Cao Bằng: Các phó chủ tịch xã với tinh thần hăng say, nhiệt huyết

11:10 06/11/2013     2205

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Những ngày đầu triển khai tại tỉnh Cao Bằng, Dự án luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện của các cấp Bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Dự án kết thúc giai đoạn I (2011 - 2012) đã mang lại những thành công bước đầu.
Các Phó chủ tịch xã giúp dân làm đường
Các Phó chủ tịch xã giúp dân làm đường


Từ 162 hồ sơ đăng ký dự tuyển ban đầu, tỉnh tuyển chọn được 44 trí thức trẻ có trình độ đại học về tăng cường làm phó chủ tịch (PCT) UBND 44 xã của 5 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Thông Nông, Hạ Lang. Trong số 44 PCT được tăng cường về xã, không ít người đã tình nguyện đến xã khó nhất để  công tác, thực hiện mong muốn góp phần làm đổi thay vùng đất khó của mình. Các PCT trẻ năng động, tích cực, dám nghĩ, dám làm, bước đầu mang lại những hiệu quả cho cơ sở, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.

Từ khi được tăng cường về xã Thái Sơn (Bảo Lâm), PCT xã Nguyễn Tiến Linh đã có nhiều sáng kiến giúp bà con thoát nghèo. Anh mạnh dạn kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đưa nước đến tận vùng núi cao nhất phục vụ sinh hoạt cho đồng bào Mông, xây dựng đề án phát triển cây hồi trên địa bàn toàn xã. Còn đối với trí thức trẻ Vũ Đức Nhâm, PCT UBND xã Kim Loan (Hạ Lang), để làm tốt nhiệm vụ được giao là phụ trách kinh tế, anh trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, khảo sát thực tế tại các xóm. Từ đó, xây dựng đề án “Phát triển sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp thông qua trồng cây thuốc lá trên địa bàn xã Kim Loan giai đoạn 2012 - 2015”. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký trồng cây thuốc lá. Kết quả, diện tích đăng ký trồng cây thuốc lá tăng từ 1 ha vụ đông xuân 2011 - 2012 lên 6,5 ha vụ đông xuân 2013 - 2014.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, hiện nay các đội viên Dự án đã ổn định công việc, yên tâm công tác, thường xuyên xuống các xóm để nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có những đề xuất với cấp ủy, chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Qua giai đoạn I, các PCT xã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ trong việc chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án về phổ cập giáo dục mầm non, miễn giảm học phí; công tác khám, chữa bệnh; công tác khuyến nông, khuyến lâm, thủy lợi; có các đề xuất chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tham gia tổ chức tập huấn, trực tiếp hướng dẫn người dân chăm sóc, vun ngô đúng thời vụ; thực hiện việc phát gạo cứu đói, phân bổ giống lúa, phân bón cho các xóm, các hộ nghèo kịp thời; giám sát, kiểm tra công tác trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các đội viên Dự án tích cực tham gia xây dựng phong trào ở địa phương, tham gia chỉ đạo các phong trào hoạt động đoàn thanh niên ở xã, xóm.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng Công tác Thanh niên, Sở Nội vụ cho biết: Trong vai trò PCT UBND xã, các đội viên Dự án đã thể hiện được tinh thần xung kích, tình nguyện, sát cánh cùng nhân dân, tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền tìm ra hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Nhìn chung, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá rất cao tinh thần làm việc, sự năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm của các đội viên Dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, các đội viên Dự án gặp không ít những khó khăn. Do chưa quen với phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt ở địa phương cũng như sự bất đồng về ngôn ngữ với nhân dân bản địa, nên khó khăn trong giao tiếp và triển khai các văn bản đến đông đảo người dân. Do thiếu kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND, nên công tác chỉ đạo của các PCT xã nhiều khi còn lúng túng, chưa mạnh dạn giao việc cho bộ phận chuyên môn. Bên cạnh đó, việc kiểm tra các bộ phận chuyên môn tham mưu giúp việc, giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền còn hạn chế, trong đấu tranh phê bình và tự phê bình còn e dè, nể nang. Một số đội viên chưa chủ động nghiên cứu tài liệu, trau dồi kiến thức để bổ trợ cho các kỹ năng đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, động viên lẫn nhau giữa các đội viên cùng huyện còn hạn chế.

Hiện nay ở Cao Bằng, 44 đội viên Dự án đều chưa có nhà ở công vụ, nhiều người phải dùng nơi làm việc để ngủ, nghỉ. Đặc biệt, đa số trí thức trẻ vẫn nhận lương ở phòng nội vụ các huyện trong khi đường giao thông đi lại rất khó khăn. Với lòng nhiệt huyết, tinh thần xung kích tình nguyện, đem những kiến thức đã được trang bị vận dụng vào thực tế, trong giai đoạn II của dự án (2013 - 2017), 44 PCT xã sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.