Ý chí và nghị lực của cô gái 2 lần đoạt Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Quốc tế môn Sinh học

13:17 08/10/2015     1276

Nhịp sống trẻ   Tại Đại hội thi đua yêu nước TP.Đà Nẵng lần thứ IV- 2015 vừa qua, hòa chung với 282 gương điển hình tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước được lãnh đạo TP.Đà Nẵng khen thưởng, em Lê Thị Nguyệt Hằng, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với dáng người nhỏ nhắn, khiêm nhường, đã khiến nhiều người khâm phục trước thành tích và nội lực của em trong học tập, vươn lên.
Chia sẻ tại Đại hội, Lê Thị Nguyệt Hằng cho biết: Em là học sinh lớp chuyên sinh 12B2 năm học 2014-2015 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đà Nẵng) được vinh dự khi đại diện cho các bạn học sinh về dự Đại hội thi đua yêu nước cấp TP lần này, đồng thời, em cũng là đại biểu nhỏ tuổi nhất của Đại hội. Phát biểu chia sẻ tại Đại hội, em cho rằng, kết quả học tập của em trong những năm qua vẫn còn nhỏ bé so với bề dày thành tích của các thế hệ học sinh Đà Nẵng đi trước cũng như sẽ rất khiêm tốn so với những đóng góp hàng ngày của các cô, các chú, các bác, các anh chị tham dự Đại hội lần này.

Tuy nhiên, Lê Thị Nguyệt Hằng cũng hy vọng, những chia sẻ của mình trước Đại hội “sẽ như một cánh én nhỏ góp thêm vui, xây thêm tươi đẹp cho hình ảnh của TP quê hương năng động và tích cực đổi mới, để từ đó truyền thêm cho các thế hệ học sinh, sinh viên TP niềm cảm hứng học tập, niềm lạc quan và khát khao vươn tới những tầm cao mới của tri thức, làm rạng danh TP thân yêu và từ đó có những đóng góp, cống hiến làm đẹp giàu cho quê hương mai sau". 

h
 Em Lê Thị Nguyệt Hằng phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước TP.Đà Nẵng lần thứ IV-2015

Kể về những thành tích trong học tập của mình, Lê Thị Nguyệt Hằng nhớ lại: Khi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, em vẫn là cô học trò nhút nhát, thiếu tự tin. Và đối với em lúc đó, được chọn vào đội tuyển thi quốc gia vẫn là một điều mơ ước, mặc dù mỗi sáng đến trường, đi qua tấm bảng vinh danh những anh, chị đạt thành tích tiêu biểu của Trường, em khát khao một lần được thấy tên của mình trên đó. Em vẫn luôn cho rằng, để đạt đến những thành tích đáng ngưỡng mộ như thế, các anh chị ấy hẳn rất thông minh, nổi bật và có tố chất bẩm sinh, còn mình có lẽ những điều ấy là rất xa vời… 

“Thế nhưng, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Ba đã luôn gần gũi động viên em hãy thử sức, hãy cố gắng hết mình; rằng em hoàn toàn có khả năng đạt được giải cao nếu nỗ lực! Không chỉ vậy, ba mẹ cũng luôn ở bên cạnh, tin tưởng và ủng hộ hết lòng mọi quyết định của em. Nhờ vậy, ngay từ mùa hè chuẩn bị vào lớp 11, em quyết định tham gia vào đội dự bị chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia”- Lê Thị Nguyệt Hằng cho biết.

Tuy nhiên, như ngạn ngữ đã nói, không có con đường đến thành công nào đều bằng phẳng cả. Với Hằng, bất lợi lớn lúc bấy giờ chính là thời gian. Bởi đây là lần đầu tiên từ khi đi học em phải đối mặt với một khối lượng kiến thức khổng lồ trong một thời gian ngắn chỉ 3 tháng hè. “Em thật sự lo lắng không biết phải làm sao để nắm bắt được kiến thức từ những cuốn sách dày cộm và giải quyết một lượng bài tập lớn đến vậy”- Hằng chia sẻ thêm.

Nhưng nghĩ về những tấm gương của các anh chị khóa trước, những người cũng đã từng đối mặt với cùng một nỗi lo như thế và đã nỗ lực vượt qua, em thấy mình càng phải cố gắng nhiều hơn. Em hiểu, với môn Sinh học, phương pháp tự học tốt nhất chính là chịu khó tìm tòi, đọc sách, nhưng không chỉ đọc “chay” mà còn phải thúc đẩy sự tò mò, đặt ra câu hỏi để kết nối các kiến thức ở các phân môn khác lại với nhau cũng như liên hệ với các kiến thức thực tế. Nhờ đó, khối lượng kiến thức lúc đầu tưởng như rời rạc và rộng lớn vô cùng sau đó sẽ là một khối thống nhất và cô đặc, liên quan đến những vấn đề thực tế ngoài thiên nhiên nên mỗi khi cần thì có thể dễ dàng nhớ ra. Ví dụ như khi học về ung thư thì em sẽ cố gắng nghĩ ra những câu hỏi thúc đẩy mình tìm hiểu sâu hơn về chu trình tế bào, về tác nhân gây ung thư ở cấp tế bào cũng như cơ thể, về điểm khác và giống nhau của ung thư với các bệnh di truyền khác đã từng học, về ảnh hưởng của virus hay vi khuẩn lên ung thư…”.

