Thái Nguyên: Một sinh viên điển hình trong học tập và nuôi dưỡng ước mơ
13:03 13/08/2014 2370
Nhịp sống trẻ Web.ĐTN: Với những thành tích đã đạt được, nhắc đến Phạm Thị Hồng Nhung sinh viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên ai cũng tỏ ra ngưỡng mộ bởi lòng quyết tâm và luôn nuôi một ý chí vào tương lai tươi sáng với niềm đam mê Hóa học của mình.
Phạm Thị Hồng Nhung (bên phải) luôn nhiệt tình giúp đỡ bạn bè trong học tập |
Sau một thời gian trò chuyện về bí quyết học tập và niềm đam mê của mình với chuyên ngành Hóa học, Nhung tâm sự: Từ nhỏ em đã rất thích thú khi được nghe những giải đáp về hiện tượng thiên nhiên, như sấm, chớp, mây, mưa… tất cả đều từ do các phản ứng hóa học tạo thành. Nhất là khi xem nhà ảo thuật gia làm xiếc phun lửa; làm lửa cháy trên nước đá, hoặc đơn giản làm cho người xung quanh phát hoảng khi thấy cánh tay bị chảy đầy máu, song thực chất đó là do phản ứng hóa học giữa ion Fe3+ với ion SCN- tạo ra phức chất màu đỏ giống như máu.
3 năm học THPT, Nhung đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, riêng môn Hóa học, hằng năm em đều đạt trên 9,0 đến xấp xỉ 10,0. Ngay sau tốt nghiệp, Nhung đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào chuyên ngành Hóa, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Với Nhung, việc ôn thi vào đại học không khó khăn như nhiều bạn cùng trường, vì suốt những năm học THCS, THPT Nhung đã có ý thức học tập tốt. Em đã thi đỗ đại học ngay lần thi tuyển đầu, với tổng điểm 24/30.
Được học tập, nghiên cứu môn học đúng sở thích, Nhung đề quyết tâm phải học thật giỏi để không phụ công nuôi dưỡng của bố mẹ cũng như niềm hy vọng của thầy cô đặt ở Nhung. Để học tập tốt, Nhung chịu khó ôn tập bài, xem bài mới trước khi đến giảng đường; đồng thời tích cực đến thư viện Nhà trường, hoặc sang Trung tâm học liệu để tham khảo, tra cứu thêm những vấn đề liên quan tới ngành học.
Nhung cho biết: Mỗi bài học của thầy cô truyền đạt trên lớp như gợi mở cho em những bí ẩn kì diệu trong cuộc sống, nhất là giờ làm thực hành trong phòng thí nghiệm, kết quả các phản ứng hóa học xảy ra làm em và các bạn thấy mình như những… nhà phủ thủy. Tuy nhiên kỳ học đầu ở đại học, do chưa quen với phương pháp học tập, nên điểm học tập của em chỉ đạt khá. Bắt đầu từ kỳ học thứ 2 đến nay, em luôn đạt điểm A (từ 8,5 trở lên). Trong 3 năm học vừa qua, em được Đại học Thái Nguyên khen thưởng danh hiệu sinh viên 5 tốt; được nhận học bổng “Vòng tay bè bạn” của Hội Sinh viên Nhà trường và được Tỉnh đoàn Thái Nguyên xét khen thưởng danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2012.
Từ kết quả học tập cao, Nhung được Ban Chủ nhiệm Khoa Hóa và Nhà trường lựa chọn cử tham dự đội tuyển Olympic Hóa học sinh viên Toàn quốc lần thứ VII, do Hội Hóa học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tổ chức, từ ngày 4 đến 9 tháng 4-2012. Trước khi “mang chuông đi đấm xứ người”, Ban Chủ nhiệm Khoa Hóa đã tổ chức 3 vòng tuyển loại, trong số 5 sinh viên được lựa chọn, Nhung được thầy cô giáo trong Khoa đặt nhiều kỳ vọng nhất. Tại Olympic này, Nhung được các thành viên Ban Giám khảo đánh giá cao, với tổng điểm 8,9/10, được Ban Tổ chức trao giải Nhì.
Không chỉ say mê trong học tập, Nhung còn là một sinh viên tích cực, năng nổ tham gia các hoạt động do Đoàn thanh niên, Hội sinh viên nhà trường tổ chức. Nói về dự định của mình trong tương lai, Nhung chia sẻ: “Em hi vọng sau khi ra trường sẽ trở thành một cô giáo, đem những kiến thức mà mình đã tích lũy được từ thầy cô, bạn bè để truyền đạt cho học sinh của mình”.