'Ước mơ tiếp cận' dành cho người khuyết tật

14:31 18/09/2012     200

Công tác giáo dục   Chiến dịch này vẽ lên một bức tranh thành phố hoàn toàn không trở ngại, rào cản với người khuyết tật.


Cuối tuần qua tại Công viên 23/9, quận 1, TP HCM đã diễn ra chương trình Ước mơ tiếp cận F3 hướng tới cộng đồng người khuyết tật. Đây là chiến dịch nằm trong chuỗi hoạt động của dự án "Bản đồ tiếp cận" do Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) phối hợp với Câu Lạc Bộ niềm tin thực hiện. Mục đích của chương trình nhằm tạo nên một cộng đồng không rào cản với người khuyết tật, đưa người khuyết tật hòa nhập hơn với cộng đồng.

Chị Từ Mẫn Kỳ - trưởng nhóm dự án Bản đồ Tiếp Cận chia sẻ: “Chương trình tiếp cận là một vấn đề không còn mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam đây là một việc còn khá là mới mẻ. Với dự án này, tụi mình muốn khơi gợi và cho mọi người hiểu hơn và hướng tới một thành phố không rào cản với người khuyết tật”. Ngoài nâng cao nhận thức của mọi người, dự án này còn tạo ra những tấm bản đồ online, bản đồ giấy giúp cho người khuyết tật có thể hòa nhập hơn với cuộc sống.

Hoạt động vẽ lên thành phố tiếp cận trong tương lai được các bạn trẻ tham gia rất nhiệt tình. Các bạn thỏa sức sáng tạo để vẽ lên những điều mình mong muốn như cơ sở hạ tầng, nhà hàng, siêu thị, sở thú, các công trình phù hợp để người khuyết tật sử dụng một cách dễ dàng. Bạn Thanh Hoa (một sinh viên khuyết tật) chia sẻ: “Với ý tưởng Xích lại gần nhau, tụi mình muốn xây dựng một công trình cho người khuyết tật mà ở đó có đầy đủ sự thoải mái, thân thiện và đầy tiện ích giành cho người khuyết tật. Những ý nghĩ có phần hơi hoang tưởng một chút nhưng tụi mình tin một ngày nào đó chúng sẽ trở thành hiện thực”.

Đây là một sân chơi giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Thông qua chiến dịch này, các bạn trẻ cũng thể hiện niềm tin và sự khát khao về một thành phố không rào cản.

Nét mặt rạng rõ của những người bạn khuyêt tật khi được hòa nhập cùng cộng đồng.

Các bạn trẻ tỏ ra rất tự hào khi được trở thành đại sứ Ước mơ tiếp cận.

Để cộng đồng có thể lắng nghe và hiểu được ý nghĩa của dự án, các bạn trẻ đã cùng nhau viết lên những bức thông điệp, những ước muốn, những khát khao sẻ chia cùng người khuyết tật. “Tôi muốn mọi người đều nhìn người khuyết tật giống người không khuyết tật”; “ Trong một thế giới tiếp cận sẽ không có khoảng cách ”; “ Trong một thế giới tiếp cận, người khuyết tật không bị kỳ thị”… là những bức thông điệp đã có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Một bạn gái rạng rỡ bên tấm bảng thông điệp của mình. Cách làm này đã tiếp thêm sức mạnh cho những người bạn kém may mắn hạnh phúc hơn rất nhiều.