Những thanh niên lập nghiệp từ trồng trọt
16:54 19/12/2016 1984
Nhịp sống trẻ Web.ĐTN: Trong những năm qua, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi trong đoàn viên thanh niên ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều đoàn viên thanh niên đã chọn cho mình hướng lập nghiệp từ trồng trọt và chăn nuôi. Từ việc lựa chọn hướng đi đúng, nhiều thanh niên đã đưa gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu, trờ thành những tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào lập thân, lập nghiệp.
Sinh năm 1988, trong một gia đình người M’nông tại xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, Y Doan Byă với bản tính ham học hỏi, cần cù, chịu khó. Sau khi tốt nghiệp THPT anh tham gia nghĩa vụ quân sự, sau khi ra quân anh tiết kiệm được 8 triệu đồng, từ số vốn ít ỏi đó anh đầu tư chăn nuôi heo, vay vốn thêm từ Ngân hàng chính sách xã hội được 30 triệu đồng để mua đất trồng điều và cà phê xen canh; chăn nuôi bò sinh sản theo Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Sau một thời gian, anh tích góp được số tiền và vay mượn thêm từ gia đình, anh, chị em mua thêm được 05 ha đất. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trồng đa cây, nên anh quyết định phân chia 01ha trồng khoai mì; 01ha trồng điều; 03 ha đất trồng cây hoa màu; cộng thêm 04 sào cà phê xen tiêu và 03 sào ruộng nước canh tác 02 vụ/năm, nhờ làm như vậy nên thu nhập được trải đều trong năm. Tổng thu nhập một năm được 200 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí anh thu lãi 150 triệu đồng/năm.
Y Doan Byă được tuyên dương thanh niên làm kinh tế giỏi cụm Tây Nguyên |
Ngoài phát triển kinh tế, anh còn tham gia tích cực công tác xã hội, là Bí thư Chi đoàn Buôn Ol của xã Đăk Drô, anh luôn tham gia tích cực hoạt động công tác Đoàn tại địa phương, được cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá cao về tinh thần và trách nhiệm với công việc được giao.
Giống như Y Doan Byă, Đàm Tiến Thành cũng đã chọn hướng phát triển kinh tế từ trồng trọt và chăn nuôi. Năm 2004, Thành cùng gia đình từ Bắc Giang vào xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông lập nghiệp. Trong thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm trồng cây công nghiệp, chưa hiểu rõ về khí hậu và thổ nhưỡng nên việc trồng trọt và chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi chàng thanh niên người dân tộc Cao Lan sinh năm 1989 Đàm Tiến Thành cho hay: Sau một thời gian sinh sống tại vùng đất mới tôi nhận thấy khí hậu tương đối thuận lợi, đất đai màu mỡ phù hợp cho việc trồng trọt và chăn nuôi nên đã quyết định chọn sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế. Nên khi học xong Trung học phổ thông, tôi quyết định không theo học thêm mà ở nhà tham gia phát triển kinh tế cùng gia đình, cũng từ đây tôi bắt đầu suy nghĩ để tìm ra hướng đi và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất gia đình chọn để lập nghiệp.
Đàm Tiến Thành thành công từ trồng trọt và chăn nuôi |
Với bài toán chia 4,3 ha diện tích đất hiện có của gia đình thành những diện tích trồng các loại cây khác nhau: 2,5 ha trồng 3000 cây cà phê xen 200 cây điều và 300 cây tiêu, diện tích còn lại anh trồng cây chanh dây, hoa màu, cỏ VA06 để nuôi bò, gà thả vườn. Thiếu vốn sản xuất, anh đã tìm đến kênh vốn vay của Đoàn thanh niên và đã được hỗ trợ vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội. Có vốn sản xuất cộng với những tính toán hợp lý, bước đầu anh đã thành công trên con đường lập nghiệp. Hiện tổng doanh thu của gia đình anh 340 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí, tổng lãi thu được là 180 triệu đồng/năm.
Ngoài phát triển kinh tế, với vai trò là một Đảng viên, Bí thư Chi đoàn thôn Đắk Lang, Thành luôn tích cực, năng nổ trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, là tấm gương trong phong trào lập thân lập nghiệp của huyện Đắk Glong.
Sinh năm 1988, là giáo viên của Trường phổ thông Dân tộc nội trú Đắk Song, Vũ Thế Long đã quyết định làm giàu từ cây hồ tiêu.
Long tâm sự với chúng tôi rằng: Với mức lương khiêm tốn của giáo viên khó mà làm giàu được nên em đã trăn trở làm cách nào để khắc phục khăn phát triển kinh tế gia đình. Cuối cùng em đã chọn trồng hồ tiêu vì đây là cây thế mạnh của địa phương và đã có rất nhiều gia đình trồng hồ tiêu hiệu quả nên mình có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ. Vấn đề khó khăn là em không có đủ vốn để bắt tay thực hiện ý tưởng, nhưng với sự hỗ trợ của bố mẹ, người thân và vay vốn từ ngân hàng em cũng đã có đủ vốn để bắt tay thực hiện ý tưởng của mình.
Vũ Thế Long là một trong 25 gương thanh niên làm kinh tế giỏi cụm Tây Nguyên được Trung ương đoàn tặng Bằng khen |
Để chuẩn bị kiến thức và học hỏi kinh nghiệm trồng hồ tiêu, Long đã đi thăm quan rất nhiều vườn tiêu tại địa phương, học tập kiến thức trên mạng internet, anh đã nhận thấy đa số các vườn trồng cây hồ tiêu theo phương pháp canh tác truyền thống đầu tư rất cao trong khi tỉ lệ hồ tiêu mắc bệnh và chết là rất nhiều. Sau một thời gian tìm hiểu mô hình trồng trụ sống anh đã theo mô hình này. Đây là mô hình hồ tiêu bền vững và ít tốn chi phí hơn nên sau gần 4 năm hồ tiêu của anh phát triển rất tốt, tỉ lệ mắc bệnh ít với diện tích 4,3 ha trồng hơn 5.000 trụ cây sống. Năm 2015, mô hình của anh đã cho thu bói gần 3 tấn tiêu với gần 800 triệu đồng lợi nhuận.
Là Bí thư Đoàn trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đắk Song, ngoài việc tham gia phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương, anh còn nhiệt tình tham gia các phong trào của Đoàn, Hội, tham mưu cho ban giám hiệu nhà trường tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho các em sinh, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, sẵn sàng chia sẽ, giúp đỡ các thanh niên gặp khó khăn trong khởi nghiệp.
Y Doan Byă, Đàm Tiến Thành hay Vũ Thế Long, là những thanh niên có tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã chọn cho mình những hướng đi đúng đắn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, trở thành những tấm gương sáng trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp. Đây cũng là những người cán bộ Đoàn sôi nổi tràn đầy nhiệt huyết, luôn đi đầu trong việc tham gia các hoạt động tại địa phương, đơn vị.