Bắt đầu với những mô hình ít vốn

08:11 02/11/2012     1953

Công tác giáo dục   Đó là cách làm của chàng trai trẻ Hoàng Ngọc Gia Long (24 tuổi), cựu sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Động cơ để Long khởi nghiệp xuất phát từ… niềm đam mê kỹ thuật. Khi là sinh viên năm 3, đang cùng nhóm bạn đầu tư cho một dự án công nghệ ở trường, nhận thấy cần nhiều kinh phí để có thể đưa dự án đi xa hơn, Long đã cùng với bạn trong nhóm nghiên cứu tìm cách mở thêm một dự án kinh doanh nhỏ, nhằm có tiền “nuôi” dự án đang nghiên cứu, sau đó kết hợp với một người bạn đang là du học sinh tại Mỹ để tìm cơ hội kinh doanh.

Thất bại

Theo Long, hàng hóa ở Mỹ có chất lượng tốt, nhưng mọi người chưa biết cách để mua về Việt Nam bởi không thông thạo những thủ tục hải quan, vận chuyển… Đồng thời, nhận thấy mình có thế mạnh về công nghệ, có thể tạo dựng website và tối ưu các kỹ thuật thương mại điện tử, Long cho rằng đây là cơ hội để biến đam mê khởi nghiệp thành hiện thực. Nghĩ là làm, Long cùng nhóm bạn dốc toàn bộ số tiền dành dụm từ làm thêm suốt những năm đại học, được hơn 1.000 USD để nhập 1.000 chiếc cravat về Việt Nam.

Để tự tạo việc làm thành công, nên bắt đầu với những mô hình càng ít vốn, ít rủi ro càng tạo ra nhiều lãi
   

“Tính ra mỗi chiếc chỉ khoảng 1 USD, trong khi loại cravat thường bán tại Việt Nam đã lên tới cả trăm ngàn đồng. Với lô hàng có chất lượng tốt, giá lại rẻ và đang được yêu chuộng tại Mỹ như vậy, mình tin chắc rằng sẽ có khởi đầu hoàn hảo và kiếm được một khoản kha khá, không thể nào lỗ được. Trong đầu mường tượng ra đủ mọi thứ, tất cả chỉ có thể là thành công”, Long nhớ lại.

Tuy nhiên, sự thật trái ngược hoàn toàn. Mặc dù website giao diện tốt, bài viết định vị thương hiệu không tệ, nghĩ ra nhiều gói bán hàng như: quà tặng 20.11, quà mẹ tặng con khi ra trường… và ra sức chào bán ở khắp các cửa hàng, nhưng những gì nhận được chỉ là những lời từ chối. Long kể: “Lúc này mình mới nhận ra, cravat này không hợp với người Việt Nam. Mình đã thất bại, phải bán tháo với giá chưa đến 5.000 đồng/cái”.

Thành công

Toàn bộ tiền kinh doanh gần như mất sạch, “pha” khởi nghiệp đầu đời không ngờ lại đầy sóng gió, cả nhóm hoàn toàn thất vọng và tưởng chừng dừng luôn việc kinh doanh lại. “Nhưng mình rút ra bài học khởi nghiệp quan trọng: Không nên bán cái gì mình có mà hãy cung cấp những cái khách hàng cần”, Long chia sẻ.

 
Hoàng Ngọc Gia Long đang là giám đốc 2 công ty chuyên phân phối máy tính bảng, máy đọc sách... - Ảnh: Lê Thanh
Hoàng Ngọc Gia Long đang là giám đốc 2 công ty chuyên phân phối máy tính bảng,  
máy đọc sách... - Ảnh: Lê Thanh


Rồi cơ hội mới cũng đến. Do sinh hoạt trong một số cộng đồng công nghệ, nhận thấy một vài người dùng đánh giá khá tích cực về một sản phẩm mới ra đời tại Mỹ là máy đọc sách Amazon Kindle 3, Long cùng nhóm bạn ngồi lại bàn tìm ý tưởng mới. Rút kinh nghiệm sau đợt đầu tư liều lĩnh lần đầu, lúc này nhóm thận trọng hơn, không còn vội vàng đặt hàng về nữa mà dùng chiến thuật “cho đặt hàng” để thăm dò thị trường và hạn chế vốn đầu tư.

