Trò chuyện với nam sinh Việt đầu tiên giành 2400/2400 thi SAT I của Mỹ
09:03 09/09/2015 1751
Nhịp sống trẻ Không đi học thêm ở đâu mà dành nhiều thời gian tự học, Hoàng Minh Tuệ - nam sinh Trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam (Hà Nội) đã đạt điểm SAT 1 tuyệt đối 2400/2400 và TOEFL iBT 113/120.
Theo tổ chức College Board Hoa Kỳ, trong khoảng 1,7 triệu thí sinh dự thi SAT 1 hàng năm trên toàn thế giới, tỷ lệ đạt điểm tuyệt đối 2400/2400 là 0,03%. Hầu hết trường đại học hàng đầu ở Mỹ và các nước phát triển khác như Canada, Singapore, Thụy Điển... đều sử dụng SAT 1 như một thước đo sát hạch đầu vào nhằm kiểm tra khả năng suy luận, kỹ năng phân tích và sự nhạy bén trong xử lý tình huống của học sinh.Ngày 6/6 vừa qua Tuệ đã đạt kỷ lục là người Việt Nam đầu tiên giành được điểm tuyệt đối 2400/2400 SAT I. Bạn có bất ngờ không với kết quả này của chính mình?
- Mình cũng tương đối bất ngờ với kết quả này, nhưng bất ngờ nhất trong gia đình chính là bố và mẹ. Khi biết điểm, mình thật sự rất vui vì những nỗ lực của bản thân đã phần nào được biến thành kết quả xứng đáng. Trong khi đó bố mẹ mình thì chưa tin ngay điểm tuyệt đối 2400/2400 là sự thật mà phải mất vài ngày sau mới chịu tin (cười).
Điểm SAT I của bạn là thi một lần hay thi nhiều lần và lấy tổng điểm cao nhất của các lần?
- Điểm số 2400/2400 này là kết quả của một lần thi của mình vào ngày 06/06/2015. Trong cả 3 phần thi Đọc, Toán và Viết của bài thi mình đều được điểm tối đa 800/800. Mình nghĩ bản thân đã được may mắn khi đạt điểm tuyệt đối ở cả ba phần thi trong cùng một lần làm bài như vậy.
Để có được điểm số này, Tuệ đã ôn luyện như thế nào?
Để tự rèn luyện cho mình thuần thục các kỹ năng và chiến thuật làm bài thi SAT, mình đã đặt quyết tâm ôn tập cường độ cao trước khi thi. Trong thời gian này mình tham khảo một số đề thi SAT của các năm trước và liên tục tự “thi thử” các đề này dưới áp lực thời gian để tạo phản xạ cũng như duy trì tâm lý và sức bền tốt. Tuy nhiên, mình cho rằng sự trau dồi kiến thức và nâng cao năng lực tiếng Anh là cả một quá trình tự phấn đầu và kiên nhẫn trước đó trong thời gian dài.
Trong những năm học gần đây bạn có đi học thêm ở các trung tâm, lớp học bên ngoài để rèn luyện các kĩ năng?
Trong 3 năm THPT, sau giờ học chính khóa, mình hoàn toàn không đi học thêm ở các trung tâm hay các lò luyện tại Hà Nội. Một phần vì muốn tiết kiệm cho gia đình, một phần vì mình cảm thấy thoải mái và hiệu quả hơn với việc toàn quyền chủ động tiếp cận các kiến thức mà mình quan tâm.
Các bạn học sinh VN thường yếu ở khả năng tiếng Anh, bạn có thể chia sẻ về phương pháp học của bản thân mình để học tốt, giành điểm cao trong các bài thi SAT, TOEFL?
Theo mình sự quyết tâm và chăm chỉ là nguyên nhân đầu tiên và then chốt giúp các bạn học giỏi tiếng Anh và được điểm cao trong các bài kiểm tra sát hạch như SAT hay TOEFL. Nếu các bạn tìm được sự thú vị trong việc học tập và tự ôn luyện thì quá trình trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng sẽ được tăng tốc rất nhiều.
