Bác Hồ với giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên
08:13 21/03/2012 4215
Công tác giáo dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta luôn đánh giá đúng vị trí, vai trò của đoàn viên, thanh niên, Người luôn dành tình cảm, sự quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, động viên đến các thế hệ thanh niên của nước nhà.
Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên Đán năm 1946, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Bởi theo Người, đoàn viên, thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay yếu, suy hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên.
Bác Hồ với đoàn viên, thanh niên |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giáo dục đạo đức cho đoàn viên, thanh niên. Nhìn nhận đoàn viên, thanh niên một cách toàn diện, thấy rõ vị trí, vai trò "Là người tiếp sức cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai." Do vậy, Người đặc biệt quan tâm tổ chức, bồi dưỡng đoàn viên thanh niên thành đội xung kích cách mạng, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc.
Người yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, gương mẫu xung phong trong mọi công việc. Đi đôi với việc giáo dục trí lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững khoa học kỹ thuật, mỗi đoàn viên, thanh niên phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng bởi theo Người: "Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người". Đạo đức cách mạng ấy là sự triệt để trung thành với cách mạng, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, sẵn sàng xả thân cho đất nước, điều đó được thể hiện ở ngay trong suy nghĩ và hành động hàng ngày của mỗi đoàn viên, thanh niên.
Để tuổi trẻ trở thành người cách mạng chân chính, những con người mới XHCN, Người nhấn mạnh việc cần thiết phải giáo dục đoàn viên, thanh niên tính trung thực, ngay thẳng, tác phong khiêm tốn, giản dị, tinh thần lao động tích cực, siêng năng, táo bạo và sáng tạo. Đoàn viên, thanh niên phải luôn có tinh thần cố gắng vươn lên, sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Không những thế, Người còn yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải chống tâm lý tự ti, tự lợi, chỉ lo vun vén cho lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình, chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc, chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay...đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của đoàn viên, thanh niên.
Thương yêu hết lòng và đặt niềm tin trọn vẹn vào đoàn viên, thanh niên, Người nhấn mạnh: "Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi mới thật là thanh niên ". Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho đoàn viên, thanh niên "Muôn vàn tình thương yêu",
Người đánh giá: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ"; và căn dặn "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng”vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Từ bức thư tâm huyết gửi thanh niên Việt Nam hồi đầu thế kỷ đến lời “Di chúc” cuối cùng, Bác Hồ luôn dành cho đoàn viên, thanh niên tình cảm thương yêu, trìu mến, sự chăm sóc ân cần.
Không chỉ chăm lo và giáo dục, cổ vũ đoàn viên, thanh niên học tập và phấn đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một mẫu mực của tấm gương đạo đức cách mạng, cần kiêm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng và nhân dân. Suốt đời phấn đấu vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Thấm nhuần và quán triệt tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của đoàn viên, thanh niên. Coi đây là lực lượng xung kích, là đội dự bị tin cậy của Đảng và coi công tác thanh niên là vấn đề được đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không phần lớn phụ thuộc vào lực lượng đoàn viên, thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên. Do vậy, phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp, giải quyết việc làm, phát triển tài năng - sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích…của đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên", tuổi trẻ cả nước đã phát huy truyền thống của thế hệ trước, hăng hái, sôi nổi hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào: "Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "Đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp", tích cực tham gia các diễn đàn: "Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại", "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi", "Thanh niên sống đẹp sống có ích"…
Những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo, dìu dắt của Bác Hồ dành cho đoàn viên, thanh niên luôn là nguồn động lực cổ vũ, khích lệ tuổi trẻ cả nước nói chung, tuổi trẻ Yên Bái nói riêng hăng hái, xung kích cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh" như Bác kính yêu hằng mong muốn.