Trung úy Vũ Văn Thắng - Trợ lý đa năng
08:16 28/06/2017 1822
Nhịp sống trẻ Web.ĐTN: 5 giờ 30 sáng báo thức, tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng; 7 giờ -17 giờ giờ “bù đầu” với báo cáo tổng hợp kết quả huấn luyện quân sự; cuối chiều tranh thủ tự học tiếng anh ngoài giờ; 8 giờ tối đi dạy kèm tiếng Anh.
Đó là “guồng quay khép kín” một ngày của trung úy Vũ Văn Thắng, trợ lý kế hoạch tổng hợp ban quân huấn Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân. Do năng động, sáng tạo, một lúc làm nhiều việc lại giỏi tiếng anh nên cán bộ chiến sĩ gọi anh là trợ lý đa năng nói tiếng anh như gió.
Trung úy Vũ Văn Thắng (phải) dạy tiếng anh kỹ thuật tàu biển cho chiến sĩ Nguyễn Tiến Phát tại Lữ đoàn 171, ảnh Mai Thắng |
Sau 4 năm học tập tại Học viện Hải quân Nha Trang, Thắng được điều về công tác tại tàu 17- con tàu săn ngầm hiện đại nhất của Lữ đoàn 171 Hải quân. Trước thực tế hơn 90% cán bộ chiến sĩ của tàu “mù” tiếng anh, gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng vũ khí trang bị mới. Làm thế nào để giúp đồng đội nhận biết được những thông số kỹ thuật của vũ khí nước ngoài? Sau nhiều ngày trăn trở, anh báo cáo với chỉ huy tàu xin được “phổ cập” tiếng anh dạng ký hiệu mật ngữ quân sự cho cán bộ chiến sĩ. Sau khi được chỉ huy tàu chấp thuận, anh biên soạn giáo trình giảng dạy tiếng anh chuyên biệt cho lính hải quân tàu biển.
Với phương pháp: học mọi nơi, thực hành tại chỗ, tiếng việt song hành cùng tiếng anh; lúc huấn luyện, anh là thầy giáo; giờ giải lao, anh chỉ bảo tận tình. Từ chỗ hơn 90% cán bộ chiến sĩ của tàu “hổng” ngoại ngữ, sau thời gian được anh “phổ cập”, nhiều sĩ quan, khẩu, tiểu đội trưởng của tàu biết đọc, dịch các ký hiệu chuyên biệt thuộc các loại vũ khí hiện đại mới nhất từ chữ anh sang chữ việt và sử dụng khá thành thạo khí tài trang bị mới hiện có trên tàu. Thắng chia sẻ “Nhiều anh em lúng túng khi sử dụng khí tài vì không biết tiếng anh. Em không muốn kiến thức học ở trường rơi vãi mất. Dạy đồng đội học tiếng anh, vừa giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, em cũng nâng cao kiến thức. Lúc thời gian rảnh rỗi, không học tập, nghiên cứu, phí lắm”.
Do chịu khó nghiên cứu học tập, hiện tại, Thắng có vốn tiếng anh khá cứng đứng đầu Vùng 2 Hải quân. Vì vậy mà trong lần tàu Hải quân Cộng hòa Pháp luyện tập với tàu 15 của Lữ đoàn 171, và lần biên đội tàu Đông Hải Hải quân Trung quốc thăm tàu săn ngầm vừa qua, Thắng được chọn làm phiên dịch viên, nói chuyện với sĩ quan hải quân Pháp và Trung quốc bằng tiếng truyên truyền về biển, đảo Việt Nam.
Chàng sĩ quan hải quân ở tuổi 25, với chức vụ trợ lý kế hoạch tổng hợp công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu- công việc luôn “kín lịch”. Nhiều bữa, anh không có thời gian để “thở”, song vẫn giành riêng một khoảng để đọc sách tiếng anh. Tranh thủ thời gian nghỉ buổi tối, anh đi dạy kèm hai lớp tiếng anh/tuần cho học sinh là con đồng đội. “Đi dạy, vừa nâng cao trình độ, vừa rèn luyện kỹ năng phát âm. Cái đam mê của em là truyền cảm hứng học tiếng anh cho học sinh, đồng đội; vừa giúp cán bộ chiến sĩ trong tàu có kiến thức tiếng anh để khai thác, sử dụng thành thạo vũ khí trang bị. Người lính biển, cũng cần phải đa năng để hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao phó”, Thắng, nói.