Tiến sĩ tế bào gốc

23:41 06/05/2016     1426

Nhịp sống trẻ   30 tuổi, Phạm Văn Phúc (sinh năm 1982) đã lấy bằng tiến sĩ sinh lý người và động vật. Hiện anh là phó phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Phúc đã có những công trình ứng dụng vào chữa bệnh thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...

Anh là một trong 10 nhà nghiên cứu trẻ được Trung ương Đoàn trao giải thưởng khoa học kỹ thuật thanh niên Quả cầu vàng 2015, nhận giải thưởng Kova ở hạng mục kiến tạo, là tác giả và đồng tác giả nhiều đầu sách về ứng dụng tế bào gốc, hơn 50 bài báo của anh được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Ngoài ra anh còn là tổng biên tập và thành viên hội đồng biên tập một số tạp chí khoa học quốc tế, chủ nhiệm nhiều đề tài lớn. Cuối tháng này giải thưởng của Hội Liệu pháp tế bào quốc tế (ISCT) cũng sẽ trao cho anh tại Singapore.

g
TS Phạm Văn Phúc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Cháy hết mình 
dù chỉ còn một ngày


Phúc nói sẽ hết mình dù chỉ còn một ngày để làm việc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, nơi đã nuôi dưỡng niềm đam mê của anh. Hơn chục năm trước, chàng sinh viên năm hai Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã dám ngắt lời để nêu ý kiến ngay trong buổi giảng bài của thầy Phan Kim Ngọc, hiện là trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc của trường, khiến cả lớp... xanh mặt.

Nhưng hôm đó, thầy Ngọc đã rất vui vì phát hiện tố chất của chàng sinh viên. Từ đó Phúc được thầy dẫn đến phòng thí nghiệm và giao việc để Phúc tiếp cận những thí nghiệm ban đầu. “Không có thầy Ngọc và mọi người hỗ trợ, có lẽ mình sẽ không có ngày hôm nay” - Phúc vẫn nhớ những ân tình mà người thầy đi trước gợi mở để anh đi trên con đường khoa học đầy
“Bác sĩ có thể chữa bệnh cho số lượng bệnh nhân nhất định, còn nếu mình tìm ra một phương thuốc, một công nghệ mới thành công sẽ cứu được hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người. Tôi sẽ mãi theo đuổi con đường nghiên cứu y sinh này.

Tiến sĩ
 Phạm Văn Phúc
chông gai nhưng đã gặt hái những thành công nhất định.

Đi sâu vào nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Phúc cảm thấy mình tìm thấy niềm hạnh phúc vô bờ khi những nghiên cứu của anh và cộng sự đã góp phần cho nền y học chữa được những căn bệnh tưởng chừng phải bỏ cuộc.

Người thầy của anh cũng là bệnh nhân đầu tiên được ứng dụng công nghệ tế bào gốc vào việc chữa bệnh. Thầy Ngọc nói căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính của mình đã “vô phương cứu chữa” nên thầy quyết tâm điều trị thử nghiệm bằng chính công nghệ mà học trò đã nghiên cứu.

Năm 2012, từ công trình nghiên cứu của anh và đồng nghiệp, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM đã đồng ý thử nghiệm ghép tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp trên 37 bệnh nhân tại TP.HCM. Kết quả không có biến chứng nào và hiệu quả chữa trị tốt.

Theo Phúc, với những ca điều trị theo công nghệ tế bào gốc ở các nước phát triển, chi phí sẽ gấp ba lần so với chi phí chúng ta nghiên cứu và ứng dụng ngay trong nước. Đấy chính là nhờ vào sự làm chủ công nghệ chiết tách tế bào gốc từ mô mỡ.

Công nghệ này sau đó đã được Phúc cùng cộng sự phát triển thành những bộ kit rất thuận tiện trong quá trình điều trị cho bệnh nhân vào năm 2013, góp phần đưa VN đến với sân chơi tế bào gốc của thế giới.

Hiện ứng dụng công nghệ tế bào gốc vào chữa bệnh thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã được thực hiện tại một số bệnh viện như ĐH Y dược TP.HCM, Đa khoa Vạn Hạnh, Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện 115.

“Tại sao thế giới làm được, còn mình thì...?”, những câu hỏi bỏ lửng ấy khiến anh luôn day dứt và miệt mài với công việc. Thậm chí anh đã thẳng thắn từ chối lời mời của các đơn vị nước ngoài với mức lương “khủng” hàng trăm triệu đồng mỗi tháng để ở lại phòng thí nghiệm.

