Thanh niên dạy chữ miễn phí cho con em công nhân
13:57 06/03/2015 1571
Nhịp sống trẻ Giữa vòng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, ai cũng cố tìm cho mình một công việc tốt, thu nhập cao thì chàng thanh niên Nguyễn Văn Bình cùng nhiều bạn trẻ trong nhóm ở phường Bình An, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) lại chọn cho mình một việc làm không giống ai: dạy chữ miễn phí cho con em công nhân nghèo.
Gần mười năm mải miết với những em nhỏ từ lớp học chỉ hơn chục em, đến nay lớp học của chàng thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết này đã thu hút hàng trăm học sinh, giúp cho nhiều em có một con đường tương lai tươi sáng hơn.
Các bạn thanh niên đang uốn từng nét chữ cho các em nhỏ |
Nằm ngay trên con dốc quanh co gần tuyến quốc lộ 1K chạy qua địa bàn thị xã Dĩ An, ngôi miếu nhỏ Bà Miễu từ lâu đã là điểm tâm linh tìm đến quen thuộc của những cư dân quanh vùng trong những dịp lễ Tết. Tuy nhiên, vài năm gần đây, mỗi tối thứ 3, thứ 5, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, nơi này lại rộn ràng tiếng cười nói của hàng chục em nhỏ đến để học chữ.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Bình vui vẻ cho biết: "Nhà mình ở khu phố Châu Thới cách đây chỉ vài trăm mét. Ban ngày, công việc chính của mình là sửa chữa máy vi tính, đồ điện tử để kiếm tiền trang trải cuộc sống trong gia đình. Buổi tối, mình cùng với một nhóm các bạn sinh viên khoảng hơn 10 người cùng nhau thay phiên giảng dạy và tập viết chữ cho các em. Công việc thực tế không có gì nặng nhọc vì chỉ toàn là những bài học vỡ lòng. Tuy nhiên, điều quan trọng chính là nhiệt huyết, sự kiên trì và tình cảm, sự gắn kết và đồng cảm giữa mọi người. Nghĩa là mình phải làm sao để tạo ra được một không khí vui vẻ, đầm ấm và vui vẻ để kích thích các em vui vẻ học tập”.
Được biết, hiện nay ở lớp học tình thương này thu hút tới gần một trăm em nhỏ. Các em được chia theo những lớp không biết chữ, lớp đã học chữ nhưng giờ bỏ học, lớp vẫn đang theo học ở trường những buổi tối đến đây học thêm tiếng Anh hay năng khiếu như vẽ, đàn miễn phí… Mỗi lớp như vậy sẽ do thầy Bình hay một bạn sinh viên nào đó đảm nhiệm, tùy theo khả năng của các bạn.
Trong lúc ngồi đợi con mình tan học, chị Phạm Thị Kiều, quê ở Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), công nhân của một công ty may ở KCN V-sip chia sẻ: "Hai vợ chồng mình từ ngoài quê vào đây làm ăn nên cái gì cũng thấy thiếu thốn. Ban ngày, cả hai đi làm nên để cô con gái lớn (9 tuổi) ở nhà trông cậu em trai nhỏ (6 tuổi). Thế nên, sau khi cô lớn học hết lớp 2 đến nay, cả hai chị em đều không có ai dạy dỗ gì cả. Nghĩ thì cũng tội tụi nhỏ nhưng xin học ở đây tốn kém lắm mà về quê thì lại khó kiếm ra tiền. Từ ngày có lớp học của anh Bình, cả hai chị em được học nên vui lắm. Tối học ở lớp còn ban ngày, hai chị em lại chăm chỉ học ở nhà. Mà anh Bình cũng thật tốt, dạy học vất vả nhưng chẳng bao giờ nhận một đồng tiền công nào”.
Cùng chung hoàn cảnh như gia đình chị Kiều là hàng trăm các gia đình công nhân khác ở trong khu vực, bởi từ lâu nơi đây được coi là địa phương có số lượng người nhập cư rất đông đúc. Vì thế, có được những tấm lòng như các thầy cô giáo nơi đây quả là một tin vui đối với rất nhiều gia đình công nhân nghèo xa quê.