Thái Nguyên: Cô sinh viên nhỏ đưa thực tiễn cuộc sống vào nghiên cứu khoa học
18:34 11/04/2017 1756
Nhịp sống trẻ Web.ĐTN: Thực hiện Chương trình hành động của Đoàn Thanh niên về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sinh viên Hà Thị Hồng (Khoa Quản lý Môi trường, Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã lựa chọn phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học cho mình là: Học tập, nghiên cứu phải đi đôi với thực hành, ứng dụng.
Sinh viên Hà Thị Hồng (bên trái) thực hiện thí nghiệm trồng rau trên đất trộn hỗn hợp tro than sinh học. |
Từ thực tế cuộc sống nhà nông đã cho Hồng và các cộng sự ý tưởng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Mùn cưa làm chế phẩm than sinh học cải tạo môi trường nước và đất”. Đề tài đã được Hội đồng khoa học Trường thông qua và Hà Thị Hồng vinh dự được Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên bình chọn danh hiệu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Thuận lợi lớn nhất đó là trong nhóm đã tập hợp được thêm 2 thành viên đều có những kiến thức sâu về Hóa học, Vật lý, như sinh viên Nguyễn Thị Thu Uyên và sinh viên cùng lớp học người Philipin Jimlea N.A Mendoza đã hỗ trợ đắc lực trong việc thiết lập quy trình thí nghiệm và tìm tài liệu quốc tế. Chính từ cách làm việc hợp tác này mà khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành cả nhóm được nâng lên và con đường từ học tiếng Anh đến sử dụng 100% tiếng Anh trong học tập, giao tiếp của sinh viên Hồng, Uyên được rút ngắn lại.
Chân lấm, tay bùn ra ý tưởng
Hồng là một cô học trò chăm chỉ từ làng quê xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên) bước vào giảng đường Đại học Nông lâm Thái Nguyên để hiện thực hoài bão về khoa học quản lý môi trường theo chương trình tiên tiến. 3 năm học qua đi nhanh chóng với sinh viên Hà Thị Hồng và “gói gọn” lại kết quả học tập bằng hai chữ “cần cù”. Bởi lẽ điều kiện bắt buộc của chương trình đào tạo là phải đọc thông, viết thạo kiến thức bằng tiếng Anh chuyên ngành, nên hầu như sinh viên chương trình tiên tiến đều kín lịch học lý thuyết. Hồng nhớ lại thời gian biểu những năm đầu vào đại học: “Sáng giảng đường, chiều thư viện, tối tiếng Anh… khiến cho sinh hoạt cá nhân như một cỗ máy được lập trình sẵn, không còn thời gian để suy nghĩ thực hiện các ý tưởng nghiên cứu khoa học, ứng dụng, thực hành. Nhưng vượt qua hai năm đầu, khi kiến thức cơ bản, nhất là môn tiếng Anh chuyên ngành đã vững, thì Hồng và các bạn cùng khóa đã có thể dành được thời gian tham khảo các tài liệu nước ngoài, suy nghĩ về các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học”.
Kỳ nghỉ hè ngắn ngủi có 4 tuần năm 2015, trước khi vào năm học thứ 4 của nữ sinh Hà Thị Hồng thật ý nghĩa, khi trở về làng quê lội bùn, nhào đất nặn than đun cám chăn lợn giúp cha mẹ. Ý tưởng và tư duy về việc xử lý môi trường, cải tạo đất, nguồn nước hạn chế ô nhiễm bắt đầu từ đây: Sao phải mất nhiều tiền, công sức mua than đốt; xỉ than sau khi đốt thải ra môi trường thành vô dụng, hỏng đất trồng cây mà tạo rác độc cho môi trường đất, nước… trong khi mùn cưa, mạt gỗ, phoi bào của các xưởng mộc quanh khu dân cư thải tùy tiện, phung phí, đốt tạo khói gây ô nhiễm bầu không khí khu dân cư, dễ nguy cơ hỏa hoạn. Sau khi bàn bạc kỹ ý tưởng của mình với bạn cùng khoa và được các thầy, cô giáo ủng hộ, ngay lập tức, các thuật Toán, kiến thức Hóa học, Vật lý, kỹ thuật quan trắc và địa chất được huy động để thuyết minh ý tưởng. Và Đề tài khoa học “Than sinh học” chính thức được Hội đồng khoa học Trường thông qua chấp thuận cho nghiên cứu theo hướng ứng dụng.
Thuận lợi lớn nhất đó là trong nhóm đã tập hợp được thêm 2 thành viên đều có những kiến thức sâu về Hóa học, Vật lý, như sinh viên Nguyễn Thị Thu Uyên và sinh viên cùng lớp học người Philipin Jimlea N.A Mendoza đã hỗ trợ đắc lực trong việc thiết lập quy trình thí nghiệm và tìm tài liệu quốc tế. Chính từ cách làm việc hợp tác này mà khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành cả nhóm được nâng lên và con đường từ học tiếng Anh đến sử dụng 100% tiếng Anh trong học tập, giao tiếp của sinh viên Hồng, Uyên được rút ngắn lại.
