Ông đồ trẻ nhất Việt Nam lên ngôi Thủ lĩnh tân SV Ngoại giao
14:20 11/11/2015 1385
Nhịp sống trẻ Vượt qua các đối thủ và xuất sắc thể hiện bản lĩnh trong cuộc tranh biện chung kết, Nguyễn Tô Tâm An – ông đồ trẻ nhất Việt Nam đã xứng đáng lên ngôi Thủ lĩnh sinh viên khóa mới của Học viện Ngoại giao 2015.
Những đề án gần gũi và thiết thực
Hơn 140 lượt đăng ký cho cuộc thi, nhưng chỉ 10 tân sinh viên xuất sắc với 10 đề án hay nhất lọt vào chung kết DAV’s Leader để chọn ra thủ lĩnh mới của khóa 42.
Các thí sinh rất tự tin và trôi chảy thể hiện đề án của mình trên sân khấu. 10 đề án rất gần gũi và thiết thực với đời sống sinh viên, không chỉ phục vụ lợi ích riêng của sinh viên (học tập, giải trí…), còn mang tính gắn kết với cựu học sinh và giảng viên trong trường: Xây dựng trang chia sẻ thông tin cộng đồng sinh viên (Trần Thị Hà Mi), Tổ chức thường niên chuỗi tọa đàm, hội thảo và các cuộc thi dành cho sinh viên năm nhất (Nguyễn Hà Mi), "Luồng gió Xanh" nhằm xây dựng môi trường học tập sạch đẹp tại trường (Nguyễn Sỹ Hùng), Xây dựng trạm tìm đồ thất lạc (Phạm Thị Lê Na)…
Các đề án được đầu tư khá kĩ lưỡng của các bạn sinh viên. Là những sinh viên năm nhất, họ đã thể hiện tầm nhìn, tâm huyết và sức trẻ, năng động của mình.
Nhưng nổi bật và được đánh giá cao hơn cả là hai đề án của Nguyễn Tô Tâm An (CLB Nhà Lãnh đạo trẻ) và Bùi Minh Hoàng (CLB văn hóa quốc tế). Thuyết phục khán giả thành công, hai bạn nam đã tiến sâu vào màn tranh biện quyết định.
Nhiều tân SV với những ý tưởng độc đáo, thú vị tại cuộc thi DAV's Leader.
Ông đồ trẻ Tâm An giành ngôi vị Thủ lĩnh
Với kiến nghị: “Người thủ lĩnh là người dám làm những điều người khác không dám làm”, Bùi Minh Hoàng và Nguyễn Tô Tâm An lần lượt bày tỏ quan điểm của mình ở hai “chiến tuyến”: Ủng hộ và Phản đối.
Bùi Minh Hoàng có lối nói tự nhiên, cuốn hút, dẫn dắt người nghe đi vào màn thể hiện của mình. Hoàng định nghĩa người thủ lĩnh là người có tầm nhìn, sáng tạo, luôn vì lợi ích tập thể và có khả năng thu hút mọi người, nghe theo ý tưởng, quan điểm của mình.
Một người dám làm, theo Hoàng, trải nghiệm 3 giai đoạn: dám suy nghĩ, dám thực hiện và dám đi đến cùng để biết được là lựa chọn của mình là đúng hay sai. Hoàng cho rằng, làm điều người khác không dám làm, dễ tạo được ấn tượng và tầm ảnh hưởng với người xung quanh.
Dám làm nghĩa là dám suy nghĩ, thực thi và kiên trì. Điều này giúp mỗi người biết bản thân đi đúng hay sai, đồng thời mạnh mẽ, bản lĩnh hơn để vượt qua những khó khăn. Hoàng cũng lấy ví dụ khá phù hợp từ sự dẫn đầu xu hướng cảm ứng của Steve Jobs.
Chắc chắn nhưng không thiếu sự quyết liệt, Tâm An – ông đồ trẻ nhất Việt Nam đã phản biện lại ý kiến của Minh Hoàng bằng các lập luận chặt chẽ của mình.Theo An, dám làm không thể hiện bạn là thủ lĩnh, vì có nhiều hành động sai trái, không phù hợp.
“Người thủ lĩnh là người biết gắn kết mọi người, dám làm nhưng phải thuyết phục mọi người hướng theo mục tiêu chung. Chứ người thủ lĩnh đi một mình, dám làm 1 mình thì không gọi là người thủ lĩnh.
Tôi cho rằng, dám làm chỉ là 1 quyết tâm, bạn quyết tâm là bạn sẽ có thể thực hiện được, nhưng chưa đủ để bạn trở thành 1 người thủ lĩnh. Người thủ lĩnh cần rất nhiều yếu tố: Khả năng giao tiếp, khả năng quản lý, lãnh đạo chứ không chỉ là dám làm. Ví dụ Lê Văn Luyện, gây ra những điều kinh khủng, nhưng anh ấy không phải là thủ lĩnh. Và hành động ấy phải bị lên án.
Người thủ lĩnh dám làm nhưng phải làm vì lợi ích nhóm, mục tiêu đã đặt ra. Dám làm, mà bạn làm sai, thì không còn là người thủ lĩnh nữa, sẽ không được mọi người tin tưởng để làm theo”.
Tâm An (phải) giành chiến thắng thuyết phục để trở thành Thủ lĩnh SV khóa mới của Học viện Ngoại giao.
Mỗi một luận điểm sắc bén của Tâm An đưa ra, cả khán phòng lại nở rộ những tràng pháo tay. Sau phần trình bày trong 5 phút, mỗi người có tiếp 2 phút để phản biện lại quan điểm của đối phương.
Hoàng bày tỏ: “Mình không đồng ý rằng người thủ lĩnh nếu làm sai thì không được gọi là thủ lĩnh. Người thủ lĩnh là người đưa ra ý tưởng, dám thực hiện đến cùng để biết được nó là đúng hay sai.
Nhà khoa học Menden, nghiên cứu ra thuyết di truyền. Lúc đó không ai tin tưởng, nhưng ông vẫn quyết làm, và sau này, đã được chứng minh về sự vĩ đại của nó.
Người thủ lĩnh đi đến cùng, dù có thất bại, nhưng dám đi đến cùng, cố gắng hết sức mình. Đó mới có thể coi là người thủ lĩnh. Người thủ lĩnh có thể tồn tại ở bất cứ đâu, là nhân viên bình thường, nhưng có ý tưởng thú vị, dám làm, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, cũng có thể coi là người thủ lĩnh”.
Hoàng cho rằng, Tâm An đã đi quá xa khi lấy ví dụ về đối tượng phạm pháp để minh chứng cho luận điểm của mình. Hoàng còn nói, người thủ lĩnh nếu sợ, thì không thể không có những người thành công.
Trước lập luận của Hoàng, Tâm An đã phản công ngoạn mục và giành lại thế thượng phong. Cậu phản biện về luận điểm người thủ lĩnh dám làm sẽ gây ấn tượng tốt với mọi người.
“Không phải lúc nào việc bạn dám làm cũng gây ấn tượng tốt. Nếu tôi múa ở trên đây, ngay lúc này, thậm chí tôi còn tạo tác dụng ngược. Có những người thủ lĩnh không gây ấn tượng tốt, nhưng họ vẫn lãnh đạo được một tập thể đi theo họ”.
Chính sự chặt chẽ trong lập luận của mình, Tâm An đã giành được giải nhất, trong sự ủng hộ của mọi người.
Tweet