Tự mình đặt ra những câu hỏi như thế không chỉ giúp kết nối kiến thức mới với kiến thức đã học mà còn giúp em hiểu sâu hơn được bản chất của vấn đề. Với “bí quyết” này, khi em gặp những câu hỏi mới lạ, liên hệ với thực tế thì Hằng có thể tư duy phân tích câu hỏi, liên hệ với kiến thức đã học để trả lời chứ không chỉ là học thuộc lòng và chép ra định nghĩa.

Sau nhiều tháng cố gắng rèn luyện, ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2013-2014 em đã đạt giải Nhì - một điều vượt quá sức mong đợi của em và Hằng vẫn còn nhớ như in khi em cảm thấy nhẹ nhõm và vui sướng được đón nhận tin vui từ nhà trường. Sau đó, cô giáo chủ nhiệm thông báo em đứng thứ 29/32 bạn sẽ được thi tiếp vòng 2 để chọn ra  4 bạn tham dự kỳ thi Olympic Quốc tế. Đây thực sự là một sân chơi lớn, đồng thời là một sự trải nghiệm đầy thách thức với em khi chỉ có 4 bạn đứng đầu cả nước được đại diện cho Việt Nam tham dự tiếp kỳ thi quốc tế. Hơn nữa, lúc này em vừa mới hoàn thành chương trình lớp 11 và lo ngại rằng lượng kiến thức có được sẽ khó để đạt đến sân chơi quốc tế.

Thế rồi, khi nghĩ về những tấm gương sáng của nhà trường và hồi tưởng về rất nhiều ước mơ, Hằng có suy nghĩ tại sao mình không phấn đấu làm được như các anh chị đi trước đã làm? Hằng chia sẻ: “Hóa ra chỉ khi có ước mơ, chúng ta mới có thể nâng mình băng qua những khó khăn phía trước để đạt được đích đến, dù đích đến đó có khi là không tưởng”. Và cứ thế, quyết tâm và mơ ước đã nung nấu thêm ý chí và nghị lực để Hằng vượt qua các chướng ngại vật để bay cao, bay xa đạt đến những tầng cao của kiến thức…

Cùng với sự động viên của cô giáo chủ nhiệm, của Tổ trưởng Tổ Sinh học và các thầy cô, bạn bè, Hằng đã tự tin dấn thân vào một guồng thử thách mới. Và cuối cùng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, kết quả vòng thi 2 đã không chỉ làm mọi người mà cả chính bản thân em với suy nghĩ lạc quan nhất cũng bất ngờ: Em đứng thứ nhất trong số 32 bạn dự thi vòng 2. Cánh cửa đến với kỳ thi Olympic Quốc tế sinh học đã mở ra với em, em may mắn 2 năm liên tục là thành viên Đội tuyển môn Sinh học dự thi Olimpic quốc tế. Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 26 năm 2015 (IBO 2015) tổ chức tại Vương quốc Đan Mạch từ ngày 9 -21/7/2015, Lê Thị Nguyệt Hằng đã xuất sắc giành về tấm Huy chương Bạc. Trước đó, năm 2014, Hằng cũng xuất sắc đoạt Huy chương Bạc tại IBO lần thứ 25 được tổ chức tại Indonesia. Đây là những thành quả xứng đáng cho nỗ lực và ý chí, nghị lực và quyết tâm của em trong suốt gần 3 năm qua.

Trải nghiệm những bài học về niềm tin và sự cố gắng, nỗ lực, giờ đây em quyết định cho bản thân mình một thử thách mới: Tìm học bổng du học ngành Công nghệ Sinh học để có thể tiếp cận được với những kiến thức tiên tiến trên thế giới, nhất là các phát minh khoa học cũng như để trải nghiệm về tư duy và kinh nghiệm làm việc của các nước phát triển. Hằng cho biết, em mong muốn có thể dùng những kiến thức cũng như kinh nghiệm có được để góp một phần nhỏ bé cùng xây dựng TP Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Mong rằng, những ước mơ của em sẽ sớm hành hiện thực; những suy nghĩ, ý chí và nghị lực của em sẽ được các bạn trẻ trân trọng và noi theo./.