Thầy giáo trẻ gieo niềm tin ở nơi địa đầu sóng gió

13:18 01/02/2014     1938

Tuổi trẻ sáng tạo   Những cơn mưa ngày đầu năm trên đảo Trường Sa Lớn dai dẳng và hoe lạnh. Suốt hai ngày trời, gió sầm sập kéo cả một trời nước mưa tạt nghiêng rặng bão táp vốn có tiếng là "sức vóc" nhất đảo.
Nhìn ra mặt biển giờ đã trắng xoá nước, thầy giáo Phạm Trung Việt lòng nóng như lửa đốt vì năm đầu tiên cưới vợ nhưng hai vợ chồng lại chẳng thể cùng nhau về thăm nội, ngoại.

Bồi hồi một thoáng, người thầy có dáng người nhỏ nhắn lại cười bảo, trong những lúc yếu lòng nhất, thầy lại nhìn vào nụ cười và làn da cháy nắng của lũ trẻ mà tự động viên mình cần vững vàng hơn nơi đầu sóng ngọn gió.

d
Lũ trẻ trên đảo Trường Sa Lớn chính là chỗ dựa tinh thần lớn những ngày ở nơi sóng gió với thầy Phạm Trung Việt

Thầy Việt vốn quê Khánh Hoà. 30 tuổi, người thầy có khuôn mặt hiền lành đã có 5 năm dạy tiểu học trong đất liền. Thế nhưng với từng ấy kinh nghiệm thầy Việt bảo vẫn cảm thấy luống cuống chân tay những ngày mới lên đảo làm việc vì phải kiêm luôn cả "bảo mẫu".

Nói là trường học nhưng gom hết lũ trẻ trên đảo cũng chỉ đủ 7 em, chia ra thành 1 lớp tiểu học và 1 lớp mẫu giáo. Thế nên, thầy Việt mà một đồng nghiệp phải thay nhau, người thì đứng lớp dạy tập đọc, tập viết cho các em lớp một, người kia kể chuyện, giúp mấy trẻ mẫu giáo tập tô, tập vẽ.

"Nhìn mấy đứa trẻ 3, 4 tuổi tranh nhau đồ chơi, tô nhem nhuốc cả quyển sách hay chốc chốc lại khóc ré lên chẳng vì lý do gi mà tôi vừa thương vừa lo vì mình chẳng có kinh nghiệm trông trẻ," thầy Việt kể.

Thầy cũng chẳng giấu, thời gian đó, người đàn ông chưa một lần lên chức bố như thầy Việt vừa phải mày mò đọc thêm sách vừa phải gọi điện hỏi của mấy nguời quen về kinh nghiệm dỗ trẻ sao cho khéo. Phải tới cả tháng sau đó, thầy Việt mới làm quen được với công việc mới.

Với các em lớp một, thầy Việt cũng bảo, bản thân mình vốn chỉ dạy môn Toán thì nay phải kiêm luôn cả môn Đạo đức, Tự nhiên xã hội hay thậm chí nhạc, hoạ, thể dục,...

Người thầy có dáng người gày gò ngại ngùng rằng, chưa bao giờ nghĩ, bản thân mình lại... đa tài như thế. Lũ trẻ đến tận bây giờ vẫn khen thầy Việt hát hay, vẽ đẹp làm bản thân thầy Việt vui mãi không thôi.

Ngần ấy chuyện chưa phải điều khiến người thầy giáo gắn bó với Trường Sa lo lắng nhất những ngày đầu lên đảo. Lũ trẻ vốn quen với bạn bè trên đất liền nay chuyển về chỗ ở mới bỗng thu mình lại và rất khó giao tiếp.

Thầy Việt bảo, những lúc ấy, nhìn lũ trẻ mà bản thân không cầm được lòng. Thầy Việt và đồng nghiệp bảo nhau từng chút một kể chuyện, làm quen với mấy đửa nhỏ. Ngoài những lúc dạy chữ, hai thầy giáo trẻ tuổi còn thủ thỉ, kiên nhẫn với nghe những câu chuyện thường là chẳng đầu, chẳng cuối của 7 đứa trẻ mà các thầy Việt bảo đã coi chúng như con trong nhà.

"Mọi chuyện rồi cũng dần yên ổn. Lũ trẻ bây giờ đã ngoan và năng động lên nhiều rồi," thầy Việt hí hửng khoe.