Theo đó, Long soạn một bài viết giới thiệu sản phẩm cùng mức giá, đăng lên các trang thương mại điện tử, rao vặt… và cho người dùng đặt cọc trước tiền để mua hàng. Khi đã có một lượng phản hồi tương đối tốt rồi mới lấy hàng từ Mỹ về để cung cấp.

Nhờ thay đổi phương thức kinh doanh như vậy, Long đã thành công. Chỉ sau 2 tháng, Long lấy lại toàn bộ vốn, thu hồi cả khoản tiền thất bại ở thương vụ khởi nghiệp đầu tiên và có lời thêm được một khoản tiền nữa.

Long cho rằng, “vụ” kinh doanh thành công lần này là do đã tối ưu được toàn bộ quy trình đặt hàng, vận chuyển, nhập khẩu và quảng bá sản phẩm, do đó sản phẩm bán ra vừa có giá dễ chấp nhận lại có chất lượng cao và uy tín. Từ đây, nhóm quyết định nhân rộng mô hình kinh doanh không rủi ro, không đầu tư nhiều vốn và phát triển cho tất cả các mặt hàng khác để đưa được nhiều hàng hóa chất lượng cao về cho người sử dụng tại Việt Nam thụ hưởng.

Đặc biệt, đầu năm 2010, Facebook chưa phổ biến tại Việt Nam nhưng nhóm vẫn quyết định mượn hơn 3.000 USD để đầu tư vào việc quảng cáo trên mạng xã hội này. Theo tìm hiểu, đây là kênh thương mại thuộc loại lớn nhất trên Facebook ở Việt Nam lúc bấy giờ. Chỉ sau một thời gian ngắn, kênh đã thu hút một lượng người dùng rất lớn. Qua đó những phản hồi, email đặt hàng có khi lên tới cả trăm lượt mỗi ngày, gồm cả những đơn đặt hàng giá trị lớn. Nhờ vậy, chỉ sau vài tháng, nhóm đã thu hồi vốn, mỗi tháng đạt doanh thu hàng tỉ đồng và chiếm lĩnh được niềm tin của nhiều đối tác lớn.

Kinh nghiệm

Với những thành công như vậy, Long coi đó là tín hiệu để vực dậy bản thân và tiếp tục kinh doanh. Long nghiên cứu thị trường, nhân rộng mô hình và xin giấy phép để tiếp tục mở thêm công ty thương mại điện tử. Đến nay, 2 công ty do Long làm giám đốc thật sự ăn nên làm ra, có đại lý ở Hà Nội, là một trong những đơn vị phân phối máy tính bảng, máy đọc sách, phụ kiện công nghệ… lớn ở Việt Nam.

Với tất cả thất bại và thành công mà bản thân đã trải nghiệm từ khi khởi nghiệp, Long chia sẻ với giới trẻ: để tự tạo việc làm thành công, nên bắt đầu với những mô hình càng ít vốn, ít rủi ro càng tạo ra nhiều lãi.

Theo Long, tiền không tạo ra tiền mà chính trí tuệ của con người mới tạo ra tiền. Vì thế, hãy biết cách nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thị hiếu của mọi người để từ đó đưa ra mô hình kinh doanh tốt nhất.

Hiện có nhiều bạn trẻ có suy nghĩ chưa đúng về thất bại, gặp thất bại thường buông xuôi, nản lòng và từ bỏ. Nhưng theo Long: “Đừng như thế, hãy có góc nhìn khác từ thất bại. Thay vì sợ thất bại thì hãy mong thất bại thật nhiều, thất bại đến thật nhanh bởi thất bại chính là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để học hỏi được nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Muốn khởi nghiệp thành công, nên có sự trải nghiệm từ thất bại, bởi chỉ áp dụng lý thuyết thì khó có thể thành công”.

Long cho rằng mỗi người cần có niềm đam mê và tự tạo cho mình việc làm chính đáng. Vì chỉ có yêu thích, đam mê mới có thể làm tốt công việc mình làm. Đồng thời, cần tìm ra một nhóm chừng 3 - 4 bạn làm việc tốt, hiểu ý, có chung suy nghĩ chí hướng.