Phú Thọ: Khởi nghiệp từ chế biến chè xuất khẩu

08:46 14/05/2018     3652

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, bản chất chịu thương chịu khó, không ngừng tìm tòi, đổi mới, nắm bắt thị trường. Đến nay, Công ty của Chị Phương đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 công nhân; thu nhập bình quân tháng từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Sinh năm 1988, chị Lê Thị Hồng Phương sinh ra và lớn lên trên quê hương Đỗ Sơn – Thanh Ba. Vốn xuất thân trong một gia đình nông thôn, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, là người con gái cả trong gia đình, chị luôn tự nhủ phải luôn cố gắng hết mình để xứng đáng là chị cả của 2 đứa em.

Trong suốt những năm học từ tiểu học đến THPT, chị Phương là người ít nói, trầm, ít giao tiếp, hòa đồng với bạn bè, trong chị luôn có mặc cảm tự ti vì bản thân mình kém hơn các bạn, không được đầy đủ như các bạn cùng trang lứa. Chị luôn âm thầm, nỗ lực trong học tập, nhiều năm liền đạt thành tích học sinh giỏi.



6
Chị Lê Thị Hồng Phương

Với sự cố gắng chuyên cần, chị đã đậu vào trường Đại học mỏ địa chất, chuyên ngành quản trị kinh doanh, khoa kinh tế. Từ khi cánh cửa trường đại học mở ra chào đón chị, như bao người khác họ vui vẻ, sung sướng thì đối với Phương đây cũng là lúc trong chị bao suy tư lo lắng, “một mình về thành phố sẽ sống như thế nào; lấy đâu ra tiền để trang trải học hành”…

Trong suốt 4 năm học đại học, chị đã bươn chải đủ nghề từ làm phụ quán, dạy gia sư, bán hàng thuê để có tiền trang trải cuộc sống, nộp học phí. Chị học ngày đêm, không ngừng tự học và tích lũy kiến thức; chị tự mua sách, đài, băng đĩa về học ngoại ngữ. Có thể nói đối với chị Phương, ngoại ngữ là lợi thế của chị, chị giỏi ngoại ngữ, vì vậy ngay từ khi là sinh viên chị đã “săn” được nhiều học bổng của các công ty, tập đoàn quốc tế. Tốt nghiệp đại học, chị luôn khao khát được làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; chị chọn các công ty, tập đoàn nước ngoài trong các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu để nộp hồ sơ dự tuyển. Chị có nhiều năm làm việc cho các tập đoàn lớn.

Cơ duyên dẫn Phương đến với công ty chè Hiệp Thành. Gắn bó với công ty 5 năm, chị học hỏi được kỹ thuật chế biến, sản xuất chè xanh, chè đen. Ngày đêm không ngừng nghiên cứu, tìm tòi ra phương thức quản lý kinh doanh phù hợp với các loại thị trường trong nước và quốc tế. Với vốn kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, được sự giúp đỡ của giám đốc công ty, Phương nhen nhóm xây dựng ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp cho riêng mình. Nhưng lúc này, khó khăn lớn nhất với chị là vốn. Sau nhiều năm chị tích lũy được 300 triệu đồng, số tiền này quá ít ỏi để khởi dựng một công ty. Nhờ sự động viên từ gia đình, như tiếp thêm sức mạnh cho cô gái trẻ, chị quyết tâm hoàn thiện mọi hồ sơ thủ tục để thành lập công ty TNHH phát triển trà UT, địa điểm ở Hà Nội.

Sau hơn 1 năm bươn trải tự mình vừa làm Giám đốc vừa làm công nhân, tự tìm nguồn hàng và thị trường đầu ra, chị quyết tâm chuyển công ty về quê hương ở xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba. Mặc dù biết trước về quê giá dịch vụ vận tải sẽ cao hơn, chi phí đường xá xa xôi, nguồn nhân công nông thôn chưa có chuyên môn, kỹ thuật. Bao khó khăn trước mắt nhưng không làm lay bước cô gái trẻ.

Một mình chị lại tiếp tục thuê đất xây dựng nhà xưởng, vay vốn mua thêm máy móc, trực tiếp tuyển dụng và đào tạo công nhân, cầm tay chỉ việc cho từng người. Dường như chị một mình làm tất cả mọi thứ. Công thức chế biến chè chị là người nắm rõ nhất, giao cho công nhân toàn bộ chị không yên tâm. Cứ mỗi mẻ chè cho vào chế biến, bao giờ chị cũng trực tiếp đứng ra đong đếm, chia trộn kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn, định mức để thành phẩm chè sản xuất ra đảm bảo tiêu chí ngon sạch, an toàn vệ sinh, chuẩn thương hiệu…

Sau hơn 1 năm hoạt động tại địa phương; công ty dần đi vào ổn định, tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 công nhân; thu nhập bình quân tháng từ 5-6 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, chị giám đốc trẻ luôn quan tâm đến đời sống của công nhân, chị thương họ, coi họ như ruột thịt của mình, vì họ đã giúp đỡ, đồng hành cùng chị; gia đình công nhân nào khó khăn đều được chị giúp đỡ với nhiều hình thức như tạm ứng trước lương; hoặc tặng những món quà thiết thực như ti vi, tủ lạnh, máy giặt… vào dịp lễ, tết để động viên tinh thần họ tiếp tục cố gắng lao động, sản xuất.



Chị Lê Thị Hồng Phương trực tiếp sản xuất chè
Chị Lê Thị Hồng Phương trực tiếp sản xuất chè

Đến nay, Công ty THHH phát triển trà UT đã có chỗ đứng trên nhiều thị trường trong nước và các nước Đông Nam Á, mỗi năm doanh thu của công ty trên 1 tỷ đồng. Trong thời gian tới chị dự định mở thêm cơ sở 2 chế biến chè tại Vân Lĩnh với tổng diện tích 800 m2, đất này là tài sản chị tích lũy mua được. Chị là một trong những đoàn viên thanh niên tiêu biểu của huyện Thanh Ba được thụ hưởng vay vốn 120 của TW Đoàn trong năm 2018, với số tiền trên 200 triệu đồng.

Tuy số vốn vay không nhiều, nhưng cũng là nguồn động viên tinh thần to lớn, thể hiện sự chung tay của tổ chức Đoàn trong việc đồng hành cùng ĐVTN khởi nghiệp làm kinh tế. Chị luôn mong muốn trong thời gian tới sản phẩm của công ty sẽ đến với nhiều thị trường quốc tế ở  u Mỹ.

Ở địa phương, chị tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức, chị chia sẻ: tham gia hoạt động tập thể, Phương như thấy mình trẻ ra, mình muốn tham gia để bù đắp lại khoảng thời gian ngày xưa chưa được hòa mình với tổ chức Đoàn, hội vì mải học, mải làm. Chị luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào do Đoàn phát động, tích cực đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội địa phương.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, bản chất chịu thương chịu khó, không ngừng tìm tòi, đổi mới, nắm bắt thị trường, hy vọng rằng trong thời gian tới chị sẽ lãnh đạo
Công ty THHH phát triển trà UT luôn đứng vững và phát triển, cạnh tranh được với nhiều công ty, tập đoàn lớn trong nước, đưa sản phẩm chè của Việt Nam đến với nhiều nước trên thế giới.