Nhật ký làm theo lời Bác

10:46 26/09/2011     4043

Công tác giáo dục   Thực hiện Cuộc vận động Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác do T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, tại nhiều tỉnh, thành phố đã xuất hiện những mô hình hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Viết Nhật ký làm theo lời Bác là một trong những mô hình như vậy.
ảnh minh họa
ảnh minh họa
Diễn đàn Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích xin giới thiệu Nhật ký làm theo lời Bác của bạn Phan Thị Ðoan Khanh, lớp 9/5, Liên đội phó  Liên đội Nguyễn Duy Hiệu, Thành đoàn Hội An (Quảng Nam).

Hôm nay đã là 30 Tết rồi! Một năm bận rộn với bao chuyện học hành cũng sắp qua đi, lòng tôi lại nao nao chờ đợi ngày Mồng 1 Tết như hồi bé, nhưng tâm trạng của một đội viên lớp 9 giờ cũng khác xưa rất nhiều. Tôi không mong nhận được nhiều lì xì nữa mà sang năm mới, tôi bắt đầu suy nghĩ về chuyện học hành và cả tương lai của mình. Sao lại phải nghĩ nhiều thế nhỉ? Lẽ nào tôi đã lớn rồi chăng?  Ngày 30 Tết thật nhộn nhịp và tất bật. Ai cũng lo sắm sửa những vật dụng cần thiết để đón thời khắc giao thừa.

Mọi người ai cũng cố gắng hoàn thành công việc cuối cùng của mình để kịp về dự bữa cơm tất niên cùng gia đình. Ðúng là không khí mà cả năm tôi chờ đợi bây giờ đã cận kề rồi. Chiều nay, tôi đang giúp mẹ sửa soạn bữa cơm tất niên thì phải ngừng lại để chuẩn bị đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ cùng với các bạn trong Liên đội. Mọi việc lại phải nhờ mẹ. Cả năm, mẹ đã chăm lo cho gia đình, vậy mà đến ngày cuối năm tôi cũng chẳng giúp gì nhiều cho mẹ. Vì vậy, tôi ái ngại khi nghĩ đến việc đi thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố, và tôi xem đó như một nhiệm vụ phải hoàn thành. Tôi miễn cưỡng đi và trong lòng không thấy vui.        

Nhưng lúc đặt chân đến Nghĩa trang liệt sĩ,  không khí trang nghiêm nơi đây đã làm tôi thay đổi suy nghĩ. Ðứng trước Ðài tưởng niệm cùng các bạn và thầy giáo, cô giáo của mình, tôi chợt nhớ đến những hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ, của thế hệ cha ông qua những bài học, qua những bộ phim tài liệu... mà tự thấy  rằng  những suy nghĩ ban đầu của bản thân mình thật ích kỷ và vô tâm. Có thể nói, Nghĩa trang liệt sĩ là nơi duy nhất trong thành phố không có không khí chiều 30 Tết. Cảnh tượng thật thanh bình, trang nghiêm với khói hương nghi ngút. Chúng tôi đã cùng nhau trân trọng đặt vòng hoa tưởng niệm  với dòng chữ "TỔ QUỐC GHI CÔNG". Dòng chữ tưởng chừng như ngắn gọn và đơn giản đó đã đánh thức tâm hồn tôi,  khơi gợi, nhắc nhở về điều khờ dại mà tôi đã nghĩ. Tôi cảm thấy mình thật có lỗi!

Sau đó chúng tôi tản ra để thắp hương từng ngôi mộ các anh hùng, liệt sĩ. Và từ lúc ấy, việc thắp hương đối với tôi không đơn thuần nữa mà mỗi nén nhang  thắp lên như một lời xin lỗi, một sự tưởng niệm, sự tri ân vô bờ bến của tôi đối với những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống yên bình của chúng tôi hôm nay. Nhìn những dòng chữ khắc trên bia mộ, tôi thấy có người đã hy sinh ở tuổi mười tám, đôi mươi- cái tuổi đẹp nhất của đời người, có người đang nằm cạnh đồng đội mình nhưng chẳng được ai biết tên bởi trên bia mộ chỉ có hai chữ "VÔ DANH".

Tôi sẽ mãi giữ lại những hình ảnh của buổi chiều hôm nay trong suốt cuộc đời mình, một buổi chiều đã giúp tôi nhận ra rằng: Ðã có những lúc mình thật vô tâm và hờ hững. Sự hy sinh của bao lớp người đi trước để chúng tôi có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc như hôm nay luôn phải ghi nhớ. Tôi thấy cuộc sống này thật ý nghĩa và đáng quý biết bao! Tôi trở về nhà với bao cảm xúc trong lòng. Dự bữa cơm tất niên cùng gia đình, ngước nhìn bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương mà tôi cứ nhớ mãi tình cảm dâng trào khi đọc dòng chữ "TỔ QUỐC GHI CÔNG" như xuyên suốt vào tâm hồn mình. Và tôi cũng trả lời được cho câu hỏi còn bỏ ngỏ ban sáng: Mỗi chúng ta chỉ thật sự lớn nếu biết bỏ qua tính ích kỷ trẻ con để quan tâm đến mọi người.