Đối với thầy Việt, đây cũng là năm đầu tiên thầy được hưởng cái Tết ấm tình quân dân. Sáng 27 Tết, qua sóng điện thoại chập chờn từ đảo Trường Sa, thầy bảo, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông đã đủ rồi, cành quất, cành mai cũng đã được anh em chuẩn bị.

“Nhưng vui nhất, chúng tôi luôn nhận được những cuộc gọi hỏi thăm từ đất liền. Đây chính là món quà lớn nhất với những thầy giáo trẻ như tôi ở nơi đầu sóng ngọn gió,” thầy Việt bồi hồi.

Cũng trong cuộc điện thoại ngắn ngủi ấy, thầy Việt kể vội về những món quà mà lũ trẻ Trường Sa gửi tặng. Đó là tấm thiệp làm bằng tay nguệch ngoạc chỉ mấy chữ chúc mừng năm mới thầy. Đó còn là những bức vẽ ngộ nghĩnh nhưng tràn đầy tình cảm.

Trong suốt câu chuyện của mình, thầy Việt không ngơi nhắc tới người đồng nghiệp duy nhất đã cùng nhau chia sẻ buồn vui, khó khăn từ những ngày đầu lên đảo. Thầy Việt bảo, nếu không có nhiệt huyết và tình cảm của người thầy trẻ tuổi sinh năm 1991 ấy, lũ trẻ có lẽ còn phải mất nhiều thời gian hơn thế để hoà nhập với cuộc sống nơi hải đảo ít người.

Người thầy vừa tròn 23 tuổi ấy tên Đồng Minh Hiệp. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang năm 2012, thầy Hiệp hăng hái viết đơn tình nguyện được dạy học ở Trường Sa.

Nhà ở tính Khánh Hoà, quyết định của cậu con trai út trong gia đình như Hiệp khiến cả nhà lo tới mất ăn mất ngủ. Hai bố con Hiệp làm công tác tư tưởng mãi, mẹ Hiệp mới đồng ý để cậu con trai chưa một lần xa nhà tiếp tục đăng ký.

"Em biết là cả nhà lo nhưng lúc ấy, và cả tới bây giờ nữa, em vẫn muốn được dạy học cho các em nơi đảo xa. Đó là việc em muốn từ khi bắt đầu đi học," thầy Hiệp tâm sự.

Và, trong những ngày gắn bó với Trường Sa Lớn, thầy Hiệp bảo vẫn chưa quên những khi tàu vận tải gặp sóng lớn chẳng thể chuyển hàng vào đảo, mấy thầy trò trên đảo hầu như chẳng còn phấn hay bút chì để tập viết.

Lũ trẻ ở đảo Trường Sa Lớn đã không còn thu mình như những ngày mới tới
Lũ trẻ ở đảo Trường Sa Lớn đã không còn thu mình như những ngày mới tới

Những lúc ấy, mấy thầy trò vừa phải đi gom phấn vụn vừa phải tập đoc "chay."

"Được cái, mấy đứa nhỏ rất chịu khó học nên bây giờ ghép vần đều thành thạo cả rồi," thầy giáo trẻ nhất đảo Trường Sa Lớn cười.

Thầy Hiệp cũng nhẹ nhàng kể, cuộc sống ở đảo xa tuy không đủ đầy nhưng những khi bắt được con cá hay có ít quà từ đất liền, mấy gia đình trong đảo luôn nhớ tới hai thầy giáo của lũ trẻ đầu tiên.

Và cũng chẳng biết từ bao giờ, thầy Hiệp và thầy Việt đã trở thành những thành viên chung của 7 gia đình trên đảo. Nhà nào có tin vui hay chuyện buồn gì cũng chẳng bao chẳng bao giờ quên sẻ chia với hai người thầy giáo của đảo.

Đối với người thầy lần đầu tiên ra đảo như Hiệp, đó chính là điều đáng trân trọng và cảm động nhất.

Nhìn lũ trẻ nắn nót với tấm bảng, thầy Hiệp cảm động bảo, mấy đứa nhỏ có lẽ mới chính là chỗ dựa tinh thần cho những người xa nhà như thầy, nhất là khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

"Em vẫn gọi điện về nhà kể chuyện mấy đứa nhỏ cho cả nhà nghe. Mọi người đều vui và yên tâm," thầy Hiệp kể./.