Vượt qua định kiến
10:22 20/02/2014 1865
Nhịp sống trẻ Họ không cùng độ tuổi, không chung hoàn cảnh nhưng lại gặp nhau ở sự kiên trì nỗ lực để vượt qua chính mình, qua định kiến cay nghiệt của người đời, không chỉ bằng lý trí mà bằng những tình cảm đẹp, thiêng liêng.
Anh Đặng Văn Út - Ảnh: Tâm Ngọc |
Đó là một anh Út say mê nuôi heo, một em Gái teo chân ham học và là một học sinh vượt khó học giỏi toàn diện nhiều năm liền ở huyện Phù Cát (Bình Định).
Ít ai nghĩ rằng anh chàng có dáng người thư sinh, da dẻ trắng trẻo ấy lại là một ông chủ trại heo có quy mô bài bản đã 7 năm nay ở thôn Phú Gia, xã Cát Hưng. Năm 2013, anh Đặng Văn Út còn được giải thưởng Lương Định Của dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”.
Anh Út kể, hồi đó nhà nghèo, lại đông anh em, Út được ưu tiên cho học hành đầy đủ hơn các anh chị để mong đổi đời. Khi đang là sinh viên năm nhất một trường trung cấp ở Quy Nhơn thì cha anh đột ngột qua đời. Về quê chịu tang cha, Út bỗng nghĩ, sao mình không ở nhà làm nông để làm giàu bằng chính sức lực của mình. Nghĩ vậy, Út bỏ ngang chuyện học để về… nuôi heo. “Hồi đó, nhiều bạn bè và người quen biết tui quyết định vậy còn cười cợt, chế giễu vì ai cũng nghĩ tui khùng”, anh Út kể. Nói là làm, anh khởi nghiệp bằng một đàn heo nhỏ, hơn chục con. Nhờ siêng năng, chịu khó, anh dần mở rộng đàn heo ngày một lớn dần.
Anh chia sẻ: “Thực tình, tui cũng không giải thích cụ thể được, nhưng tui rất mê cái nghề này. Nhất là khi nhìn bầy heo đứng xếp hàng ăn thẳng tắp. Con nào con nấy mơn mởn, sạch sẽ. Nhìn nó đã gì đâu”.
Sau 3 năm nuôi kiểu gầy dựng, khi đã có chút vốn và kiến thức, kinh nghiệm trong tay, anh Út mạnh dạn đầu tư chuồng trại quy mô lớn hơn với chi phí hơn 200 triệu đồng. Đến nay, trại heo của anh Út có gần 200 con được nuôi bài bản theo chu trình khép kín từ con giống đến khâu xử lý chất thải…
Trong một hoàn cảnh khác, em Nguyễn Thị Mai Gái (học sinh lớp 6, Trường THCS Cát Hải, H.Phù Cát) lại nhất quyết phải đeo bám cái chữ, dù rằng đôi chân em bị teo nhỏ ngay từ trong bụng mẹ.
Nhà Gái ở trong một con đường quê ngoằn ngoèo, còn trường học thì lại ở phía bên kia một con đèo có tiếng khắc nghiệt và nguy hiểm, nhất là mùa mưa bão. Gái sinh ra với đôi chân teo lại, chỉ là một khối thịt nhỏ, không thể cử động.
Lớn lên, đến tuổi đi học, Gái xin mẹ cho đi học cùng bạn bè. Lúc đầu, có người ác mồm, nói cho Gái học mà làm gì trong khi chân thì teo, tay thì cong quẹo, đi học chỉ tổ để người ta chọc ghẹo mà thôi. Chị Lạt, mẹ Gái, gạt hết mọi xầm xì, ngày ngày chở con đến lớp. Lúc đầu, chị ngồi ngoài cửa để có gì “hỗ trợ” Gái, dần dà thì chỉ cần chở đến lớp học rồi về. Bằng nỗ lực, chăm chỉ và sự kiên trì của mình, Gái dần dần xóa đi cái định kiến bị tật thì trí não kém phát triển.
Niềm vui của gia đình chị Lạt được nhân đôi khi Gái chẳng những học được mà còn học khá giỏi các môn, năm nào cũng được nhận giấy khen và phần thưởng. Khi hỏi về ước mơ, Gái thường thủ thỉ với mẹ mơ có được đôi chân, mà chỉ là mơ vậy thôi. Còn nghề nghiệp thì muốn làm cô giáo lắm mà chân con thế này… Nên con cứ học đã, mẹ ráng chở con đi học nghen!