Thủ lĩnh đoàn cơ sở

12:10 23/03/2014     2034

Nhịp sống trẻ   Với mô hình chồi cà phê, ủ vỏ cà phê, hỗ trợ vay vốn ngân hàng, Bí thư Xã đoàn Tân Châu Trần Đình Đức đã giúp được rất nhiều đoàn viên thanh niên thoát nghèo.
Chúng tôi đến xã Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng gặp lúc Bí thư Xã đoàn Trần Đình Đức đang hướng dẫn đoàn viên về kế hoạch 26-3 sắp tới. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Di Linh, cuộc sống của gia đình anh Đức cũng như những người dân nơi đây gắn liền với cây cà phê, chè và một ít hồ tiêu. Đây là những cây trồng thế mạnh trong phát triển kinh tế của Tân Châu. Anh Đức cho biết khát khao của anh là cố gắng tìm tòi, học hỏi để làm sao giúp quê hương mình giàu có hơn từ chính những cây trồng này.

Cây trồng khỏe mới an tâm sinh hoạt

Anh tham gia công tác đoàn từ năm 2004 với cương vị ban đầu là bí thư đoàn thôn 8, đến năm 2006 được bầu làm phó bí thư rồi trúng cử vào làm bí thư xã đoàn Tân Châu từ năm 2009 đến nay. Năm 2007, anh vinh dự được kết nạp Đảng và là đảng ủy viên, chính trị viên phó xã đội.

e
Bí thư Xã đoàn Tân Châu Trần Đình Đức (phải) hướng dẫn đoàn viên thực hiện mô hình cà phê ghép chồi cao sản.

10 năm giữ cương vị thủ lĩnh đoàn cơ sở, anh Đức thực sự là tấm gương tiêu biểu cho lực lượng 152 đoàn viên thuộc 15 chi đoàn của xã Tân Châu. “Làm công tác đoàn ở vùng nông thôn luôn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, Tân Châu là xã mà đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%, phong tục tập quán, sinh hoạt khác nhau nên có những vấn đề phù hợp với chi đoàn này nhưng lại không phù hợp với chi đoàn khác. Những người có tri thức đi làm xa hết, số thanh niên ở nhà thì lo làm nương rẫy, một số nữa là thành phần chậm tiến nên rất khó tiếp cận” - anh Đức chia sẻ.

Nhiều cán bộ đoàn ở huyện Di Linh cho biết công tác đoàn của huyện này  nói chung và xã Tân Châu nói riêng còn khó khăn ở chỗ làm gì cũng phải theo mùa vụ. Vào thời gian nắng nóng như hiện nay thì đoàn viên thanh niên phải tập trung lo ruộng rẫy, không có thời gian rỗi nên việc tập hợp họ rất khó.  “Ngay như dịp 26-3 này, chúng tôi đang mong khoảng ngày 22, 23 có mưa thật lớn, 25 dựng trại, 26 tổ chức sinh hoạt là quá tốt chứ cứ nắng thế này có năn nỉ tận nhà đoàn viên cũng chẳng tham gia sinh hoạt được. Công tác đoàn ở đây là vậy đó. Phải an tâm với mùa màng, cây trồng khỏe thì mới an tâm sinh hoạt được” - anh Đức nói.

Bằng những sáng kiến qua tổ chức 2 mô hình chồi cà phê cao sản và ủ vỏ cà phê làm phân bón cũng như chương trình hỗ trợ đoàn viên thanh niên vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế lên đến hàng tỉ đồng mà anh Đức nhận được giải thưởng 26-3 của Trung ương đoàn trao tặng vào năm 2012. Mô hình chồi cà phê cao sản được triển khai bằng việc ghép chồi cà phê cao sản trên cây cà phê thường, sản lượng khi thu hoạch nhờ đó đã tăng rất nhiều so với canh tác bình thường, hạt cà phê cao sản cũng lớn hơn. Mô hình này không chỉ giúp đoàn viên thanh niên mà nhiều hộ nghèo của xã cũng trở thành hộ khá và hộ giàu nên ngày càng được nhân rộng. Mô hình ủ vỏ cà phê để làm phân bón trở lại cho cà phê không chỉ tận dụng được những thứ lâu nay thải loại mà giúp gia đình đoàn viên thanh niên tiết kiệm được chi phí đầu tư cho vườn cà phê. Giờ đây, mô hình này lan ra khắp huyện, đi tới đâu cũng dễ bắt gặp những đống vỏ cà phê đang ủ để chờ ngày làm phân bón. Lãnh đạo xã Tân Châu cho biết nhờ vậy mà Tân Châu đã thay da đổi thịt nhanh chóng, nhà cửa khang trang.

