Từ chàng trai mê lập trình đến công dân trẻ tiêu biểu

14:45 07/01/2015     1844

Nhịp sống trẻ   Với trên 10 giải thưởng về công nghệ thông tin trong và ngoài nước, là người trẻ nhất trong số 10 gương mặt được trao giải “Quả cầu vàng”, giải thưởng do T.Ư Đoàn TNCS và Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức, Thanh là sinh viên duy nhất trong danh sách 6 Công dân trẻ tiêu biểu 2014 mà Thành Đoàn TP. HCM vừa công bố.

Lê Yên Thanh quê ở An Giang. Ba mẹ là giáo viên dạy Toán nên từ nhỏ, Thanh đã yêu thích môn học này. “Toán học rất uyển chuyển và tập cho mình biết tư duy lôgíc. Nhờ tư duy này, khi học lên cao và bắt tay vào lập trình hay tìm tòi vấn đề nào đó, mình làm việc rất dễ dàng”, Thanh chia sẻ. Năm lên lớp Sáu, Thanh tiếp xúc với máy tính và bắt đầu say mê tin học. Kết thúc quãng thời gian THCS, Thanh đã có những danh hiệu đầu tiên với giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Toán và giải Nhì Hội thi Tin học trẻ tỉnh An Giang.

Càng học càng khám phá được nhiều điều mới lạ, Thanh bắt đầu tìm các phần mềm trên mạng để mày mò làm theo. Khi còn là học sinh trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), Thanh đã lập trình được nhiều phần mềm hữu ích cho trường, như: Phần mềm Quản lý thư viện, phần mềm Quản lý học sinh… khiến các thầy cô rất tự hào. Ba năm học THPT, Thanh đã mang về cho trường nhiều giải thưởng Tin học cấp Quốc gia. Năm học 2011 – 2012, Thanh giành danh hiệu Thủ khoa toàn quốc cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Tin học và được tuyển thẳng vào học chương trình tiên tiến của khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM).

a
Lê Yên Thanh tại Tokyo (Nhật)

Nhìn bảng thành tích đáng nể của Thanh khi mới ở tuổi 20, người khác dễ hình dung anh chàng là “mọt sách”. Nhưng Thanh khẳng định: “Mình rất mê chơi. Mình thường “đầu trò” tổ chức các chuyến đi chơi, tụ tập, hát hò cùng bạn bè… Mình không bao giờ là một “cái máy học”, mình còn trẻ và muốn sống thật sự là một người trẻ, với đầy đủ cảm xúc. Còn khi làm việc hay ngồi vào bàn học, mình tập trung để có kết quả tốt nhất”.

Thanh nói về đam mê: “Hồi nhỏ, mình mê máy tính vì mê chơi game. Vừa chơi game, mình vừa mày mò tìm hiểu nên dần nắm được các kiến thức cơ bản về máy tính. Đam mê sẽ vô ích, nếu không có sự tìm hiểu và thử nghiệm ngay trong chính đam mê đó. Bản thân game cũng là một thành quả của lập trình công phu, nếu mình chỉ hưởng thụ thành quả mà không tìm hiểu con đường làm ra nó thì không thể yêu máy tính hơn”.

Những ý tưởng thực tế

Khi mới học năm thứ hai tại trường ĐH KHTN, Thanh đã gây được chú ý ở trường, khi có 2
Một số giải thưởng
của Lê Yên Thanh


+ Giải thưởng danh dự Hormorable Mention, cuộc thi Lập trình Sinh viên quốc tế 2014.

+ Giải Nhất cuộc thi Lập trình Sinh viên quốc tế, khu vực châu Á 2014.

+ Giải Đặc biệt Hội thi Tin học trẻ TP. HCM 2014.

+ Giải thưởng “Quả cầu vàng” 2013.

+ Cúp vàng Olympic tin học toàn quốc 2013.

+ Giải nhất Sáng tạo ứng dụng di động 2013.

+ Giải Nhất Hội thi Tin học trẻ TP. HCM 2013.
bài báo khoa học, một bài được đăng trong kỷ yếu của Hội nghị Khoa học quốc tế tại Hy Lạp và một bài trong khuôn khổ hội nghị tại Singapore, cùng rất nhiều sáng tạo về tin học được ứng dụng. Tuy nhiên, 2 công trình nổi bật nhất của chàng trai này là mô hình “Bảo tàng tương tác thông minh” mà Thành cùng một số bạn thực hiện. Công trình này là một trong số 9 sản phẩm xuất sắc nhất tại vòng Chung khảo “Nhân tài Đất Việt 2014”, lĩnh vực “Sản phẩm công nghệ thông tin triển vọng”. Với “Bảo tàng tương tác thông minh”, người tham quan bảo tàng sẽ thú vị hơn khi có thể tương tác và tìm hiểu thông tin trực tiếp trên bề mặt hiển thị multimedia. Phần mềm này còn cho phép người dùng có thể chạm vào các đối tượng đang được hiển thị trên màn hình, hệ thống sẽ cung cấp những thông tin multimedia tương ứng với những thông tin gắn liền với một danh nhân, một hiện tượng, hay một đồ vật…

Trước khi ra mắt phần mềm này, Thanh cũng gây ấn tượng với sản phẩm “Bus map – Bản đồ xe buýt” và giành giải Nhất Hội thi Tin học trẻ TP. HCM. Đây là phần mềm có chức năng tra cứu thông tin chi tiết và lộ trình của tất cả các tuyến và trạm dừng xe buýt tại TP. HCM. Phần mềm còn có khả năng gợi ý lộ trình thích hợp nhất cho người dùng. “Bus map” được trang bị tính năng theo dõi lộ trình đi và thông báo cho người dùng khi gần đến trạm. Phần mềm này của Thanh đã được chuyển giao cho Sở Giao thông – Vận tải TP. HCM triển khai ứng dụng và giúp Thanh giành giải thưởng “Quả cầu vàng” năm 2013.

Chưa tốt nghiệp nhưng hiện Thanh đã đi làm cho các công ty lập trình, tự chủ về chi phí sinh hoạt để đỡ gánh nặng cho ba mẹ. Công việc cũng giúp chàng trai này đặt chân đến nhiều quốc gia, như: Nhật, Nga, Singapore… Với công việc lập trình các ứng dụng trên điện thoại di động, mỗi tháng, Thanh thu nhập gần 20 triệu đồng. Anh chàng đang mơ kiếm đủ số tiền để sau khi tốt nghiệp, sẽ ra nước ngoài học thêm về máy tính và “nhất định sẽ quay trở lại Việt Nam làm việc, trước tuổi 30”.