Các tân Phó Chủ tịch xã nỗ lực vượt khó

08:39 06/11/2012     2859

Công tác giáo dục   Bắc Kạn có 22 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã tại 2 huyện nghèo Pác Nặm và Ba Bể. Hơn 6 tháng qua trong vai trò mới, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn những vướng mắc nảy sinh từ thực tế công tác, đòi hỏi ở họ sự quyết tâm lớn để vượt qua.

Thực tế, có những bạn trí thức trẻ mặc dù là người bản địa nhưng chỉ khi về làm thực tế tại địa phương, mới hiểu hết được những khó khăn, vất vả của công việc.

Vấn đề ngôn ngữ là một thực tế

Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch xã Bành Trạch

Sinh ra và lớn lên tại Ba Bể (Bắc Kạn), Hoàng Văn Dũng, sinh năm 1988, tốt nghiệp Khoa Chính trị, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Dũng đã đăng ký  tham gia Dự án 600 và trúng tuyển, nhận nhiệm vụ  tại xã Bành Trạch, một trong những xã có  địa bàn rộng nhất và số dân đông nhất của huyện Ba Bể, với vai trò là Phó Chủ  tịch UBND phụ trách Văn xã. Trong số 13 thôn của xã, không có nơi nào mà Dũng chưa đến, kể cả thôn cách trung tâm xã gần 20km như thôn Phán Han.

Dũng kể: “Có lần tham gia buổi họp ở thôn Phán Han để làm nhà văn hóa thôn, mọi người trao đổi sôi nổi, còn mình thì không hiểu được vì bà con nói tiếng Dao. Từ sau lần đó, mình quyết tâm học tiếng Dao để có thể hiểu được tiếng bà con”. 

Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ tịch xã Địa Linh

Không phải là người bản địa, Nguyễn Đức Hùng quê ở Hải Dương, được bầu làm Phó Chủ tịch xã Địa Linh, huyện Ba Bể. Trở ngại lớn nhất của chàng trai miền xuôi này là chưa nắm rõ được phong tục tập quán của đồng bào miền ngược, nhất là về ngôn ngữ bản địa. Bởi vậy, ngay từ khi đến nhận công tác tại địa phương, Hùng xác định phải học tiếng Tày để tiếp xúc được và hiểu được đồng bào nơi đây.

Hùng tâm sự: “Mình đã ghi lại những từ thông dụng vào 1 cuốn sổ, tranh thủ hỏi thêm các anh chị trong cơ quan để học. Mình cũng sắm cho bản thân cuốn Ca dao tục ngữ Tày - Nùng để hiểu hơn về phong tục tập quán ở địa phương…”.

Đòi hỏi kinh nghiệm thực tế

Triệu Anh Chư,  Phó Chủ tịch xã tại xã Đồng Phúc

Triệu Anh Chư, sinh năm 1986, người dân tộc Tày, quê ở Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch xã tại xã Đồng Phúc (Ba Bể), phụ trách kinh tế tổng hợp.

Thời gian đầu nhận nhiệm vụ, Chư luôn băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu, làm gì để giúp bà con xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Đặc thù của xã vùng cao, đường xá đi lại khó khăn, có thôn cách trung tâm chỉ 3 km nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đi lại khó khăn, đất canh tác trồng lúa của xã lại quá ít, các sản phẩm nông nghiệp mà bà con làm ra lại chưa có thị trường tiêu thụ…

“Việc cần làm là phải nghiên cứu kế hoạch phát triển kinh tế của xã, tiếp xúc với bà con để hiểu và cùng xã xây dựng hướng phát triển phù hợp cho địa phương”, Chư chia sẻ.

Chư cố gắng đến từng thôn, bản tham gia các cuộc họp thôn để tiếp xúc với bà con, ngay cả đến những thôn cách xã trung tâm 8-9 km dù phải đi bộ đường dài.

“Hiện tại Chư còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh nghiệm quản lý, điều hành thực tế còn thiếu. Vì thế, Chư tranh thủ học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp, trao đổi với các đội viên khác của Dự án để tham khảo cách giải quyết công việc, chia sẻ với bà con”, Chư cho hay.

Hoàng Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch xã Giáo Hiệu

Còn với tân Phó Chủ tịch xã Giáo Hiệu (Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) Hoàng Thị Nghĩa, khó khăn của Nghĩa là kinh nghiệm xử lý công việc, những rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán của địa phương nơi công tác… “Em tâm niệm phải cố gắng học hỏi, trao đổi công việc, tích cực đến thôn, bản để hiểu được đời sống, phong tục, tập quán của bà con nơi đây”, Nghĩa chia sẻ.

Địa phương tạo điều kiện hỗ trợ

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Nguyễn Thị Tuệ cho biết, 70% đội viên Dự án thuộc 2 huyện nghèo Ba Bể và Pác Nặm được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, còn lại là lĩnh vực kinh tế và phụ trách thêm một số các chương trình khác như Chương trình giảm nghèo, phụ trách Tổ công tác 30a, tham gia vào các Ban phòng chống cháy rừng, phòng chống lụt bão, Ban Quản lý chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Các đội viên luôn nhận được sự ủng hộ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền  địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở; đều được tạo điều kiện tốt về chỗ ăn, chỗ  nghỉ, các điều kiện để phục vụ công việc.

Để giúp các đội viên thực hiện nhiệm vụ, nhanh chóng hòa nhập vào guồng máy hoạt động, huyện Ba Bể và Pác Nặm đã phân công các phòng, ban cử người hỗ trợ đội viên tìm hiểu về phong tục tập quán; phân công Chủ tịch xã hướng dẫn, giúp đỡ các tân Phó Chủ tịch hoàn thành công tác.

Đánh giá ban đầu về đội ngũ trí thức trẻ  được phân công về công tác 2 huyện Ba Bể và Pác Nặm, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Tuệ cho biết, do mới tiếp cận với công việc và vị trí lãnh đạo nên các Tân Phó Chủ tịch xã cần nỗ lực học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành trong xử lý công việc hoặc xử lý, giải quyết vướng mắc của bà con. Một số ít đội viên chưa biết tiếng dân tộc thiểu số (Dao, Mông) nên khó khăn trong giao tiếp với người dân địa phương.

“Tuy nhiên, nhìn chung đa số các đội viên đã phát huy những điểm mạnh của mình, đó là tinh thần xung kích, chủ động, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc được giao. Các đội viên luôn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…”, bà Tuệ nhận xét.