Vết chân dài trên non

10:18 21/02/2014     2009

Nhịp sống trẻ   Sinh ra giữa vùng rừng núi khốn khó, lại có đôi chân tật nguyền, ước mơ đến trường đối với Hồ Văn Đào tưởng chừng là thứ viển vông. Thế nhưng chính những người nhọc công “cõng cái chữ” lên non ở nơi đấy đã tạo nên “đôi chân vô hình” cho cậu bé...

5
Điều kỳ diệu đã đến với Đào khi các thầy cô ở Trường THCS Pa Nang nhận Đào là con nuôi, cho ăn ngủ cùng - Ảnh: Nguyễn Phúc


Câu chuyện thần kỳ

Đào chào đời ở bản Ngược cách đây 13 năm, một bản xa của xã Pa Nang (H.Đakrông, Quảng Trị). Ở đó, Đào cũng như cha mẹ mình, sống hồn nhiên như cây như cối, chỉ mong ngày có đủ 3 bữa ăn. Tiếc rằng, cái hình hài bình thường như bao người của Đào đã bị “Giàng” tước đoạt khi cậu chưa đầy 2 tuổi. Một cơn sốt quái ác đã làm đôi chân Đào co quắp rồi teo dần lại. Phần vì gia đình không có điều kiện chạy chữa, phần vì cái lý của người vùng cao rằng “thằng Đào bị người nhà trời quở trách, sớm muộn gì cũng chết” nên gia đình đưa Đào về nhà chờ tử thần gọi cửa. Vậy mà Đào lại sống.
Có lẽ cũng vì suy nghĩ già trước tuổi nên khi được hỏi về ước mơ về sau, Đào không ngần ngại cho biết rất muốn làm thầy giáo. “Học xong em sẽ quay về quê mình, đi dạy và nhận các học sinh nghèo khổ... làm con nuôi”, cậu bé tật nguyền nói.
Vì nhà có đến 4 anh em, trong đó Đào lại tật nguyền, nên cha mẹ Đào vất vả hơn người khác trên mảnh đất khô cằn này kiếm chút cơm canh. Một ngày nọ, khi nhát cuốc của cha Đào bổ xuống rẫy, một quả bom bi phát nổ đã tước đi sinh mạng của ông.

Cảnh nhà cơ cực, nhưng Đào quyết không bỏ học; mặc cho chúng bạn thi thoảng vẫn trêu chọc là “thằng què”, “thằng cụt”; mặc cho thật nhiều buổi đến lớp với cái bụng rỗng và đầu gối tứa máu vì vấp đá sỏi dọc đường.

Nỗ lực hết mình, nhưng hết bậc tiểu học thì ước mơ tới lớp của cậu bé tưởng chừng đứt gánh vì nhiều thử thách ngáng đường. “Trong bản có điểm lẻ của trường tiểu học nên em đi học gần nhà, nhưng lên THCS thì phải ra trung tâm xã. Chân cẳng em thế này làm sao vượt qua hàng chục con suối, ngọn đồi. Rồi ra tới nơi, lấy ai lo cho cái ăn, cái uống... Mẹ nói thôi thì ở nhà với mẹ, em cũng chỉ biết nín thinh”, Đào nhớ lại.

Vậy mà tiếng tăm về một cậu bé tật nguyền khát chữ như khát sữa mẹ, đã thôi thúc những thầy giáo ở Trường THCS Pa Nang thực hiện một điều xưa nay chưa từng có: nhận nuôi học trò. Câu chuyện thần kỳ về Đào được viết tiếp từ đấy. Tưởng như Đào vừa có một đôi chân mới vô hình và được kết bằng tình thương, nâng bước em đến lớp.

Luôn thấy như người bình thường

Chúng tôi lặn lội đến Trường THCS Pa Nang để tìm gặp Đào. Đang giờ lên lớp, cậu bé say sưa nghe giảng bài ở lớp 7B, trên tầng hai. Và khi trống tan trường điểm, thay vì đi ra khu nhà bán trú như chúng bạn thì Đào lại về khu nội trú của giáo viên. Thầy Lê Thanh Tùng, Phó hiệu trưởng nhà trường đồng thời cũng là người ở chung phòng với Đào, đón lấy cậu học trò giúp cậu thay quần áo, rửa mặt rồi đi ăn cơm. Có lên những chỗ khốn khó như nơi này mới biết sinh hoạt như Đào là niềm mơ ước của mọi đứa trẻ. Dù rất giản đơn nhưng chỉ cần đi học về là chúng đã có cơm ăn. Việc nặng nhất của Đào có lẽ là tự rửa bát đũa của mình.

Chưa hết, khi học bài hay làm bài tập ở nhà, có gì không hiểu thì Đào có thể cầu cứu các thầy. Cậu bé còn được tiếp cận với công nghệ thông tin khi thường xuyên được thầy Tùng cho mượn laptop lên mạng đọc sách, xem tin tức thời sự... Đêm đến, người bạn chung giường của Đào là thầy Hồ Ngọc Vương. Nhờ hơi ấm của thầy, cái lạnh mùa đông trên núi cao đã thôi làm chân Đào đau nhức.

Được các thầy kèm cặp sát rạt, thật khó để Đào không tiến bộ trong việc học tập. Nhưng điều làm những người cha nuôi của Đào hài lòng nhất đó chính là sự thay đổi trong giao tiếp, không còn mặc cảm của Đào. “Ban đầu Đào nhút nhát nên chúng tôi đã bằng mọi cách rèn luyện kỹ năng sống cho em. Giờ đây, chân cẳng vậy nhưng hễ các bạn đá banh là Đào cũng vui vẻ tham gia. Đủ biết em đã tự tin lên như thế nào”, thầy Tùng tự hào kể.

Đào cũng thật thà thừa nhận như người lớn rằng: “Thi thoảng nhớ mẹ thôi chứ hiện giờ em muốn ở lại trường hơn về nhà. Vì ở trường em được đi học, được ăn no, ngủ ấm. Em không có chân nhưng bên thầy cô em luôn thấy mình là người bình thường”.