Để thành thục một kỹ năng nào đó thì các bạn cần kiên trì tập luyện và lặp đi lặp lại kỹ năng đó nhiều lần một cách có ý thức. Chẳng hạn, nếu các bạn muốn cải thiện kỹ năng đọc tiếng Anh thì hãy đọc thật nhiều sách, báo hay bất cứ thứ gì viết bằng tiếng Anh; muốn cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh thì hãy dành ra mọi khoảng thời gian có thể để nghe bất cứ nội dung gì bằng tiếng Anh; muốn cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh thì mỗi ngày hãy không ngừng tập luyện tự độc thoại bằng tiếng Anh về bất cứ ý tưởng gì mình có thể nghĩ ra.
Tuệ dành bao nhiêu thời gian và sắp xếp như thế nào giữa việc học tập và các sở thích của bản thân?
Mỗi ngày, bên cạnh việc học chính khóa tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, mình dành tương đối nhiều thời gian (trung bình 6 tiếng) cho việc đọc sách và tự học của bản thân. Trong tuần có những buổi mình tham gia giảng dạy Toán bằng tiếng Anh cho các em học sinh của Câu lạc bộ Thắp sáng Trí tuệ Việt và Học viện Phát triển Tư duy IEG Global. Thời gian rảnh rỗi còn lại mình chủ yếu dùng để phục vụ những sở thích riêng, chẳng hạn như chơi ghi-ta cổ điển.
Dự định sắp tới của bạn là gì?
Sắp tới mình sẽ hoàn thành chương trình phổ thông lớp 12 của Việt Nam tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Bên cạnh đó mình có dự định ứng cử và mong muốn trúng tuyển vào một trong các trường đại học tốt và uy tín của Mỹ.
Được biết gia đình bạn cũng không có điều kiện nhiều về kinh tế. Vậy với mong muốn du học của mình, bạn đã xác định những khó khăn sẽ phải đối mặt là gì?
Với gia đình mình hay những gia đình khác chưa có đủ điều kiện kinh tế để trang trải toàn bộ chi phí cho quá trình du học tại Mỹ, việc xin học bổng và thuyết phục thành công các nhà tuyển sinh lựa chọn mình dựa trên các thành tích và năng lực sẵn có là một điều tương đối khó khăn. Với thành tích gần đây nhất là điểm SAT 2400/2400 mình mong rằng khả năng trúng tuyển vào một trường đại học uy tín của Mỹ sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy vậy kết quả cuối cùng tất nhiên vẫn phụ thuộc vào những nỗ lực khác của mình và gia đình. Mình hi vọng rằng nếu có cơ hội được du học đại học ở Mỹ, mình sẽ tận dụng tối đa khả năng học tập và phát triển để tối ưu năng lực của bản thân và rồi từ đó đóng góp lại đáng kể cho xã hội và đất nước.
Thủ khoa tuyển sinh đầu vào cấp 2 của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam năm học 2009 – 2010.
Thủ khoa, Huy chương Bạch Kim vòng I kì thi Toán Châu Á Thái Bình Dương (APMOPS) năm 2010.
Giải nhất Olympic Toán Hà Nội Mở rộng (HOMC) năm 2012.
Thí sinh đạt điểm tuyệt đối 900/900 TOEFL Junior năm 2012.
Học sinh nhỏ tuổi nhất (14 tuổi) ở lứa tuổi Keystage III (lứa tuổi 15 – 17) nhưng đạt điểm và Huy chương cao nhất của đoàn Việt Nam tại cuộc thi Toán học Trẻ Quốc tế 2012 (IMC 2012) tổ chức tại Đài Loan.
Học sinh nhỏ tuổi nhất Việt Nam (khi còn học lớp 9) được nhận học bổng danh giá ASSIST du học tại Mỹ 1 năm trị giá hơn 50.000 USD/năm (Học bổng ASSIST chủ yếu dành cho học sinh lớp 10, 11).
Thí sinh đạt điểm số PSAT 99% thuộc Top 1% số người dự thi trên toàn thế giới khi đang là du học sinh lớp 10 tại trường Catlin Gabel (Oregon, Mỹ) năm 2013.
Thí sinh Việt Nam đầu tiên đạt điểm tuyệt đối 2400/2400 của kỳ thi SAT I vào ngày 06/06/2015.
Tweet