Thủ khoa kép ĐH Sư phạm Hà Nội: Xinh đẹp và học “tài tử”
12:09 17/08/2015 2570
Nhịp sống trẻ Hà Thanh Thủy vừa là Thủ khoa đầu vào, vừa là Thủ khoa đầu ra của trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thủ khoa kép ĐH Sư phạm Hà NộiThủ khoa kép của ĐH Sư phạm: Hà Thanh Thủy |
Theo nhận xét của mọi người, Thủy là một cô gái có cá tính mạnh mẽ, yêu thích sự mạo hiểm. Trong cuộc sống và học tập, cô bạn là một người quyết đoán nhưng đôi khi hơi nóng tính một chút, theo như Thủy miêu tả.
Là một người yêu thích văn chương từ bé, thích được khám phá những miền đất lạ, sống tình cảm và mau nước mắt, Thủy đã chọn con đường trở thành giáo viên dạy Văn.
Gia đình Thủy sống ở Hòa Bình. Mẹ bạn là giáo viên mầm non, người đã truyền cảm hứng nghề giáo cho Thủy.
Thanh Thủy học giỏi từ bé. Trong 3 môn khối C, Thủy học tốt và yêu thích nhất môn Văn. Trước đây, Thủy học lớp chuyên Văn trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - Hòa Bình. Niềm đam mê văn chương của Thủy xuất phát từ sở thích đọc truyện cổ tích, thích làm thơ.
Năm 2011, Thanh Thủy thi đại học khối C đạt 28,5 điểm (môn Văn, Sử, Địa lần lượt là 8; 8,5 và 8,5 cùng với điểm cộng). Đạt điểm số cao đáng ngưỡng mộ ở khối C, trở thành Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng đến tận bây giờ cô bạn vẫn còn chút nuối tiếc về điểm môn Văn bởi một lỗi sai do sự chủ quan của cô.
Dẫu vậy, nhờ sai lầm đó mà nữ sinh này đã rút được kinh nghiệm quý báu trong thi cử, để đạt điểm số cao suốt 4 năm đại học. Mới đây, Hà Thanh Thủy đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội với tổng điểm học tập toàn khóa là 3,77 – điểm số giúp cô bạn trở thành Thủ khoa đầu ra của trường.
Học “tài tử” thành Thủ khoa
Một nữ sinh khối C có điểm số cao hơn cả những bạn học khối tự nhiên như A, B quả là chuyện hiếm. Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Thủy khiêm tốn cho biết: “Em chỉ cố gắng học bằng tất cả khả năng của mình. Kết quả em đạt được hôm nay là sự phấn đấu của em và sự động viên không nhỏ từ gia đình”.
Thành tích cao là vậy nhưng Thủy lại “có tiếng” là học kiểu “tài tử” từ khi còn học phổ thông.
Thanh Thủy nhận bằng khen Thủ khoa xuất sắc |
“Phương pháp học của em không phải là dành quá nhiều thời gian cho việc học, không chỉ học kiến thức sách vở mà em còn dành thời gian cho các hoạt động xã hội và đi du lịch đây đó để mở mang kiến thức đời sống. Trước các kì thi, em luôn làm đề cương chi tiết cho từng môn.
Thông qua việc hiểu kiến thức, em vạch ra những ý chính, nắm được kiến thức rồi, việc học thuộc sẽ là rất đơn giản. Có một bí quyết khi đi thi các môn xã hội mà em muốn chia sẻ, đó là chúng ta cần có một chữ viết dễ nhìn, trình bày luận điểm lên đầu đoạn, viết sạch sẽ, logic. Điều ấy sẽ là một điểm cộng rất lớn với bài thi của chúng ta”, Thu Thủy tiết lộ.
Suốt 4 năm đại học, song song với học tập, Thủy còn làm lớp trưởng và tham gia vào Ban chấp hành Liên chi Đoàn khoa Ngữ Văn. Điều đó giúp cho cô bạn trưởng thành hơn về kĩ năng sống, phân bổ thời gian và tự tin hơn nhiều.
Theo Thủy, một giáo viên dạy Văn trước hết cần có kiến thức chuyên môn tốt, kĩ năng sống tốt và lòng yêu nghề. Hơn nữa, cần phải có niềm say mê văn học, có khả năng “truyền lửa” cho học sinh để thổi bùng trong các em niềm yêu thích văn chương.
Trăn trở với nghề
Trong những năm qua, cô giáo tương lai luôn theo dõi những đổi mới, cải cách của ngành giáo dục. Chuẩn bị bước vào nghề, cô quan tâm nhất đến tính chủ động, tích cực của học sinh.
“Theo phương pháp dạy học truyền thống, giáo viên là người “biết tuốt”, thuyết trình trên bục giảng như một “cuốn bách khoa toàn thư”, học sinh thụ động tiếp nhận. Tuy nhiên, theo quan điểm đổi mới hiện nay, vai trò của giáo viên không phải là người thuyết trình nữa mà trở thành “trung gian” giữa học sinh và kiến thức, là “cầu nối” khơi gợi, gợi mở để các em chủ động tìm hiểu, nắm bắt kiến thức. Em nghĩ nếu thật sự làm được điều đó, kiến thức đến với học sinh sẽ theo kênh trực tiếp, hiệu quả hơn, sâu sắc hơn”, Thủ khoa ĐH Sư phạm bày tỏ quan điểm.
Với đề án giáo dục mới của Bộ GD&ĐT, một giáo viên sẽ giảng dạy nhiều môn học (trong cùng khối), Thanh Thủy có đôi chút lo lắng vì 4 năm rồi cô bạn cũng không học nhiều về Sử, Địa. Theo cô bạn, để tự tin giảng dạy có lẽ cần phải đào tạo thêm để tái hiện và bổ sung kiến thức. “Em nghĩ thế hệ giáo viên trẻ chúng em có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu dạy học mới này”, Thủy tự tin.
Một vấn đề mà cô giáo viên tương lai còn trăn trở là chương trình học Ngữ Văn hiện nay vẫn con tương đối nặng, học sinh phải học nhiều môn cùng lúc, đó là một áp lực lớn.
“Theo ý kiến chủ quan của em, em mong rằng chương trình học sẽ nhẹ hơn, thay bằng quá nhiều kiến thức lí thuyết, những kiến thức đời sống sẽ được tích hợp nhiều hơn trong giảng dạy.
Tweet