Trưởng thôn trẻ tài giỏi ở Tây Giang

14:28 18/09/2012     1942

Công tác giáo dục   Ở làng PơrNing (xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), ai cũng khâm phục anh BhnướchLạc - Trưởng thôn trẻ (SN 1988) nhưng làm việc rất năng nổ và có uy tín...
“BhnướchLạc là vị Trưởng thôn trẻ nhất Tây Giang, mà lại là thôn điểm của huyện. Anh ấy đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ của mình” – ông Bríu Quân -Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Giang nhận xét.



Anh BhnướchLạc (giữa) với bà con trong thôn.


Dựng nhà gươl đẹp nhất Quảng Nam

Với những giá trị văn hóa vốn có, và với sự đầu tư của huyện, tỉnh, thôn PơrNing được coi là không gian bảo tồn văn hóa thứ 2 (sau làng văn hóa Cơ Tu) ở Tây Giang, và là một thôn điểm của huyện về phát triển kinh tế.

Từ khi UBND huyện Tây Giang có ý định xây dựng PơrNing thành thôn điểm về văn hóa, việc bầu trưởng thôn là một điều rất quan trọng. Đầu năm 2011, khi vị trưởng thôn cũ hết nhiệm kỳ, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, già làng Cơ Lâu Năm tuyên bố: “BhnướchLạc tuy là một người trẻ tuổi nhưng đã học xong lớp 12, lại năng nổ tham gia các hoạt động của làng, hơn nữa lại biết nhiều bản sắc truyền thống của người Cơ Tu mình, nên dân làng quyết định bầu nó làm trưởng thôn”.

Nhiệm vụ đầu tiên của Trưởng thôn BhnướchLạc đứng ra vận động người dân trong thôn và người dân của cả xã Lăng đóng góp thêm tiền và vật lực để dựng nhà gươl mới. Không chỉ cùng già làng Cơ Lâu Năm, già Zơrâm Cuôl chỉ đạo, vận động bà con tham gia ngày công, BhnướchLạc còn cùng với trai tráng trong xã kéo gỗ dựng nhà gươl. Cùng với sự hỗ trợ kinh phí của UBND tỉnh, UBND huyện, ngày 2.9.2011, nhà gươl PơrNing – được mệnh danh là nhà gươl đẹp nhất Quảng Nam - được khánh thành. “Nhiệm vụ đầu tiên của hắn đã hoàn thành một cách xuất sắc. Dân làng đã tin tưởng hắn ngay từ nhiệm vụ đầu tiên này” – già Cơ Lâu Năm nói.

Phát triển kinh tế địa phương

Gia đình riêng của BhnướchLạc cũng có đời sống kinh tế khấm khá. Ngoài làm rẫy lúa, nhà anh còn làm rẫy cao su, dệt thổ cẩm tại nhà... “Mọi người trong thôn đều khâm phục người trai trẻ làm trưởng thôn đã giỏi mà làm kinh tế cũng giỏi luôn” - già Zơrâm Cuôl nói.

Cả thôn PơrNing có 57 hộ với 445 nhân khẩu, ngoài nghề trồng lúa nỉ truyền thống còn biết trồng cây cao su, cây ba kích. Nhận thấy giá trị to lớn của cây ba kích cũng như tiềm năng của các dược liệu quý, BhnướchLạc đã cùng với cán bộ xã, huyện vận động người dân tham gia trồng cây ba kích, tham gia các lớp tập huấn của huyện. Đặc biệt, BhnướchLạc thuyết phục bà con chỉ trồng ba kích trên những rẫy cũ, chứ không phát rừng già. Nhờ đó, làng PơrNing bây giờ đã có vườn ươm giống ba kích bài bản nhất huyện Tây Giang.

Ngoài ra, vị trưởng thôn trẻ còn đề xuất với làng: “Ngoài việc tổ chức lễ hội vào dịp mừng lúa mới Zơ Trăng, dân làng mình cũng tổ chức mừng các ngày lễ lớn của đất nước một cách bài bản”. Kể từ đó, ngoài những lễ hội truyền thống của người Cơ Tu, BhnướchLạc đã cùng với các già làng, cán bộ xã hăng hái tổ chức mừng Đảng đón xuân, mừng ngày đất nước thống nhất, ngày thương binh liệt sĩ… một cách chỉn chu, bài bản, có đốt lửa trại, có múa tung tung za zá, có tiếng cồng chiêng…

Được Chương trình 134 hỗ trợ, BhnướchLạc mạnh dạn viết đơn xin kinh phí để bê tông hóa toàn bộ đường trong thôn mình. Bây giờ, được đi trên con đường mới, nhân dân thôn PơrNing ai cũng thấy vui cái bụng…