Ngay sau lễ phát động cuộc vận động "Tự hảo một dải non sông", đoàn công tác của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy và Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đã đến trao tặng bản đồ Việt Nam cho thầy và trò trường THPT Phan Châu Trinh, thăm Mẹ VNAH và thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Giang Thanh |
Tại trường THPT Phan Châu Trinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã trao tặng bản đồ cho nhà trường. Đoàn công tác cũng chứng kiến học sinh treo bản đồ Việt Nam ở các phòng học trong khuôn viên trường. |
Thành viên của Đội Thanh niên tình nguyện đã hỗ trợ treo và giới thiệu về bản đồ Việt Nam cũng như công nghệ thực tế ảo tăng cường AR được ứng dụng trong mỗi bản đồ để nâng cao tính tương tác, trực quan, sinh động. |
Trường THPT Phan Châu Trinh là ngôi trường có 70 năm lịch sử hình thành và phát triển, một trong những chiếc nôi nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, dân chủ trong phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên ở các đô thị miền Nam, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. |
Theo thầy Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh, thầy và trò tự hào khi được T.Ư Đoàn trao tặng bản đồ Việt Nam. "Những tấm bản đồ được treo trang trọng tại lớp học sẽ làm sâu sắc thêm ý thức về bảo vệ chủ quyền quốc gia cho các em học sinh. Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp để tăng cường lòng yêu nước, tự tôn dân tộc và tự hào chủ quyền cho các thế hệ học sinh", thầy Hưng nói. |
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn gửi gắm, mỗi tấm bản đồ sẽ nhắc nhở học sinh về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bồi đắp tinh thần yêu nước và niềm tự hào về quê hương, đất nước. |
Sau đó, đoàn công tác đã di chuyển đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sự. Tại đây, đoàn đã thăm, tặng quà cho mẹ Sự. |
Thay mặt đoàn, đồng chí Bùi Quang Huy hỏi thăm tình hình sức khỏe và cuộc sống của mẹ. Đoàn công tác cũng trao tặng bản đồ Việt Nam cho gia đình mẹ Sự. |
Cuối cùng, đoàn công tác ghé thăm và trao tặng Bản đồ Việt Nam cho Nhà trưng bày Hoàng Sa (đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà). Các thành viên trong đoàn được nhân viên bảo tàng giới thiệu về hơn 300 tư liệu, hiện vật, bản đồ, hình ảnh về chủ quyền quốc gia nói chung và các tư liệu về quần đảo Hoàng Sa nói riêng. |
Các đại biểu lần lượt tham quan 5 khu vực trưng bày theo chủ đề, gồm: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa; bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa thời các chúa Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam thời nhà Nguyễn; bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa năm 1945-1975 và bằng chứng giai đoạn từ 1974 đến nay. |
Theo ông Lê Tiến Công - Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa - Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" là hoạt động đặc biệt nhằm tăng cường giáo dục lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền quốc gia, dân tộc. |
“Từ hôm nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa có thêm một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam đặc biệt thiêng liêng. Đây là sự kết tinh tình cảm của đồng bào cả nước, thể hiện ý chí của cả dân tộc trong nhiệm vụ tiếp tục bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong đó có quần đảo Hoàng Sa của TP Đà Nẵng. Sau khi tiếp nhận, nhà trưng bày sẽ gìn giữ, phát huy giá trị lâu dài của tấm bản đồ và giới thiệu với công chúng đến tham quan”, ông Công nói. |