Cặp song sinh “lọt” tầm ngắm của nhiều công ty phần mềm

14:50 12/02/2012     2726

Công tác giáo dục   Dù không được học qua một lớp tin học nào nhưng hai anh em song sinh Lê Hoàng Anh và Lê Anh Tiến vẫn tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều phần mềm hữu ích và được nhiều công ty thiết kế phần mềm trong và ngoài nước mời chào.
Hiện Lê Hoàng Anh là sinh viên khoa Công nghệ thông tin, ĐHSP (ĐH Đà Nẵng) và Lê Anh Tiến là sinh viên khoa Điện tử viễn thông, ĐH Bách khoa Đà Nẵng
Hai anh em Tiến đã nghiên cứu ra nhiều phần mềm hay, trong đó có 13 phần mềm đã nhận được các giải cao trong nước và quốc tế. Gần đây nhất, Hoàng Anh và Anh Tiến vùa đoạt giải nhì cuộc thi Ý tưởng kinh doanh sáng tạo ĐH Đà Nẵng năm 2011.
 
Hai anh em sinh đôi Lê Hoàng Anh và Lê Anh Tiến (phải) trong căn nhà nhỏ treo đầy bằng khen.
 
Khởi nghiệp từ những đam mê
 

Không sách, không máy tính, cũng không có tiền học thêm Tin học, hai chàng Kiến (biệt danh của hai anh em Tiến) chỉ có một thứ đó là đam mê. Đam mê Tin học cháy bỏng đến nỗi cứ vào hiệu sách là hai anh em Tiến lại tìm đến góc để sách về tin học mà đọc quên ăn, quên ngủ.

 

Với những phần mềm sáng tạo hữu ích đáp ứng được nhu cầu thiết thực của cuộc sống. Hoàng Anh và Anh Tiến đã được Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2007. Hai anh em cũng giành huy chương “Nhà sáng chế trẻ Việt Nam” của Bộ Khoa học công nghệ và nhiều giải thưởng, bằng khen, cúp sáng tạo trong nước và quốc tế…

Tiến kể, hồi học lớp 6 đi học về, anh em Tiến thường ra phụ giúp mẹ bán nước ở vỉa hè công viên 29 - 3. Chứng kiến cảnh nhiều khách du lịch nước ngoài đến Đà Nẵng thường xuyên bị lạc đường và hỏi đường đi rất khó khăn. Từ đây, Tiến lóe lên một ý nghĩ phải làm sao để du khách nước ngoài đến Đà Nẵng không phải hỏi mà vẫn dò tìm đường một cách dễ dàng. Suy nghĩ đó đã thôi thúc anh em Tiến mày mò, tìm hiểu phần mềm hỗ trợ du khách. Rồi từ những ngày nhịn đói đọc sách tại hiệu sách đã khiến nỗi khát khao biến giấc mơ thành hiện thực lớn dần lên. Nhà nghèo không có tiền mua máy tính, anh em Tiến phải vừa học, vừa tranh thủ làm thêm đủ các thứ nghề, phục vụ cafe, giữ xe, rồi làm gia sư… mới mua được chiếc máy tính cũ trị giá 7 triệu đồng.
Nhiều đêm thức trắng mày mò, cuối cùng anh em Tiến cũng nghiên cứu thành công Phần mềm tra cứu bản đồ đường đi Đà Nẵng trên điện thoại di dộng cho du khách năm 2006. Tiếp sau đó là hàng loạt những phần mềm hữu ích được hai anh chàng khai sinh.
Nhờ những chiến tích đầu đời mà ngay từ khi đang học THPT, hai chàng Kiến đã “lọt” vào tầm ngắm của không ít công ty phát triển phần mềm trong và ngoài nước như: VTC, Vietsin…
 
Hai anh em Hoàng Anh cùng nhau nghiên cứu sáng chế phần mềm.
 
Sáng chế để phục vụ nhu cầu cuộc sống
 
Quyết tâm buộc chiếc máy tính cũ phải phát huy tác dụng và “đẻ” ra tiền, hai anh em Tiến đặt mục tiêu phải sáng chế ra những phần mềm cần thiết cho nhu cầu cuộc sống. Năm 2007, hai chàng Kiến đã cho ra đời phần mềm “Từ điển điện tử sinh vật” (giải ba toàn quốc). Hiện nay phần mềm này đã được ứng dụng vào giảng dạy và nghiên cứu chuyên ngành Sinh học tại các trường đại học.
 

Liên tiếp sau đó là phần mềm Vui học đến trường, dành cho các bé mầm non, tiểu học (giải nhì toàn quốc năm 2008); phần mềm Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, tra cứu điểm thi trên điện thoại (giải ba toàn quốc năm 2009)…

Không dừng lại ở đó, phần mềm “Tất cả trong một” (All in One For Mobile) được ra đời và đoạt Huy chương đồng Triển lãm sáng tạo quốc tế lần thứ 7 tại Hà Nội với hơn 60 nước tham gia. Phần mềm, giúp người sử dụng, truy cập nhanh, chính xác bằng ngôn ngữ tiếng việt trên điện thoại di động về thời tiết; giá vàng; trắc nghiệm về Thăng Long - Hà Nội… và dịch được văn bản từ tiếng Anh ra 60 thứ tiếng khác nhau trên thế giới.
Hoàng Anh khoe: “Hôm đi nhận giải tại Hà Nội, một chuyên gia quốc tế nói với bọn em, lúc đầu ông cứ tưởng phần mềm do một tổ chức hay doanh nghiệp nào sáng tạo ra chứ ông không thể nào tin được hai cậu bé chưa được đào tạo gì về Tin học lại có thể sáng tạo ra những phần mềm hay như vậy”.
Hiện Anh Tiến là phó chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tạo trẻ thành phố Đà Nẵng. Còn Hoàng Anh là 1 trong 4 sinh viên ĐH Đà Nẵng được chọn đi tham dự cuộc thi “Tài năng khoa học trẻ thế giới” tại Thái Lan vào tháng 12 tới.
 
Hoàng Anh và những chiếc cúp sáng chế. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
 

“Trong tương lai sẽ mở một công ty kinh doanh và phát triển phầm mềm cho riêng mình và tìm kiếm nhà đầu tư để sớm đưa những sáng chế áp dụng để giúp ích cho cuộc sống” - Hoàng Anh chia sẻ.