TP.HCM: Lo cho nguồn nước
08:30 24/06/2016 1423
Nhịp sống trẻ Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nước, nhiều bạn trẻ đã sáng tạo ra những phần mềm, thiết bị có tính ứng dụng cao, góp phần giải quyết bài toán trữ và cấp nước sạch cho người dân.
Ứng dụng chống rò rỉ nước
Đây là ứng dụng đã giành được giải quán quân trong cuộc thi Sáng tạo thông minh về nước năm 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội do Bộ Tài nguyên - Môi trường và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.
Ứng dụng là sáng tạo của nhóm tác giả Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải và Võ Phi Long. Cả 3 đều là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Xuất phát từ thực tế nhiều nơi không có nguồn nước sạch để dùng cùng hiện tượng rò rỉ nước trong các hệ thống cấp nước làm thất thoát một lượng lớn nước sạch, nhóm sinh viên này đã nghiên cứu và chế tạo thành công phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động để phát hiện tình trạng rò rỉ gây lãng phí nước.
Đây là ứng dụng đã giành được giải quán quân trong cuộc thi Sáng tạo thông minh về nước năm 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội do Bộ Tài nguyên - Môi trường và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.
Ứng dụng là sáng tạo của nhóm tác giả Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải và Võ Phi Long. Cả 3 đều là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Xuất phát từ thực tế nhiều nơi không có nguồn nước sạch để dùng cùng hiện tượng rò rỉ nước trong các hệ thống cấp nước làm thất thoát một lượng lớn nước sạch, nhóm sinh viên này đã nghiên cứu và chế tạo thành công phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động để phát hiện tình trạng rò rỉ gây lãng phí nước.
Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhận giải quán quân tại cuộc thi |
“Ở TP.HCM, tỷ lệ thất thoát nước trên cả hệ thống cung cấp nước khoảng 30,66% (năm 2015). Nếu so sánh với các thành phố khác trên thế giới như Tokyo (2,3 - 3%), Singapore (4,4 - 4,6%), Sydney (10 - 12%)… thì tỷ lệ thất thoát nước của TP.HCM là rất cao. Vì vậy giải quyết thất thoát nước là một yêu cầu cấp bách”, Quốc Anh lý giải về việc sáng tạo phần mềm này.
Về tính ứng dụng của phần mềm, Phi Long chia sẻ: “Phần mềm cho phép người dùng có thể phát hiện được rò rỉ, sau đó chỉ cần nhập số tầng hoặc xác định vị trí đang đứng (ứng dụng đã có hỗ trợ định vị GPS) sau đó nhấn nút gửi thì ngay lập tức ban quản lý tòa nhà sẽ nhận được thông tin và kịp thời sửa chữa”.
Đây là sáng tạo được ban giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng khi tư duy phát triển công nghệ gắn liền với cuộc sống. Nhất là trong thời đại hiện nay, tính ứng dụng càng thiết thực hơn khi đại đa số đều đang sử dụng điện thoại thông minh.
Là một sáng kiến đơn giản, không tốn kém nhưng khi được áp dụng rộng rãi sẽ hạn chế được một lượng nước lớn bị rò rỉ trong quá trình phân phối nước. Với ứng dụng này, nhóm kêu gọi tất cả mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước một cách tiết kiệm.
Máy chưng cất nước thông minh
Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại ĐBSCL thời gian qua, nhóm sinh viên Trường ĐH An Giang gồm Nguyễn Thanh Phúc, Phan Minh Hiếu, Nguyễn Thái Dương và Huỳnh Thị Ánh Tuyết đã nghiên cứu thành công thiết bị chưng cất nước uống quy mô hộ gia đình.
“Tất cả nhóm em đều đang sống và học tập tại vùng ĐBSCL. Hơn ai hết, chúng em hiểu rõ tình trạng thiếu nước ngọt và luôn có ước muốn về một giải pháp cấp nước sạch với giá rẻ cho các hộ dân đang sinh sống ở khu vực này, trong đó có gia đình của mình. Vì vậy chúng em đã lập nhóm để thảo luận và tìm ra giải pháp”, Ánh Tuyết bày tỏ.
Nhóm tác giả của chiếc máy chưng cất nước thông minh |
Thiết bị của nhóm có thể chưng cất nước mặn thành nước ngọt tinh khiết dựa trên nguyên lý hóa hơi, chưng cất và tận dụng nguồn năng lượng mặt trời.
“Nước lợ, nước sông hoặc nước mặn đưa vào bình (bình được lắp đặt cao hơn so với các thiết bị còn lại). Nước từ bình sẽ được phun vào bằng ống nhựa với lưu lượng vừa phải. Lượng nước phun vào thiết bị sẽ đun nóng bởi năng lượng mặt trời được hấp thụ từ bộ phận hấp thụ nhiệt bên dưới. Bề mặt hấp thụ nhận nhiệt bức xạ mặt trời và truyền nhiệt cho nước. Khi nhiệt độ tăng, sự chuyển động của các phần tử nước trở nên rất mạnh. Đối lưu của không khí phía trên bề mặt mang theo hơi nước tạo nên quá trình bay hơi. Sự bốc lên của dòng không khí chứa đầy hơi ẩm được thu vào ống đồng, sẽ ngưng tụ thành nước và rơi xuống thùng chứa”, Phúc lý giải về nguyên lý hoạt động của thiết bị.
Thiết bị này có rất nhiều “điểm cộng”. Về mặt cấu tạo, đầu vào là béc phun để tách nước ra thành phân tử nhỏ hơn giúp nâng cao hiệu suất bốc hơi nước. Bên cạnh đó, khác với các thiết bị chưng cất khác là không ngưng tụ dưới bề mặt kiếng mà hơi nước sẽ đi qua ống đồng. Mặt trong là lớp thu nhiệt bằng thiếc được sơn đen, gợn sóng và bề mặt nhám nên khả năng hấp thu nhiệt là rất tốt.
Thiết bị có công suất khoảng 10 lít nước uống cho một hộ gia đình trong một ngày, thân thiện với môi trường do được vận hành bằng nguồn năng lượng bức xạ mặt trời. Không sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch hay các nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, sáng tạo này còn hạn chế được sự lây lan hay phát sinh các mầm bệnh do sử dụng nguồn nước chưa được xử lý. Và quan trọng hơn hết là giải quyết được tình trạng khan hiếm nước ngọt tại ĐBSCL hiện nay.
Với những “điểm cộng” này, thiết bị của nhóm đã giành được giải nhì trong cuộc thi Sáng tạo thông minh về nước năm 2016.