Nữ thủ khoa ấp ủ giấc mơ giúp nông dân Việt Nam thoát nghèo

16:58 11/09/2015     1398

Nhịp sống trẻ   Từng học tập, nghiên cứu với nhiều chuyên gia nước ngoài, Phạm Kiều My thấy rõ những thiệt thòi của nông dân Việt Nam và khao khát đưa nông nghiệp nước nhà phát triển.
Với số điểm tổng kết toàn khóa 3,66/4 cùng thành tích nhiều năm là sinh viên xuất sắc, tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu, hội thảo trên thế giới, Phạm Kiều My trở thành thủ khoa đầu ra của Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2015.

Sinh ra trong gia đình có bố là cán bộ giảng dạy về nông nghiệp, My thường xuyên được nghe về tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và thế giới.

Những câu chuyện thường ngày của bố đã hun đúc cho My niềm yêu thích được học tập, nghiên cứu về lĩnh vực này. Thi đại học, trong khi bạn bè đăng ký vào Ngân hàng, Kinh tế, Ngoại thương…, Phạm Kiều My chỉ nộp hồ sơ vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

g
g

"Một số bạn trong lớp 12 của em cho rằng Học viện Nông nghiệp không được đẳng cấp, nhưng em nghĩ mỗi trường có những ưu thế riêng, phù hợp với sở thích, khả năng của từng cá nhân.

Em chọn trường này phần vì định hướng của gia đình, phần vì sở thích và mong muốn có cơ hội tham gia các chương trình, dự án về phát triển kinh tế nông nghiệp", My nói.

Xác định được hướng đi cho tương lai thiên về nghiên cứu chuyên sâu, ngay từ những năm đầu, nữ sinh khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã bắt tay vào làm nghiên cứu khoa học.

Với em, công việc mà nhiều bạn cho là "hàn lâm", "khô khan" lại là cách học tập hiệu quả, giúp hiểu sâu hơn kiến thức đã học và có thể vận dụng vào thực tế".

Muốn tiếp cận được nhiều hơn các học liệu bằng tiếng nước ngoài, Phạm Kiều My tích cực củng cố khả năng tiếng Anh. Hai năm liền, My đều đạt giải trong kỳ thi Olympic Ngoại ngữ.

"My rất chăm chỉ học tập trên lớp, không ngừng trau dồi khả năng tin học, ngoại ngữ và tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Các báo cáo của em luôn có tính sáng tạo cao và được đánh giá thuộc loại xuất sắc" - Bí thư Đoàn Học viện Nông nghiệp Đỗ Thị Kim Hương nói.

Từng giảng dạy Phạm Kiều My từ năm nhất đại học, bà Kim Hương ấn tượng với nữ sinh lúc nào cũng ngồi bàn đầu có các tài liệu đã gạch sẵn ý chính liên quan đến nội dung bài giảng và thường xuyên phát biểu.

Cô giáo này cho biết, ngoài có ý thức xây dựng bài, Kiều My còn chịu khó giúp đỡ các bạn trong lớp. 4 năm liền, em là lớp phó học tập năng nổ, tốt bụng, nhiệt tình tham gia hoạt động tình nguyện, đoàn, hội.

Kỳ cuối năm nhất đại học, Phạm Kiều My là một trong 2 sinh viên có thành tích học tập và khả năng giao tiếp tiếng Anh xuất sắc nhất (trên tổng số 30.000 sinh viên toàn học viện) đã được chọn để tham gia Trại hè Nông nghiệp quốc tế lần thứ 5 tại Thái Lan.

Năm 2013, My trở thành đại diện của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia Hội nghị sinh viên quốc tế về thực phẩm, nông nghiệp và môi trường trong thế kỷ mới tại Đại học Nông nghiệp Tokyo (Nhật Bản) cùng sinh viên đến từ 22 quốc gia.

t
Phạm Kiều My cùng các bạn và hai giảng viên đến từ Đại học California Davis (Mỹ) trong buổi báo cáo kết quả nghiên cứu từ khóa học. Ảnh: NVCC.

Năm học thứ 2-3, My tiếp tục có mặt trong số 24 sinh viên tốt nhất Học viện được tham gia khóa học về các phương pháp nghiên cứu do giảng viên Đại học California Davis (Mỹ) giảng dạy.

Tại đây, My được trực tiếp làm việc với người nông dân ở hợp tác xã Đông Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) trong dự án nghiên cứu về rau an toàn.

Qua những lần đi các nước tìm hiểu về nền kinh tế nông nghiệp thế giới và lần làm việc trực tiếp với nông dân Việt Nam này, My nhận thấy nông dân Việt Nam rất thiệt thòi.

"Nền nông nghiệp của các nước xung quanh Việt Nam rất phát triển, được cơ giới hóa nhiều, nhưng nông dân nước ta thì gặp khó khăn khi ít được nhận sự giúp đỡ về nguồn vốn và đầu ra.

Nông dân chưa có khả năng đưa máy móc vào công việc của mình cũng như ít có tổ chức nào giúp họ trong quy trình sản xuất và tạo thị trường buôn bán trực tiếp với khách hàng để thu lại nguồn lợi tốt nhất" - My nói.

Theo My, chuỗi sản xuất rau an toàn hiện nay luôn có sự tham gia của các thương lái, người môi giới. Do đó, nguồn thu của người nông dân bị giảm đi so với giá thị trường, còn người tiêu thụ lại không biết rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Bằng việc tạo được thị trường buôn bán trực tiếp, nông dân sẽ thu được nguồn lợi cao hơn mà khách tiêu dùng cũng được đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong dự án này, My cùng giảng viên và các bạn giúp nông dân thực hiện quy trình trồng rau an toàn mà không tốn nhiều kinh phí như họ nghĩ bằng cách hướng dẫn phương pháp tránh sâu bệnh hiệu quả và sử dụng sản phẩm vi sinh giá rẻ mà chất lượng đảm bảo.

"Em dự định học lên cao hơn, nếu được sẽ du học thạc sĩ ở nước ngoài. Em mong muốn có thể nghiên cứu được sâu hơn mối liên quan giữa nông nghiệp và kinh tế rồi từ đó tìm phương pháp giúp người nông dân thoát nghèo, cơ giới hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp nước nhà" - Thủ khoa đầu ra của Học viên Nông nghiệp Việt Nam tâm sự.