Cầu tiến và có chút mạo hiểm cộng với bản tính năng động, sáng tạo đã giúp anh Đức ngày càng có nhiều việc hữu ích cho xã nhà. Mới đây, sau nhiều trăn trở, anh quyết tâm triển khai mô hình tổ đoàn viên giúp nhau làm kinh tế với phương châm có vốn giúp vốn, không thì giúp sức lao động, vừa tạo sự đoàn kết vừa giúp nhau vượt khó. Những buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn được xã đoàn tổ chức để các đoàn viên thanh niên học tập lẫn nhau.

Quyết học hỏi

“Các mô hình ở đây chủ yếu hướng vào việc phát triển kinh tế. Cái gì giúp dân nói chung và đoàn viên thanh niên nói riêng phát triển kinh tế được là xã đoàn quyết tâm triển khai. Được cái là cấp ủy và chính quyền luôn hỗ trợ hết mình. Khó nhất là việc tiếp cận số thanh niên thuộc dân tộc thiểu số thì chúng tôi đã có cách bắt đầu từ việc phải học tiếng của họ để nói chuyện. Vai trò của già làng là hết sức quan trọng. Chúng tôi đưa ra những sáng kiến giúp ích cho bà con với lại kết quả mang lại thực tế nên được các già làng nhiệt tình giúp đỡ” - anh Đức chia sẻ bí quyết.

Để có thể giúp đỡ đoàn viên thanh niên nhiều hơn, anh Đức không ngừng quyết tâm học hỏi. Sau khi tốt nghiệp trung cấp chính trị, hiện anh đang theo học chương trình tài chính kế toán của Trường Đại học Đà Lạt. Tấm gương nỗ lực học hỏi từ thực tiễn, từ nhà trường của anh Đức đã thu phục được rất nhiều đoàn viên thanh niên noi theo.

Nhận xét về anh Đức, ông Doãn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Châu, cho biết: “Đức là một bí thư đoàn, một đảng viên gương mẫu, năng lực tốt, nhiệt tình, luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Đây là một điển hình trong lực lượng trẻ nòng cốt của xã, chịu khó suy nghĩ, tìm hiểu bà con cần gì, vận động thanh niên đồng bào dân tộc tham gia công tác đoàn, đưa Xã đoàn Tân Châu nhiều năm liền là cơ sở trong sạch vững mạnh”. Ông Trần Đức Gia, Chủ tịch UBND xã Tân Châu, thì nói: “Nhờ luôn nỗ lực học hỏi nên Đức vừa xây dựng được kinh tế gia đình vững vàng vừa giúp đoàn viên thanh niên của xã làm giàu”.

Anh Đức nói sở dĩ anh có điều kiện tham gia nhiều với công tác đoàn còn bởi may mắn có người vợ hiền, hiểu và quan tâm công việc của chồng. Hiện chị đang làm ở văn phòng UBND xã và gia đình đã có 2 con xinh xắn, cậu con trai 4 tuổi còn cô em gái vừa hơn 1 tuổi. Cuộc sống gia đình cũng ngày càng khấm khá nhờ vườn cà phê cao sản luôn cho năng suất cao.

Đánh giá về Bí thư Xã đoàn Trần Đình Đức, anh Vũ Thành Công, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN huyện Di Linh, cho biết: “Giao việc gì cho Đức là chúng tôi yên tâm vì anh không chỉ nhiệt tình mà còn là một thủ lĩnh đoàn cơ sở rất được đoàn viên thanh niên tín nhiệm. Đó cũng là một trong những ủy viên ban thường vụ huyện đoàn rất tốt của Huyện đoàn Di Linh”.