Thái Nguyên: Kỹ sư trẻ đam mê sáng tạo

09:47 23/04/2015     1746

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Hưởng ứng phong trào “Sáng kiến tiết kiệm” của Nhà máy Cán thép Thái Nguyên (thuộc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên), những năm qua tuổi trẻ Nhà máy đã đóng góp nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật thiết thực, có tính ứng dụng cao.

 Vũ Minh Đức làm việc trên hệ thống điều khiển 2 giá cán mới phục vụ cán phôi 150x150 mm đã được cải tiến.
Vũ Minh Đức làm việc trên hệ thống điều khiển 2 giá cán mới phục vụ cán phôi 150x150 mm đã được cải tiến.



Anh Vũ Minh Đức (sinh năm 1984), kỹ thuật viên Phòng Cơ điện là một trong những “cây sáng tạo” của Nhà máy và sáng kiến “Cải tiến hệ thống điều khiển 2 giá cán mới phục vụ cán phôi 150x150 mm” của anh đã mang lại lợi ích cho Công ty hàng tỷ đồng mỗi năm.
 
Sinh ra và lớn lên tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, ngay từ những ngày còn học phổ thông, Vũ Minh Đức đã nuôi ước mơ trở thành kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật để được nghiên cứu các thiết bị máy móc. Ước mơ ấy đã thôi thúc anh quyết định thi vào ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp, anh có một thời gian làm việc ở Hà Nội 3 năm trước khi chuyển về công tác tại Nhà máy Cán thép Thái Nguyên (năm 2010), nơi được coi là quê hương thứ 2 của anh sau này. Năng động, sáng tạo lại có trình độ chuyên môn vững, chỉ sau một thời gian ngắn làm việc tại Phân xưởng Cơ điện, anh đã được chuyển sang công tác tại Phòng Cơ điện. Với vai trò là người vận hành máy móc của Nhà máy, anh luôn trăn trở, nghiên cứu để làm sao cho dây chuyền máy móc không chỉ hoạt động tốt mà còn tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
 
Nói về ý tưởng của sáng kiến “Cải tiến hệ thống điều khiển 2 giá cán mới phục vụ cán phôi 150x150 mm”, anh chia sẻ: Tháng 12-2010, Dự án “Lắp đặt 2 giá cán mới phục vụ cán phôi thép 150x150 mm” của Nhà máy được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhưng do thiết kế hệ thống điện, điều khiển của nhà thầu thi công dự án không đồng bộ với dây chuyền sẵn có của Nhà máy, dẫn đến gặp khó khăn trong việc vận hành, làm giảm hiệu quả sản xuất. Đến tháng 6-2011, Nhà máy đã ngừng sử dụng hệ thống trên. Để đáp ứng sản xuất, điều kiện thị trường, Nhà máy đã tính toán, thay đổi hệ thống lỗ hình cho toàn bộ 14 giá cán và 10 modul block từ hệ lỗ hình để cán phôi 120x120 mm, 130x130 mm sang hệ lỗ hình để cán phôi 150x150 mm. Việc sửa đổi thiết kế trên dây chuyền công nghệ chỉ là giải pháp tình thế tại thời điểm đó. Vì dây chuyền được thiết kế để cán phôi 120x120 mm, 130x130mm nên khi cán phôi 150x150mm thì trục cán, trục truyền giá cán, vòng bi giá cán, trục modul block, các động cơ giá cán, động cơ block sẽ phải chịu tải lớn hơn so với thiết kế. Việc chịu tải lớn trong thời gian dài sẽ làm giảm tuổi thọ, gây hỏng thiết bị, sự cố lớn trên dây chuyền công nghệ. Đứng trước tình hình đó, việc đưa 2 giá cán mới trở lại hoạt động để phục vụ cán phôi 150x150 mm là thật sự cần thiết, nhưng cần phải sửa đổi lại toàn bộ hệ thống điều khiển để phù hợp với điều kiện sản xuất của Nhà máy. Vì vậy, tôi đã đề xuất với lãnh đạo Nhà máy thực hiện đề tài “Cải tiến hệ thống điều khiển 2 giá cán mới phục vụ cán phôi 150x150mm”.
 
Tháng 8 năm 2013, anh bắt tay vào thực hiện đề tài. Với niềm say mê sáng tạo, tâm huyết với công việc, anh miệt mài nghiên cứu, quyết tâm thực hiện đề tài của mình. Nhưng trong quá trình thực hiện, anh lại gặp không ít khó khăn, anh cho biết: “Do Nhà máy sử dụng dây chuyền của nước ngoài lắp đặt, nên trong quá trình nghiên cứu, tôi hoàn toàn phải tự mày mò, tìm hiểu để thiết kế bản vẽ, viết phần mềm, đồng bộ lắp đặt và đấu nối hệ thống. Đến khi viết xong chương trình thì chạy thử hàng trăm lần đều không đạt, mọi thứ như trở về con số không. Lúc đó tôi cũng nản chí, nhưng được anh em trong Nhà máy động viên, góp ý và chỉ ra những chỗ cần khắc phục, sau hơn 3 tháng, tôi đã thực hiện thành công đề tài”. Đến tháng 2 năm 2014, 2 giá cán mới được đưa vào hoạt động với hệ thống điều khiển được cải tiến đã giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất, dây chuyền ổn định hơn, tính bền vững cho cả dây chuyền được củng cố, tuổi thọ thiết bị tăng, giảm chi phí vật tư, chi phí sản xuất, góp phần hạ giá thành sản phẩm, từ đó làm lợi cho công ty gần 4 tỷ đồng/năm. Trong đợt bình xét giải thưởng “Sáng tạo trẻ” năm 2014 do Tỉnh đoàn tổ chức, sáng kiến này của anh cũng đã giành giải Nhất. Ngoài sáng kiến “Cải tiến hệ thống điều khiển 2 giá cán mới phục vụ cán phôi 150x150 mm”, trước đó, anh đã thực hiện Đề tài “Cải tiến hệ thống đốt lò tự động tại Nhà máy Cán thép Thái Nguyên” và đạt giải Ba “Sáng tạo trẻ” năm 2013.
Không chỉ là tấm gương sáng trong lao động sáng tạo, với vai trò là Bí thư Chi đoàn Khối cơ quan của Nhà máy, anh luôn năng động, nhiệt tình trong mọi hoạt động, tích cực tham gia tư vấn, hỗ trợ đoàn viên phát huy tinh thần sáng tạo. Nhờ có những người như anh mà trong những năm qua, phong trào “Sáng kiến tiết kiệm” của Nhà máy luôn được duy trì và phát triển. Hai năm gần đây, Đoàn thanh niên đã đóng góp trên 100  sáng kiến cho Nhà máy.