Sáng kiến "tiền tỷ" của những người thợ thanh niên
17:01 10/05/2018 5217
Nhịp sống trẻ Web.ĐTN: Không chỉ tích cực tham gia lao động sản xuất, những người thợ trẻ còn có nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa công việc mang lại giá trị không nhỏ cho đơn vị và Nhà nước.
"Điều chỉnh vị trí đổ thải" giúp tiết kiệm hơn 2,6 tỷ đồng
Về công tác tại Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam từ năm 2012, dù tuổi nghề và kinh nghiệm còn ít, nhưng Nguyễn Văn Thái đã có 6 sáng kiến được công nhận, áp dụng thực tế cùng hàng chục giải pháp kỹ thuật nhằm hợp lý hóa sản xuất.
Về công tác tại Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam từ năm 2012, dù tuổi nghề và kinh nghiệm còn ít, nhưng Nguyễn Văn Thái đã có 6 sáng kiến được công nhận, áp dụng thực tế cùng hàng chục giải pháp kỹ thuật nhằm hợp lý hóa sản xuất.
Chỉ hơn 05 năm công tác, Nguyễn Văn Thái đã có hơn 10 sáng kiến và giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực cho công ty |
Ngay khi ra trường và trở thành một kỹ sư mỏ, Nguyễn Văn Thái đã thường xuyên đi tìm hiểu tại các khai trường, trao đổi, tham khảo ý kiến từ đồng nghiệp, công nhân để quan sát, học hỏi. Nhờ đó, chỉ sau một năm công tác, Thái đã đưa ra giải pháp đầu tiên “Thi công đường vận tải, tiết kiệm chi phí khai thác ở khai trường Đồng Hồ”.
Qua nhiều lần khảo sát ở một điểm mỏ thuộc khai trường, nhận thấy cung đường vận tải cũ có nhiều điểm hạn chế, Thái mạnh dạn đề xuất lãnh đạo đơn vị cho thi công tuyến đường vận tải mới phù hợp hơn để vận chuyển quặng. Độ dài tuyến đường này ngắn hơn so với tuyến đường cũ, tuy nhiên vẫn đảm bảo được cung độ, không ảnh hưởng đến yếu tố kỹ thuật khi xe lưu thông.
Giải pháp được triển khai, mang lại hiệu quả tích cực đã trở thành động lực để kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Thái liên tiếp đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp những năm sau đó. Trong đó, sáng kiến “Thu hồi quặng loại 1 trên thân quặng loại 2” có giá trị làm lợi trên 800 triệu đồng; sáng kiến “Kỹ thuật sử dụng máy xúc có công suất lớn, giảm khoan, nổ mìn tại khai trường 21” được đánh giá cao vì vừa có ý nghĩa đối với sản xuất, vừa giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường.
Năm 2017, sáng kiến "Điều chỉnh vị trí đổ thải để giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tại khai trường 22 và khai trường 10" của Nguyễn Văn Thái được đưa vào áp dụng. Sau nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu và lặn lội trên các khai trường, Thái đã đề xuất với Ban lãnh đạo công ty thay đổi vị trí đổ thải so với dự án ban đầu. Việc điều chỉnh đã giúp tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng, rút ngắn cự ly đổ thải, tạo thuận lợi trong việc tổ chức sản xuất, khai thác, làm lợi cho công ty hơn 2,6 tỷ đồng.
Từ tinh thần say mê học hỏi, nghiên cứu của bản thân, Nguyễn Văn Thái thường xuyên giúp đỡ các đoàn viên trẻ trong công ty hòa nhập nhanh với công việc, hăng say học tập, lao động và sáng tạo. Anh cũng thường xuyên giành thời gian trao đổi công việc với cấp trên và đồng nghiệp để có những ý tưởng mới mang lại hiệu quả.
Với những thành tích đạt được, Nguyễn Văn Thái đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trong phong trào thi đua “Thanh niên làm chủ đất nước” năm 2016; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; giấy khen của Tổng Giám đốc Công ty .v.v...
Thu lợi 3,24 tỷ đồng từ tái sử dụng vật tư thu hồi
Từ công việc ban đầu là công nhân lao động trực tiếp tại các phân xưởng đào lò và khai thác, năm 2013, Trần Minh Tuấn đã trở thành chuyên viên Phòng Kỹ thuật công nghệ của Công ty Than Quang Hanh. Dù với vị trí công tác nào, Tuấn luôn tìm tòi, nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, sáng kiến đem lại hiệu quả và lợi ích trực tiếp cho công ty.
Từ quá trình lao động và nghiên cứu, học hỏi, Trần Minh Tuấn đã có nhiều sáng kiến, giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất cho công ty |
Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm Trần Minh Tuấn đều có giải pháp, sáng kiến được Hội đồng xét duyệt sáng kiến của Công ty Than Quang Hanh công nhận và áp dụng hiệu quả trong thực tế. Đặc biệt, có sáng kiến đưa vào triển khai đã làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đầu năm 2017, sáng kiến “Hợp lý hóa công tác quản lý vật tư thu hồi, tổ chức quy hoạch lại mặt bằng kho vật tư, phân loại tại chỗ vì chống cũ thu hồi tái sử dụng” của Trần Minh Tuấn được đưa vào áp dụng với mục tiêu tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Chỉ sau một năm triển khai, 1.756 bộ vì chống các loại đã được tái sản xuất từ việc phân loại và tận dụng vì chống cũ, với giá trị làm lợi đạt hơn 3,24 tỷ đồng. Những loại vật tư không có khả năng tái sử dụng thì được gia công thành các loại vật tư khác như tà vẹt thép, bích sắt, sắt xi tời, kẹp băng tải… phục vụ sản xuất hàng tháng.
Được biết, trong năm 2018, sáng kiến của Trần Minh Tuấn sẽ được Công ty Than Quang Hanh triển khai quyết liệt nhằm mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa trong sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, nâng cao đời sống người lao động.
Luôn say mê tìm tòi, nghiên cứu bởi Trần Minh Tuấn cho rằng: "Chúng tôi là những người trẻ cần phát huy tinh thần "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên", đặc biệt là trong những lĩnh vực mới, lĩnh vực khó để ngày càng khẳng định vai trò là chủ thể tích cực trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Ghi nhận những đóng góp trong lao động, sáng kiến mang lại hiệu quả cho đơn vị và Tập đoàn, Trần Minh Tuấn đã có 05 năm liền đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp Tập Đoàn; năm 2017 được nhận danh hiệu "Tài năng trẻ tỉnh Quảng Ninh" và danh hiệu "Tài năng trẻ Đoàn than tỉnh Quảng Ninh", cùng nhiều khen thưởng khác.
Tối 13/5, Lễ tuyên dương Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI, năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội. Theo đó, 65 người thợ trẻ có tay nghề cao, có thành tích xuất sắc trong lao động, có giải pháp sáng tạo được áp dụng trong sản xuất đem lại hiệu quả về kinh tế và xã hội sẽ được vinh danh. Trong khuôn khổ Giải thưởng sẽ diễn ra các hoạt động: viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm quan Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Diễn đàn “Thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh niên công nhân; triển lãm “Gương sáng thanh niên công nhân”. |