Nữ sinh đam mê ứng dụng CNTT trong chế tạo thiết bị y tế

15:44 07/01/2016     1192

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Máy tính và chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet lúc nào cũng theo bên người Lê Thị Hương, sinh viên năm thứ 4 lớp K11A Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) khi thực hiện đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học.

 Sinh viên Lê Thị Hương cùng các cộng sự tham gia thực hành thí nghiệm đo huyết áp và truyền dẫn dữ liệu thông dây qua Internet đến các thiết bị máy tính khác để xác lập số hóa trong quản lý dữ liệu, hồ sơ người bệnh.
Sinh viên Lê Thị Hương cùng các cộng sự tham gia thực hành thí nghiệm đo huyết áp và truyền dẫn dữ liệu thông dây qua Internet đến các thiết bị máy tính khác để xác lập số hóa trong quản lý dữ liệu, hồ sơ người bệnh


Hương chia sẻ: “Thiết bị công nghệ tin học như thể trái tim của em. Tất cả dữ liệu, thông số về nhịp tim, huyết áp, hơi thở của con người được tích hợp trên máy. Sản phẩm hoàn thiện giúp cho công tác thăm khám, theo dõi sức khỏe người bệnh của y, bác sĩ trở nên thuận tiện, giảm bớt thao tác thăm khám trực tiếp bên người bệnh. Và em sẽ trở lại theo đuổi ước mơ thành bác sĩ trong ngành y, chứ không thuần túy là cử nhân Công nghệ thông tin, Truyền thông nữa”.
 
Nữ sinh tư duy nam tính

 
Tin vui đến với Lê Thị Hương đúng vào dịp chuẩn bị đón năm mới 2016, khi nhận được thông báo nhận phần thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan và Công ty Intel xét trao tặng hàng năm cho nữ sinh viên có thành tích học tập xuất sắc trong các ngành kỹ thuật. Hương tâm sự: “Sản phẩm của em mới chỉ mang tính ý tưởng kỹ thuật ứng dụng chứ chưa có thành tựu nào, nên khi Đoàn trường gửi đi dự thi, em cũng không hy vọng nhiều. Bởi lẽ, công nghệ thông tin chưa phải là thế mạnh của Trường cũng như của toàn ĐHTN, trong khi “đấu trường” còn rất nhiều sản phẩm đến từ các trường Bách khoa, Y dược Hà Nội, Đại học quốc gia, Kỹ thuật công nghiệp…Khi tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, em cũng chỉ đặt ra mục đích là làm sao để dễ ứng dụng trong cuộc sống và phục vụ ngay tại môi trường cuộc sống xung qanh ta cho tiên ích. Cứ nghĩ đến đâu là làm đến đó. Quyết tâm là phải thực hiện, bởi lẽ khoa học ứng dụng thì cần ý tưởng sáng tạo và sự chăm chỉ, mạnh dạn”. Với sản phẩm Thiết bị theo dõi chỉ số đường huyết, Lê Thị Hương đã vượt qua trên gần 100 sản phẩm khác của các ngành Công nghệ thông tin, Điện, Điện tử và Cơ khí của nữ sinh viên trong toàn quốc để lọt vào chung kết với 20 sản phẩm cùng 20 tác giả nữ sinh tiêu biểu năm 2015.
 
Năm học 2013-2014, khi đang học năm thứ 2 Khoa Công nghệ điện tử và truyền thông, ngành Kỹ thuật Y Sinh, Lê Thị Hương đã được tiếp cận với các kiến thức về công nghệ truyền dẫn vô tuyến, chẩn đoán phân tích dữ liệu hình ảnh điện tử, tích hợp tự động hóa trong phân tich cảm biến nhiệt độ, ánh sáng, tiếng động, áp suất và cảm biến đo lường sau phân tích các chất cơ bản trong dung dịch… Hương đã chủ động tìm hiểu và nghiên cứu về các ứng dụng thiết bị đo lường, cảm biến từ đó tích hợp kỹ thuật chuyền dẫn dữ liệu đến các thiết bị vô tuyến và máy tính, điện thoại di động… Vừa tham khảo tài liệu trong thư viện vừa tự học thêm kỹ năng và kiến thức về điện, điện tử, công nghệ truyền dẫn, toán học, vật lý, giải phẫu sinh lý người, hóa họ. Hương lý gải: “Trong một con người không thể hoàn hảo đến mức thông tường mọi kiến thức về tất cả các lĩnh vực khoa học. Nhưng muốn đưa một ý tưởng ứng dụng khoa học thì không thể thiếu đi những kiến thức căn bản của từng lĩnh vực. Em học Vật lý không giỏi, nhưng khi học những kiến thức cơ bản rồi lại phải tìm đến các ứng dụng kỹ thuật về điện, điện từ, từ tính, cảm biến. Khó nhất là phân tích các mẫu sinh phẩm, nhịp tim, các chất trong máu… rồi tính toán để có tham số chuẩn trên các thiết bị điện tử số hóa. Cũng có khi vừa làm thợ đo kiểm nguồn điện, đấu nối dây đồng, kẹp chì trai tay như những bạn nam giới, nhưng lại có lúc kết hợp phân tích tính chất sinh hóa trên mỗi thí nghiệm. Tất cả rồi cũng cho kết quả, cái chính là làm việc phải khoa học và có niềm đam mê cao”. Hương cho biết thêm, trong nhóm nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ thông tin chế tạo các thiết bị y tế có 7 người, Hương là nữ duy nhất, đồng thời là tác giả chính của sản phẩm Thiết bị theo dõi chỉ số đường huyết.  
 
