Chàng trai trẻ đưa bưởi Diễn về đất Thanh Chương- Nghệ An làm giàu

16:07 05/09/2013     2594

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Không đành lòng khi nhìn người dân quê mình lần lượt phải rời làng đi kiếm ăn nơi xa. Chàng trai trẻ Hồ Sỹ Phượng (xóm Liên Yên, xã Thanh Liên, Thanh Chương) đã làm một chuyện “ngược đời” là quay về làng đem theo giống bưởi Diễn - một cây trồng khó tính ở đất Bắc Bộ, cùng ước mơ thoát nghèo ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Anh Phượng bên những cây bưởi Diễn trĩu quả
Anh Phượng bên những cây bưởi Diễn trĩu quả

Học nghề để về quê làm giàu

Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm về mảnh đất Thanh Liên (Thanh Chương), hỏi chuyện “Phượng bưởi Diễn” thì từ đầu làng đến cuối xã không ai là không biết. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 anh chị em, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ngay từ nhỏ, thấu hiểu nỗi vất vả của gia đình, Hồ Sỹ Phượng đã nung nấu ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu. Năm 1997, gia đình đông người, cơm ăn ngày ba bữa chẳng đủ, Phượng đã phải nghỉ học để xuống Vinh kiếm việc làm thuê. Vừa làm thuê, vừa lân la kiếm nghề để học, Phượng đã tìm đến nghề trồng cây cảnh. Sau khi nắm bắt được những kiến thức cơ bản về nghề trồng cây cảnh từ lớp học cũng như từ các nghệ nhân. Năm 2000, anh quyết định tìm đến vùng Hưng Yên, nơi vốn nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh từ lâu đời để làm thuê và mong học thêm được ít kiến thức về các thế cây cảnh và các loại cây trồng mới. Tại Hưng Yên, thấy được cách người dân nơi đây tận dụng từng thửa đất để trồng cây, khiến anh không khỏi băn khoăn trước việc “tại sao ở quê mình đất đai rộng lớn như vậy mà không biết khai thác làm giàu mà cứ phải bôn ba nơi đất khách”. Thế là Phượng lại khăn gói trở về. Lúc này số tiền tích cóp được trong mấy năm đi làm thuê không đáng là bao, nhưng trong đầu anh lại đầy ắp ý tưởng cùng ý chí quyết tâm làm giàu.

“Đất đai ở nhà thì rộng rãi nhưng ít người biết cách tận dụng, thế là tôi quyết định quay về mượn đất để lập trang trại. Ban đầu nhiều người cứ nghĩ mình điên khi bao nhiêu năm nay nhiều người đã bắt tay vào làm trang trại nhưng thất bại. Càng ngạc nhiên khi thấy mình đưa giống bưởi Diễn từ ngoài miền Bắc về trồng. Bởi cây bưởi Diễn rất kén đất, phải là đất thịt nặng và đất sét có độ phì nhiêu cao thì mới hợp. Cũng may nhờ sự ủng hộ của gia đình, một số bạn bè, đặc biệt là sự hỗ trợ của quỹ thanh niên lập nghiệp huyện Thanh Chương nên bước đầu việc xây dựng trang trại cũng đã có ít thành công”

Bưởi Diễn trên vùng đất mới 

Tháng 10 năm 2007, Phượng đấu thầu lại vùng đất vườn ươm của UBND xã Thanh Liên, đầu tư khoảng 180 triệu đồng để cải tạo lại vườn và tiến hành trồng  bưởi Diễn. Khu vực vườn ươm này ban đầu được trồng nhãn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế không cao. “Sau khi đấu thầu được khoảng 2ha đất, thú thật mình cũng không dám phá bỏ hết tất cả diện tích nhãn trên đó mà chỉ phá bỏ một nửa rồi trồng bưởi Diễn vào. Tuy tỷ lệ sống khá cao nhưng tỷ lệ sâu bệnh lại nhiều, đặc biệt với khí hậu khắc nghiệt như ở Nghệ An thì nhiều mần bệnh lạ xuất hiện, mình lại phải khăn gói ra Hưng Yên, mua thêm sách để tìm hiểu. Sau 3 năm chăm bón thì mới cho quả bói và đến khi cây cho quả đạt chất lượng và năng suất cao thì mới dám phá hết vườn nhãn để trồng bưởi. Đến nay chỉ để lại những gốc nhãn bao quanh vườn nhằm che chắn gió mà thôi, còn lại hơn 1,4ha được trồng toàn bưởi Diễn”.

Đưa cây bưởi Diễn về vùng đất mới không có nghĩa là đã thành công. Anh Phượng cho biết: “sau khi vườn bưởi cho thu hoạch, nhiều người nghi ngờ về chất lượng bưởi đã lắc đầu khi được chào bán, nên vợ chồng chúng tôi phải đưa bưởi ra tận Hà Nội, chở từng xe thồ đi khắp các chợ bán lẻ. Sau này khi biết được đúng chất lượng bưởi Diễn với quả nhỏ, ngọt và càng để lâu càng ngon nên nhiều người biết và đến tận vườn đặt mua”.

Không chỉ trồng bưởi, trên diện tích trang trại hơn 2ha, anh Phượng còn đào 0,28ha để nuôi cá; trồng dưa hấu; trồng ngô; làm chuồng bò... Với hơn 700 gốc bưởi Diễn mỗi năm cho thu hoạch từ 10.000 quả đến 12.000 quả; 0,8 tấn cá; 5 tấn dưa hấu; 2 tấn ngô đã cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 50-70 triệu đồng. Ngoài ra trang trại của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động và 4 lao động thời vụ.

Thành công trong việc đưa bưởi Diễn về Thanh Chương và xây dựng được mô hình trang trại trên mảnh đất khô cằn của Hồ Sỹ Phượng đã thực sự khiến nhiều người nể phục. Tuy nhiên, theo anh do giá cả thị trường biến động thường xuyên; giá các loại vật tư đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi đó giá cả đầu ra sản phẩm lại thấp, bấp bênh không ổn định nên ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. “Hy vọng rằng trong thời gian tới không chỉ tôi mà nhiều bạn trẻ khác sẽ được tạo điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất, được tham gia các câu lạc bộ về khoa học - kỹ thuật cùng giúp nhau phát triển kinh tế, để có thể tự làm giàu trên chính quê hương mình mà không phải bươn chải làm thuê kiếm sống ở đâu xa” - anh Phượng chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Sỹ Đức - Bí thư Huyện đoàn Thanh Chương cho biết: “Mô hình trang trại của đồng chí Phượng là một trong nhiều mô hình kinh tế thanh niên điển hình ở Thanh Chương. Năm nay, chúng tôi đã đề nghị Trung ương Đoàn xét tặng danh hiệu Lương Đình Của cho đồng chí Phượng. Để giúp đỡ thanh niên lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, thời gian tới chúng tôi sẽ mở lớp tập huấn nâng cao kĩ năng cho các chủ trang trại trẻ và tiến tới thành lập câu lạc bộ trang trại trẻ nhằm tạo điều kiện cho ĐVTN có điều kiện giao lưu học tập kinh nghiệm lẫn nhau”.