Thành công từ học đi đôi với thực hành
Điều khiến Hồng và các bạn trong nhóm đau đáu nhất là biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, nước thải, đất bị nhiễm chua, nhất là khu vực nông thôn. Hầu như các chất thải chỉ được xử lý đơn giản, như chôn, lấp, làm nguyên liệu bếp Biogas… nhưng vừa lãng phí mà không thể tái tạo cũng như gây ô nhiễm thêm cho môi trường đất, nước thải. Trong một lần thăm bếp đun mùn cưa, Hồng phát hiện khả năng cháy rất mạnh, nhưng lại bấc như đốt tờ giấy, nhiệt không giữ được lại nhanh tàn, tốn nhiên liệu. Liên tưởng đến than trộn bùn, Hồng trộn mùn gỗ với đất sét, tăng độ cứng và giảm tốc độ cháy. Còn Jimlea N.A Mendoza phối hợp tra cứu tài liệu của các nhà khoa học trên thế giới về đặc tính đất sét, nhất là loại có chứa quặng sắt (phù hợp với vùng đất Thái Nguyên) qua nung đốt của các nhà khoa học Oxtraylia, Mỹ. Từ các tài liệu thu thập được trong hỗn hợp tro (đất sét, vôi bột, bột gỗ) qua đốt cháy tạo ra chất sắt và các khoáng chất có phản ứng tích cực hấp thụ chất phốt pho trong nước thải, vôi bột qua nung có tác dụng khử chua, nhiễm mầm bệnh, tăng độ xốp cho đất… Hướng nghiên cứu tiếp tục mở ra khi giải quyết triệt để tro đốt và đưa trực tiếp vào xử lý nguồn nước thải, nhất là tại các gia trại, trang trại chăn nuôi và các khu vực nước đọng, ao tù để cải tạo đất. Mặc dù Hồng và Uyên rất bận rộn với nhiệm vụ học tiếng Anh, nhưng sau các giờ học chính khóa, thư viện, phòng thí nghiệm chính là nơi tụ họp của nhóm. Gần 4 tháng thu thập số liệu từ các xưởng chế biến gỗ, thu thập mẫu đất sét vùng mỏ sắt Trại Cau, rồi canh thời tiết, đo độ ẩm, xác định hàm lượng quặng sắt, độ nóng chảy, biến dạng…
Hồng và Uyên nhớ lại: Có những thí nghiệm cần theo dõi chặt chẽ, liên tục hàng 2 ngày, cả nhóm phải luân phiên ăn nằm trực bên phòng thí nghiệm để xác lập công thức hóa, lý tính cho mỗi thí nghiệm rồi quy ra hàm lượng tỷ lệ trộn hỗn hợp. Còn Jimlea N.A Mendoza thì chia sẻ: “Bản thân gia đình cũng làm nông nghiệp, nhưng những ý tưởng bắt đầu từ cuộc sống nhà nông thực thụ thì em không nghĩ ra, điều kiện cuộc sống ở vùng quê đất nước em có khác, ít tự sản xuất, tự chế biến và tự tiêu thụ… hầu như đã có sự phân công lao động chuyên môn khá rõ nét. Được hợp tác nghiên cứu khoa học từ thực tế cuộc sống gần như ngay tại chỗ và có nhiều ý tưởng sáng tạo từ người lao động, nên em thấy rất thuận lợi”.
Mẻ tro đầu tiên được sử dụng cải tạo đất nhiễm chua, chỉ sau ba tuần ủ hoai và được gieo rau cải chịp, mật độ nảy mầy đạt trên 91% so với đất chưa qua xử lý chỉ đạt 71%. Than sinh học được ép cứng tạo lỗ rỗng, sau khi đốt tạo thành tro có tính chất làm xốp đất nhanh. Đặc biệt, khả năng hấp thụ phot pho trong nước thải, giảm mùi hôi thối, làm trong nước và có thể tái sử dụng trong tắm lợn, dọn vệ sinh chuồng trại… Ngay sau khi có kết luận từ các thí nghiệm Đề tài đã nhanh chóng được các nhà khoa học quan tâm và ủng hộ để nhóm nghiên cứu tiếp tục bổ sung thêm thí nghiệm với các chất thải khác như vỏ trấu, lá cây khô…
Với kết quả bước đầu nghiên cứu, Hà Thị hồng cùng các cộng sự đã được công nhận đề tài nghiên cứu sáng tạo trẻ năm học 2015-2016 của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Tin vui cũng đến với Hà Thị Hồng, khi tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên và Chi bộ Đảng cơ sở giới thiệu, bồi dưỡng và làm thủ tục kết nạp vào Đảng khi đang là sinh viên. Hà Thị Hồng chia sẻ: “Em luôn tâm niệm, học phải đi đôi với thực hành, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân… Chính điều đó đã thôi thúc em tìm hiểu, khám phá và nỗ lực vươn lên trong học tập”.