Trò nghèo nuôi chí lớn
 
Lê Thị Hương lớn lên trong điều kiện cuộc sống hết sức khó khăn. Từ nhỏ Hương đã mồ côi cả cha lẫn mẹ và sống với bà cùng họ hàng,nên lúc nào em tự đặt ra cho mình kế hoạch, nghị lực để tự bản thân phải vượt qua trong cuộc sống cũng như trong học tập. Ước mơ trở thanh bác sĩ không thành với Hương trong sự nuối tiếc khi điểm xét tuyển chỉ thiếu 0,75. Được gia đình, người thân động viên, Hương đã đến với Trường đại học Công nghệ Thông thị và Truyền thông Thái Nguyên. Ba năm học qua đi trong những thành công về thành tích học tập, khi Hương liên tục đạt danh hiệu sinh viên giỏi và được đón nhận nhiều suất học bổng của ĐHTN, của Tập đoàn FPT và nhiều nhà tài trợ khác.

Hương tâm sự: “Sang năm học thứ 2, những tưởng em sẽ thành “dân IT” chuyên nghiệp rồi, khi môi trường học tập chủ yếu là khoa học về công nghệ thông tin, truyền thông, máy tính… Nhưng có lẽ khát vọng trở thành bác sĩ luôn thôi thúc em phải tìm cho mình một lối đi để thỏa ý chí, hoài bão của mình. Có những thời điểm em đã nghĩ đến việc tạm dừng học để đi ôn tập và tiếp tục ứng thí vào trường đại học Y theo diện thí sinh tự do. Trong một lần tiếp cận với tạp chí công nghệ quốc tế, em đã thay đổi hoàn toàn những hoài bão xa thực tế, đó là: Chữa bệnh đâu chỉ có bác sĩ; Công nghệ số hóa đang làm cho thế giới đổi thay và mọi điều đều trở nên đơn giản khi làm chủ được công nghệ mới. Thêm một lần nữa, khát vọng khoác chiếc áo blue trắng lại thôi thúc em học tập, nghiên cứu khoa học”. Với điểm số mỗi kỳ học Hương luôn đạt trên 8,0 và có nhiều sáng kiến trong nghiên cứu khoa học, Hương liên tục đạt danh hiêu sinh viên 5 tốt trong những năm học vừa qua. 
 
“Bác sĩ” thời công nghệ
 
Bật nguồn điện, lắp ráp các thiết bị dây dẫn, kẹp điện… thao tác thuần thục như một kỹ thuật viên chuyên ngành điện trong phòng thí nghiệm, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Hương cho biết: “Ngày nào sau giờ học chính khóa, em và các bạn trong nhóm nghiên cứu khoa học đều đến các phòng thí nghiệm, thư viện để thực hành, tranh thủ các thiết bị của Trường để kiểm tra các tham số. Chính vì vậy, thao tác nhiều thành quen, thành thạo như thợ điện”.
 
Trong những lần đến tham quan khu điều trị các bệnh viện, Hương cùng các cộng sự đã tìm ra cho mình hướng đi đúng đắn, đó là phải trở thành “bác sĩ” thời công nghệ và phải nghiên cứu, bổ sung thêm các công nghệ phụ trợ, giúp cho việc thăm khám, quản lý người bệnh ngày càng hiệu quả hơn. Từ các thiết bị đã và đang có, Hương cùng các cộng sự trong nhóm đã và đang hoàn thiện viết các phần mềm về truyền dẫn dữ liệu vô tuyến, thiết bị không dây Internet về tình trạng người bệnh đến với cơ sở y tế, hoặc đến với bác sĩ…Mặc dù hệ thống kết cấu hạ tầng về truyền thông, quản lý hồ sơ số hóa về tình trạng sức khỏe con người, bệnh nhận hieenjnay chưa đồng bộ, song những ý tưởng này sẽ đem lại những tiện ích nhất định trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là trong việc tư vấn và cấp cứu từ xa.
 
Tin rằng với quyết tâm, ý chí và nghị lực vượt khó của sinh viên Lê Thị Hương cùng các cộng sự sẽ sớm cho ra đời những sản phẩm công nghệ mới giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày thêm hiệu qur hơn và chính xác hơn.