắt” Cụ rùa sau nhiều ngày đã thành công, sức khỏe của Cụ đang  được phục hồi và chờ ngày "xuất viện”. Nhưng, có lẽ ít ai biết được Cụ rùa Hồ Gươm được “bắt” bởi một cựu chiến binh người Hải Phòng chính gốc - bác Nguyễn Ngọc Khôi, chủ tịch HĐQT  tập đoàn KAT tại Hà Nội.


bác Nguyễn Ngọc Khôi

Người cựu chiến binh không chịu khuất phục trước cái nghèo


Sinh ra và trên mảnh đất có truyền thống hiếu học Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo) với ước mơ trở thành kỹ sư chế tạo cho đất nước nhiều máy móc phục vụ cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, sau khi vừa tốt nghiệp THPT thì cũng là lúc đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc. Như bao lớp thanh niên ngày ấy “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Năm 1971, khi tròn 18 tuổi bác Khôi nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước. 

Tham gia chiến đấu 4 năm tại mặt trận Trị Thiên- Huế và thực hiện nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Campuchia từ những ngày ác liệt nhất, tận mắt chứng kiến sự ngã xuống của đồng đội, những khó khăn trong chiến đấu hun đút cho chàng trai trẻ người Hải Phòng này một bản lĩnh vững vàng, không sợ hy sinh, gian khổ. May mắn hơn nhiều đồng đội, ngày trở về không cam chịu chứng kiến sự khó khăn, nghèo nàn bác Khôi lại bắt đầu vào vào quá trình trang bị kiến thức tìm cách thoát nghèo.

Với ý nghĩ đầu tư, phát triển những ngành “ độc”, những thứ người khác coi là đồ vất đi mới thì có thể thu lợi nhuận, tạo việc được công ăn việc làm cho nhiều người. Năm 1991, bác mở cơ sở thu mua tóc phế liệu để chế biến tóc giả, mi giả, lúc ban đầu ý tưởng này bị nhiều người cho là “dở hơi”. Nhưng ít ai biết được sau 20 năm các sản phẩm tóc giả, mi giả của tập đoàn đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…tạo công ăn việc làm cho trên 2.500 người chủ yếu là thương bệnh binh và cựu chiến binh, với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Với quan niệm “chúng ta không thể hạnh phúc khi bên cạnh chúng ta còn người đau khổ” và với trách nhiệm xã hội của người lính trở về sau chiến tranh hàng năm doanh nghiệp của bác đều giành hàng chục tỷ đồng tặng cho các đối tượng chính sách, nạn nhân chiến tranh, người nghèo nhiều tỉnh thành trong đó có Hải Phòng. Với mong muốn giúp đỡ được thật nhiều người nghèo trong xã hội thóat khỏi đói nghèo trong tâm trí của người cựu chiến binh này luôn tâm niệm giúp được thật nhiều người có thể trở nên giàu có thóat khỏi đói nghèo.

…và câu chuyện “bắt” Cụ rùa Hồ Gươm

Chia sẻ với chúng tôi bác Khôi cho biết, trong tâm thức người Việt rùa Hồ Gươm là loài vật quý hiếm và linh thiêng, người ta chỉ thích nhìn, ngắm, chụp ảnh chứ ít ai dám bắt vì sợ mạo phạm đến Cụ. Và khi bác đăng kí được trực tiếp bắt và lai dẫn Cụ rùa đã có rất nhiều người can gián vì sợ bị “xui” trong công việc làm ăn sau này. Thậm chí, vợ ông cũng khăng khăng không cho ông làm công việc này, không khí gia đình những ngày đó rất căng thẳng. Tuy nhiên, với bản lĩnh được rèn luyện qua chiến tranh cùng với suy nghĩ được góp sức mình bảo tồn giống rùa quý tại Hồ Gươm là điều rất  vinh dự, cũng như tính máu “chiến” của người Hải Phòng, dần dần bác  thuyết phục được vợ và nhiều người phản đối thay đổi suy nghĩ về việc cứu rùa.

Những ngày được giao nhiệm vụ chưa từng làm, làm chỉ huy trưởng đoàn lai dắt rùa trong vòng hơn một tháng bác luôn trăn trở, làm cách nào để xác định vị trí của rùa, vây bắt làm sao để không làm Cụ rùa bị kinh động, hay bị thương luôn là suy nghĩ khiến bác đau đầu. Nhiều đêm bác thức suốt đêm để tìm, đọc tài liệu, kinh nghiệm, phương pháp lai dắt rùa để tránh sơ xuất khi tổ chức thực hiện. Theo bác Khôi, những ngày tổ chức cuộc chiến “ vây bắt” Cụ rùa là những ngày khó khăn chẳng kém những ngày chiến đấu dưới bom đạn ở chiến trường. Nếu chẳng may xảy ra sơ xuất, Cụ không được an toàn là mình mắc tội với nhân dân, đất nước. Không chỉ trang bị kiến thức cho mình, bác đồng thời phải trang bị kiến thức cho gần 50 nhân viên của tập đoàn những người trực tiếp không ngại mưa rét nhảy xuống hồ “vây bắt” cụ rùa.

Chia sẻ với chúng tôi về tình huống “thóat” lưới khó hiểu của Cụ rùa ngày 8-3 bác Khôi chia sẻ lần đó lưới được Bộ Thủy sản cử người xuống Thủy Nguyên (Hải Phòng) mua, nhưng vì thời gian gấp quá nên đã phải mua lưới ở ngoài thị trường. Vì lưới làm ẩu, không đảm bảo chất lượng lên Cụ rùa đã phá lưới thoát ra ngoài. Bác Khôi chia sẻ lúc đó cũng thấy hơi buồn vì luận cho rằng lưới được mua từ Hải Phòng, và cho rằng Hải Phòng bán hàng kém chất lượng. Sau lần đó, hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm đồng ý cho bác được trực tiếp mua lưới để quây dẫn rùa. Dẫn chúng tôi ra xem lưới bắt rùa ngày 3-4 bác cho biết, lưới bắt rùa lần này có nguồn gốc sản xuất từ Nhật Bản với nhiều tính năng vượt trội hơn lưới của Việt Nam. Và lần vay bắt ngày 4-3 diễn ra từ 7 giờ sáng đến 17 giờ Cụ rùa mới được đưa vào bể để khám và chữa trị. Với bác đó là một ngày thật dài, thời gian được tính từng phút, ngồi trên bờ chỉ huy mà lòng nóng như lửa chỉ sợ anh em sơ xuất để Cụ sổng lần nữa thì dư luận sẽ có nhiều ý kiến không hay. Suốt ngày hôm đó, lúc trên bờ, lúc dưới thuyền cuối cùng thì Cụ rùa cũng đựợc đội đưa vào bể chữa trị. Cảm giác khi đó đối với tôi thật hạnh phúc vì mình góp phần làm được công việc mà nhiều người ái ngại, tạo niềm tin, sự yên tâm của nhân dân về sức khỏe của Cụ rùa- bác Khôi chia sẻ.

Tuy chỉ tham gia vào một công đoạn trong việc chữa trị rùa Hồ Gươm nhưng bác Khôi thấy tự hào vì là người lính Cụ Hồ không ngại bất cứ khó khăn, gian khổ nhiệm vụ nào cũng dám thực hiện. Toàn bộ số tiền mua lưới 270 triệu và 300 ngày công của nhân viên tập đoàn KAT bác tặng lại cho UBND thành phố Hà Nội như một lời tri ân của người dân người Hải Phòng mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc chữa trị,bảo tồn rùa Hồ Gươm một loại rùa quý hiếm của Việt Nam và thế giới.