Bắc Kạn: Trí thức trẻ hỗ trợ giảm nghèo ở Ba Bể

09:38 04/07/2011     3278

Công tác giáo dục   Thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (Chương trình 30a), hai năm qua huyện Ba Bể (Bắc Cạn) đã đưa hơn 60 trí thức trẻ về các xã công tác. Ðội ngũ cán bộ này đã có nhiều đóng góp giúp các xã phát triển kinh tế - xã hội.
Các trí thức trẻ về xã Hà Hiệu công tác từ năm 2009, gồm năm người, trong đó hai người có trình độ đại học, hai cao đẳng và một trung cấp, do kỹ sư Hoàng Hải Bằng làm tổ trưởng. Những ngày đầu, tổ công tác gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng với tinh thần nhiệt tình của tuổi trẻ, các khó khăn từng bước được khắc phục, quen với địa hình, văn hóa của bà con, tiếp cận nhanh với công việc và tổ công tác đã từng bước phát huy vai trò của mình đối với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Kỹ sư Hoàng Hải Bằng cho biết: 'Các trí thức trẻ được huyện đầu tư mua sắm một số trang thiết bị làm việc thiết yếu, xây dựng một căn nhà tạm để làm chỗ ở, đồng thời cũng là chỗ làm việc cho anh em'. Mặc dù vậy, nơi ăn, chỗ ở của tổ công tác còn đơn sơ, thiếu thốn nên các thành viên mang theo bếp ga, bát đĩa từ nhà đi. Với thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng/người, các thành viên phải tằn tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Vượt qua khó khăn, thời gian qua, tổ công tác đã tích cực giúp Ðảng ủy, UBND xã triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tổ phân công nhau cùng các gia đình đi mua trâu, bò sinh sản; làm các thủ tục hành chính để xây dựng một số tuyến kênh nội đồng, đường giao thông, thực hiện việc xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, hướng dẫn nhân dân trồng hồng không hạt do Chương trình 30a đầu tư. Ðến nay, xã Hà Hiệu đã trồng được 9 ha, các hộ dân được Chương trình 30a hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật. Ðể trồng hồng có chất lượng tốt, các trí thức trẻ thường xuyên xuống các địa bàn trực tiếp hướng dẫn bà con, phát tài liệu kỹ thuật trồng, giám sát việc cuốc hố, bảo đảm kích cỡ, cách bón phân. Kết quả, hồng có tỷ lệ sống cao, năm 2010, cả 9 ha đều được nghiệm thu.

Trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi, các bạn trẻ tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức  cho nhân dân về chăn nuôi, trực tiếp đi tiêm phòng dịch cho đàn gia súc; khi có dịch, cùng với cán bộ thú y đi phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại, vận động nhân dân cách ly gia súc bị bệnh và gia súc khỏe mạnh để đề phòng dịch bệnh lây lan. Phó Bí thư Ðảng ủy xã Hà Hiệu Mã Ðình Lạ nhận xét: 'Ðến nay, các trí thức trẻ đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết được một số vấn đề. Thí dụ, xã làm chủ đầu tư một số công trình xây dựng cơ bản, nhưng việc triển khai còn lúng túng, vì năng lực cán bộ còn hạn chế, trong khi có nhiều thủ tục cần hoàn thành. Nhưng tổ công tác đã giúp giải quyết về quy trình xây dựng cơ bản, làm đến đâu gọn đến đấy. Thời gian qua, anh em đã tích cực giúp xã vận động bà con giải phóng mặt bằng; giám sát xây dựng cơ bản trên địa bàn; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật một cách cụ thể, cầm tay, chỉ việc, tư vấn giúp đồng bào dân tộc Mông, Dao trồng trọt, chăn nuôi'.

Thực hiện Chương trình 30a, huyện Ba Bể đã tuyển dụng, tiếp nhận 60 trí thức trẻ, tăng cường 13 cán bộ, công chức từ một số phòng, ban của huyện về xã công tác, mỗi xã có từ bốn đến năm người. Ðội ngũ này được đào tạo cơ bản về các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, trồng trọt, xây dựng... là những lĩnh vực đang rất cần ở cơ sở. Hầu hết các trí thức trẻ đang tích cực phát huy tinh thần, trách nhiệm, kiến thức để góp phần giúp nhân dân giảm nghèo.

Qua gần hai năm, các trí thức trẻ về xã, đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi theo hướng chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức trẻ, Ðảng ủy, chính quyền các xã cần quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và giao nhiệm vụ cho đội trí thức trẻ nhằm phát huy năng lực, kiến thức, sự nhiệt tình của đội ngũ này.