Những người lính vượt khó, cống hiến tài năng

09:26 17/05/2017     2825

Nhịp sống trẻ   127 điển hình tiên tiến toàn quân trong thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn 2014-2017 được Bộ Quốc phòng tôn vinh là những tấm gương sáng tiêu biểu về ý chí, nghị lực cùng những cống hiến xuất sắc cho quân đội và đất nước.
Vững vàng nơi đầu sóng

Nhắc tới đại úy Lê Như Hưng, thuyền trưởng Tàu 41-61-02 thuộc Hải đội 4, Lữ đoàn Đặc công nước 5, đồng đội anh luôn thán phục tinh thần quả cảm, sự gương mẫu đi đầu trong bất kỳ hoàn cảnh, nhiệm vụ nào, dù khó khăn đến đâu.



Những người lính vượt khó, cống hiến tài năng ảnh 1 Đại úy Lê Như Hưng.
Những người lính vượt khó, cống hiến tài năng ảnh 1 Đại úy Lê Như Hưng.


Từ năm 2012 đến nay, đại úy Hưng là thuyền trưởng hai chiếc tàu đặc biệt có nhiệm vụ bảo đảm cơ động các lực lượng của Lữ đoàn Đặc công nước 5 huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên các vùng biển, đảo khu vực Trường Sa, DK1 và Tây Nam của Tổ quốc. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố, giải thoát con tin trên biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai… trong điều kiện khí hậu thời tiết, sóng gió phức tạp, luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây nguy hiểm khó lường.

Trước những khó khăn này, đại úy Hưng cùng với cấp ủy và ban chỉ huy tàu thường xuyên tập trung tạo phong cách làm việc khoa học, xây dựng cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trên tàu luôn có lập trường vững, an tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không có quân nhân nào nảy sinh tư tưởng tiêu cực trước nhiệm vụ khó khăn.

Nhớ lại những lần thực hiện nhiệm vụ trên biển, đại úy Hưng kể: Cuối tháng 4/2015, tàu của tôi đang làm công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ cơ động lực lượng huấn luyện nghiên cứu khu vực Trường Sa - DK1, thì nhận được lệnh cơ động tàu tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn 2 máy bay SU-22 của Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370 gặp nạn tại vùng biển huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Tôi đã khẩn trương chỉ huy tàu tiếp nhận lực lượng người nhái cùng với nhiều khí tài, trang thiết bị lặn tới khu vực tìm kiếm. Việc tham gia tích cực của lực lượng người nhái nói riêng và đặc công nước nói chung đã góp phần tìm kiếm thành công thi thể phi công và máy bay bị nạn, được lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Đặc công ghi nhận, đánh giá cao.

Song song với nhiệm vụ huấn luyện, đại úy Hưng luôn tích cực học tập, nghiên cứu cải tiến mô hình học cụ nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị.

Năm 2013, đề tài “Nguyên lý hoạt động của hệ thống lái điện Tàu giả dạng” của anh đạt giải Nhất hội thi học cụ do Lữ đoàn tổ chức và giải B hội thi cấp Binh chủng. Trong 2 năm 2014-2015, anh tiếp tục giành giải cao với đề tài “Bảng mô phỏng nhận dạng đèn và dấu hiệu trên biển” và sáng kiến “Mô hình tín hiệu điện tử huấn luyện phương pháp cập cảng Hải đội 4 của tàu giả dạng”. Ngoài ra, anh còn giành nhiều danh hiệu cấp toàn quân và cấp Binh chủng Đặc công.

Vượt lên khó khăn, mất mát

Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tin học của Trường Sĩ quan Lục quân (SQLQ) 1 - đại úy Nguyễn Thị Vinh là tấm gương sáng về nghị lực cùng những hy sinh thầm lặng của người phụ nữ khoác áo lính thời bình. Trong 3 năm thực hiện cuộc vận động, là khoảng thời gian chị gồng mình vượt qua khó khăn cuộc sống cùng nỗi đau mất mát người thân. 



Những người lính vượt khó, cống hiến tài năng ảnh 2 Đại úy Nguyễn Thị Vinh.
Những người lính vượt khó, cống hiến tài năng ảnh 2 Đại úy Nguyễn Thị Vinh.


Con nhỏ, chồng đi học tại Học viện Lục quân Đà Lạt, chị phải làm tròn vai trò một người cha, người vợ và người mẹ trong gia đình trên đất lính Sơn Tây nắng gió. Do bộ môn Tin học là môn đặc thù của Trường SQLQ 1, giảng dạy nhiều nội dung và nhiều đối tượng khác nhau với cường độ cao, có người phải đứng lớp gần 800 tiết/năm, thậm chí dạy cả buổi tối. Quân số bộ môn mỏng, đa số là phụ nữ và đang độ tuổi nuôi con nhỏ nên cũng như nhiều giảng viên khác, chị Vinh phải xoay xở với quỹ thời gian ít ỏi cho việc gia đình và nhiệm vụ chuyên môn.

Trong thời gian từ 2014 đến 2016, bố mẹ chị đều trở bệnh ở quê nhà Nghệ An. Canh cánh nỗi lo sức khỏe đấng sinh thành nhưng chị không thể về thăm bởi cường độ công việc và phải chăm lo con nhỏ. Năm 2014, nỗi đau mất mát ập đến khi trên đường đưa mẹ đi khám bệnh, chị gái của chị qua đời bởi tai nạn giao thông. Đau buồn trước sự ra đi đột ngột của con gái, bố chị tái phát bệnh và mất cùng năm đó.

“Năm 2016, mẹ cũng bỏ tôi ra đi mãi mãi. Sáng hôm ấy, em gái tôi báo tin mẹ rất yếu, tôi vội bàn giao công việc, gửi hai con bên hàng xóm, bắt chuyến xe đêm về với mẹ. Điều khiến tôi luôn day dứt trong lòng là lúc bố mẹ tôi ốm đau, tôi không có mặt để chăm sóc, lúc bố mẹ lâm chung cũng không kịp gặp mặt lần cuối”, chị Vinh nói.

Vượt lên khó khăn và nỗi đau mất người thân, Bí thư Chi bộ Bộ môn tin học Nguyễn Thị Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý và trực tiếp giảng dạy. Trong nghiên cứu khoa học, giai đoạn 2014-2016, chị đã tích cực tham gia sáng kiến “Xây dựng phần mềm mô phỏng huấn luyện môn học công binh ở Trường SQLQ 1” cùng các đề tài, tài liệu hữu ích như tài liệu “Công nghệ thông tin” cấp Bộ Quốc phòng, đề tài “Nâng cao chất lượng dạy học cho học viên đào tạo đại học ngành quân sự cơ sở”, chủ biên tài liệu “Sử dụng phần mềm Microsoft Word 2010”… Sự nỗ lực của chị đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cấp Bộ Quốc phòng và Trường SQLQ 1.

“Đây là những tấm gương có sức thuyết phục, cảm hóa mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, tình cảm, khơi dậy và nhân lên mặt tích cực trong mỗi con người, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng, làm rạng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới”.Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam