Bế mạc Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ hai, khoá XII
10:35 14/04/2023 2065
Công tác giáo dục ĐTN: Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là một trong những nội dung được Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ hai, khoá XII bàn thảo nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch triển khai Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030. Hội nghị diễn ra trong 01 ngày bàn thảo nhiều nội dung quan trọng của nhiệm kỳ.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn và đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư TƯ Đoàn chủ trì Hội nghị
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 – 2030
Đồng chí Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành Đoàn TP HCM cho rằng, về Chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, cần điều chỉnh chỉ tiêu giai đoạn sau hài hòa với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, chương trình chưa làm rõ vai trò của Hội doanh nhân trẻ đối với vấn đề khởi nghiệp của sinh viên. Như thực hiện các hoạt động tập huấn, tư vấn, định hướng… qua đó, góp phần trang bị kiến thức cho sinh viên trước khi khởi nghiệp.
Đồng chí Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng cũng cho rằng, vấn đề về vốn khởi nghiệp mới chỉ ở dạng tiềm ẩn, chưa hiện hữu và chủ động, chỉ dựa vào ngân sách và xã hội hóa. Nếu cần, có thể liên kết với Ngân hàng chính sách xã hội để có nguồn vốn, quỹ khởi nghiệp. Cái này Lâm Đồng đã thực hiện được và đã tạo được một nguồn quỹ khởi nghiệp, qua đó, giúp cho thanh niên vay vốn.
Đối với Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Trần Thị Diễm Trinh, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương đưa ra giải pháp, xây dựng đội hình tư vấn pháp luật trực tuyến trên cổng hoặc đường dây nóng để thanh niên được tương tác, hỗ trợ giúp đỡ. Đồng thời, tăng cường thêm các hoạt động liên kết vùng, ngành; tổ chức các hoạt động hỗ trợ học tập mô hình, dự án khởi nghiệp có tính chất đặc thù giống nhau để học tập.
Đồng chí Trần Ngọc Nam, Bí thư tỉnh Đoàn Hà Nam nêu ý tưởng, thành lập một kho ý tưởng khởi nghiệp đã triển khai có hiệu quả cho cả nước tham khảo. Kho đó thông tin được trình bày với nhiều hình thức, nhưng có cả từ ý tưởng, đến hiện thực và hoàn thiện thực tế.
Sử dụng tốt mạng xã hội để giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thanh niên
Cũng tại hội nghị, chiều 13/4, các đại biểu cho rằng, tổ chức Đoàn các cấp cần sử dụng tốt mạng xã hội, bắt kịp nhu cầu, thị hiếu để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, lan tỏa lối sống tích cực, hành động đẹp; nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến tâm huyết để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn và đồng chí Nguyễn Minh Triế, Bí thư TƯ Đoàn chủ trì Hội nghị
Đồng chí Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đánh giá, kế hoạch chặt chẽ với nhiều giải pháp phù hợp để bảo vệ thanh thiếu niên trên không gian mạng. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề, ngay cả các thông tin trên các báo chính thống cũng đang có những thông tin chưa phù hợp, thông tin chưa tốt bị chèn vào dưới nhiều hình thức. “Cần có những giải pháp để bóc, gỡ, chặn, xóa những thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ và hành động của thanh thiếu nhi”, đồng chí Chúc Quỳnh nói.
Cũng theo đồng chí Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn Tp. Hồ Chí Minh cho rằng đề xuất cân nhắc bổ sung thay vì giám giát nên hình thành cơ chế để cảnh báo từ sớm từ xa và phương thức ngăn chặn các nội dung không phù hợp với tâm sinh lý sự phát triển của thanh niên thiếu niên và nhi đồng cũng như chất độc tiêu cực từ không gian mạng.
Đồng chí cũng đề xuất cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT số hoá trưng bày các tư liệu lịch sử, sách về Đoàn, Hội, Đội để đoàn viên thanh niên có thể tiếp cận phát triển thành ứng dụng tra cứu tại các bảo tàng phòng truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên phạm vi cả nước.. “Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài để quảng bá hơn nữa hình ảnh của thanh niên, của quê hương đất nước đến với bạn bè quốc tế”, đồng chí Phan Thị Thanh Phương nói.
Góp ý về giải pháp tổ chức các cuộc thi trực tuyến để tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đồng chí Chu Hồng Minh, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho rằng hiện hệ thống giải pháp vẫn đang tập trung chủ yếu vào các nội dung về lịch sử, văn hóa, chủ nghĩa Mác – Lê Nin...
“Muốn thu hút thanh thiếu nhi, bên cạnh các nội dung mang tính giáo dục, tuyên truyền, cần tổ chức các cuộc thi trực tuyến với nội dung mới mẻ hơn, phù hợp với thị hiếu để thu hút sự tham gia của thanh thiếu nhi. Chỉ cần nội dung các cuộc thi lành mạnh, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi thì nên khuyến khích tổ chức và đa dạng hóa”, đồng chí Chu Hồng Minh nói.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về các chỉ tiêu trong Đề án “Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy Tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”, cũng như đề xuất các Tỉnh, Thành Đoàn cần chủ động để tham mưu cơ chế, chính sách cho địa phương nhằm phát huy tài năng trẻ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, đánh giá các đại biểu đã có nhiều đóng góp xác đáng cho kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án phát triển thanh niên. “Các vấn đề bàn luận và thống nhất tại Hội nghị sẽ là cơ sở các tỉnh, thành Đoàn tham mưu cho địa phương triển khai các chương trình, đề án; như vậy mới có cơ sở để xin cơ chế, bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện tốt các nội dung này”, đồng chí Bùi Quang Huy nói.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng nhấn mạnh sự quan trọng của khâu thực hiện, triển khai các kế hoạch đã thảo luận. Nếu khâu thực hiện yếu kém thì công sức chuẩn bị là vô nghĩa. “Các văn bản sẽ sớm được ban hành, các Tỉnh, Thành Đoàn, các đơn vị cần bắt tay hành động sớm với phương pháp làm việc nhanh chóng, linh động, khoa học. Nếu công tác triển khai đồng bộ, bài bản, cách làm quyết liệt, sáng tạo thì các chương trình, đề án sẽ tạo ra giá trị lan tỏa rất lớn”./.
Bảo Anh Tweet