Những thầy thuốc bám bản

11:17 07/01/2016     1309

Nhịp sống trẻ   Những người thầy thuốc như bác sĩ Nguyễn Nam Giang (Hà Tĩnh) và y sĩ Dương Công Thuần (Lạng Sơn) không chỉ dựa vào trình độ chuyên môn mà còn có kỹ năng vận động đồng bào dân tộc chăm sóc sức khỏe.
Bị người dân hù dọa, gây sức ép

Bác sĩ quân y Nguyễn Nam Giang (Đồn biên phòng Bản Giàng, Hà Tĩnh) có 5 năm “cắm bản” Rào Tre, xã Hương Liên, H.Hương Khê làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc tại địa phương.

Bác sĩ Giang cho biết ở bản đa phần là đồng bào dân tộc Chứt, trình độ dân trí thấp nên nhận thức còn nhiều hạn chế khiến công tác tuyên truyền vận động người dân có ý thức gìn giữ, bảo vệ sức khỏe gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Giang nhớ có lần cấp cứu cho bệnh nhân uống rượu say cầm dao tự rạch vào tay. Khâu vết thương xong, bác sĩ Giang cẩn thận kê đơn thuốc về nhà uống nhiều ngày phòng chống nhiễm trùng. Ngày hôm sau, bệnh nhân quay lại xin thuốc uống thêm, khi hỏi về số thuốc đã cấp hôm trước, bệnh nhân hồn nhiên trả lời: “Uống một lần đã hết rồi” khiến bác sĩ Giang và đồng nghiệp tá hỏa. “Câu chuyện này là bài học cho tổ quân y ở bản Rào Tre, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thuốc. Những bệnh nhân được cấp thuốc từng ngày và phải có một lần uống tại chỗ, trước sự giám sát của bác sĩ”, bác sĩ Giang cho biết.

g
Thầy thuốc trẻ khám bệnh cho đồng bào dân tộc Mường tại H.Lạc Thủy, Hòa Bình

Bác sĩ Nguyễn Nam Giang chia sẻ người thầy thuốc bám bản để hoàn thành nhiệm vụ thì ngoài trình độ năng lực chuyên môn, phải kiêm luôn nhiệm vụ vận động quần chúng. Trước đây, cộng đồng người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đa phần kết hôn cận huyết thống, trai gái đến tuổi lấy chồng không được cưới hỏi. Trong suốt nhiều năm qua, các tổ công tác quân y cùng cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ cắm bản kiên trì cùng chính quyền địa phương vận động, đến nay hôn nhân cận huyết đã không còn, trai gái kết hôn có lễ ăn hỏi, đám cưới và người dân đã biết chủ động tìm đến bác sĩ khi ốm đau nên bản Rào Tre nhiều năm nay không có dịch bệnh.

Chiến thắng thầy cúng, ma rừng

16 năm làm công tác y tế ở địa bàn vùng cao, y sĩ Dương Công Thuần, Trưởng trạm y tế xã Nhất Tiến (H.Bắc Sơn, Lạng Sơn) nếm trải không ít gian khổ nhưng vẫn dành tâm huyết để làm tròn nhiệm vụ, lương tâm của người thầy thuốc.

Nhận nhiệm vụ công tác tại xã Nhất Tiến từ năm 1999, những cán bộ y tế trẻ tuổi, non kinh nghiệm như anh Thuần khi ấy thực sự bước vào cuộc đấu tranh giành giật lại mạng sống cho người dân trước những hủ tục mê tín dị đoan. Anh Thuần kể lại đồng bào dân tộc ốm đau, bệnh tật có nằm liệt giường thì cũng chỉ có niềm tin duy nhất “do con ma rừng gây ra”. Không tin vào thầy thuốc, họ nghĩ đến thầy mo thầy cúng đầu tiên mỗi khi có bệnh, tốn không ít tiền sắm sửa lễ vật, trả công cho thầy cúng “đuổi ma rừng”.

Có vận động khéo léo thế nào dân cũng không nghe, họ gửi trọn niềm tin vào thầy cúng. Không bỏ cuộc, anh Thuần cùng đồng nghiệp đến từng nhà có người ốm nặng. Đó là những trường hợp thầy cúng thầy mo cũng “bó tay” rồi, vì cúng lễ mãi người bệnh không khỏi. Để cứu sống người thân, gia đình đành cho anh Thuần đưa đến trạm y tế xã chạy chữa, điều trị đến khi hết bệnh. Bằng những ca bệnh cụ thể như thế, anh Thuần kiên nhẫn, từng bước gây dựng được niềm tin của đồng bào dân tộc vào thầy thuốc.

Cho đến hiện giờ, người dân không còn tin “thầy cúng thầy mo” cúng đuổi ma rừng được nữa. Khi người dân đã đặt niềm tin vào thầy thuốc, chỉ trong hơn 10 năm, anh Thuần cùng đồng nghiệp đã xây dựng được mạng lưới y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho người dân không thua kém các địa phương vùng đồng bằng. Nhiều năm qua, xã vùng cao này không có dịch bệnh.