“Bản thân tôi vẫn thấy mình còn nợ rất nhiều từ ân tình của thầy và mong muốn đưa phòng thí nghiệm này phát triển hơn nữa. Chỉ cần dừng lại là mình đã tụt hậu rồi” - Phúc bộc bạch.

Những khó khăn chỉ là chất xúc tác

Cách đây 10 năm, khi Phúc miệt mài gắn với phòng thí nghiệm chỉ hơn chục mét vuông thì đám bạn đã sang tận trời tây để học tập. Phúc quyết định ở lại để học và nghiên cứu trong nước dù anh có tên trong danh sách được cấp học bổng du học.

“Nhiều lời xì xầm nói tôi tại sao không đi học, hay tại vì tôi dở quá, thầy tôi chắc bị người khác cắc cớ sao giữ cái thằng kém cỏi ở lại phòng thí nghiệm. Và không dưới hai lần thầy đã “bắt” tôi đi, có lẽ thầy thương tôi lắm. Nhưng tôi vẫn kiên trì theo đuổi những thí nghiệm mình đang ấp ủ. Cứ thế tôi thấy mình đi đúng hướng. Tôi cố rướn lên phía trước và những khó khăn đã trở thành chất xúc tác cho những thành công ban đầu của tôi và cộng sự” - Phúc bày tỏ.

Chọn học công nghệ sinh học cũng là điều anh làm ngược lại với nhiều người vì với giải học sinh giỏi quốc gia môn sinh, anh đương nhiên được tuyển thẳng vào ĐH Y dược TP.HCM. Mặc cho những ngỡ ngàng của bè bạn, người thân, anh vào học một ngành rất non trẻ, chỉ được Trường ĐH Khoa học tự nhiên mở vài năm trước đó khi anh nhận ra sinh học và y sinh là một trong những mấu chốt không chỉ của đào tạo mà còn của cả sự sống.

“Bác sĩ có thể chữa bệnh cho số lượng bệnh nhân nhất định, còn nếu mình tìm ra một phương thuốc, một công nghệ mới thành công sẽ cứu được hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người. Tôi sẽ mãi theo đuổi con đường nghiên cứu y sinh này” - anh khảng khái nói về niềm đam mê của mình.

Anh ít nhắc đến quãng đời sinh viên vô cùng khó khăn của mình vì thấy đó cũng chỉ là những thử thách. Lúc mới vào học tại Thủ Đức, Phúc cùng người bạn hùn tiền mua chiếc xe đạp cũ để thay nhau đi dạy kèm kiếm tiền trang trải. Từ Thủ Đức, Phúc đạp xe hơn một tiếng rưỡi đến Thủ Dầu Một (Bình Dương) dạy kèm.

Ra trường, Phúc ở lại phòng thí nghiệm làm việc, cũng đối mặt đầy rẫy khó khăn với cuộc sống xa nhà nhưng anh tiếp tục nghiên cứu hoàn thành luận án thạc sĩ, tiến sĩ với trọn vẹn niềm đam mê cùng công nghệ tế bào gốc.

Công việc nghiên cứu bận rộn, anh vẫn luôn dành thời gian để lên lớp. Anh xem việc giảng dạy là sứ mệnh, đi dạy để truyền cảm hứng, giúp sinh viên yêu thích, tiếp cận với nghiên cứu. Anh ví von quan điểm giảng dạy của mình như việc một chàng trai “lẽo đẽo” đi theo cô gái, quá thích nên mới bám theo như thế.

Người thầy phải làm sao đánh thức được tình yêu của sinh viên với môn học. Bạn Huỳnh Đàm Kim Tuyền, sinh viên khoa công nghệ sinh học, nói: “Thầy dạy vui, dí dỏm, mang nhiều bài học cuộc sống và kiến thức khoa học hiện đại đang diễn ra để cập nhật cho sinh viên”.

Nói về người học trò của mình, thầy Phan Kim Ngọc (trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc) nói rằng tiến sĩ Phạm Văn Phúc là người ngay thẳng, bản lĩnh, sẵn sàng bảo vệ chân lý. Phúc là người có tố chất làm khoa học, biểu hiện khát vọng vươn tới. Anh khát khao cống hiến cho khoa học VN. Luôn đặt giá trị con người lên trên tất cả giá trị khác, do vậy có cuộc sống mẫu mực, trong sáng. Trong lòng thầy, anh không chỉ là người có tài mà còn là một thanh niên tử tế.