Những nghiên cứu gắn với đời thường
11:25 25/02/2014 2158
Nhịp sống trẻ Không muốn những nghiên cứu của mình bị 'trùm chăn, phủ bụi', ngày càng có nhiều sinh viên, nhóm bạn trẻ chủ động tìm tòi để đưa những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo phục vụ cuộc sống.
Nhóm sinh viên sản xuất máy làm móc áo tự động - Ảnh: Lê Thanh |
Máy làm móc áo tự động
Nguyễn Văn Binh, Nguyễn Minh Triết, Bùi Tiến Công, Nguyễn Thanh Duy - sinh viên ngành cơ - điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã chế tạo thành công máy làm móc áo tự động.
“Trong một lần phơi đồ, khi quần áo còn mà hết móc nên mình không biết treo làm sao. Lúc đó mình nhận thấy cái móc tuy đơn giản nhưng thực sự rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày”, Nguyễn Văn Binh nói về ý tưởng ban đầu.
Sau khi có ý tưởng, Binh vận động một số thành viên trong nhóm hợp sức lại để nghiên cứu, chế tạo. Các bạn vận dụng một số phương pháp đã học trong các môn chuyên ngành như: công nghệ thủy lực và khí nén, vi điều khiển, nguyên lý chế tạo máy, hàn, tiện… để thực hiện và đã hoàn thành công trình sau 4 tháng.
Bùi Tiến Công kể: “Trong quá trình làm, nhóm đã gặp không ít khó khăn như: thiếu máy móc để chế tạo, thiếu kinh phí mua nguyên vật liệu nên phải tìm kiếm những nguyên vật liệu cũ từ những bãi rác công nghiệp, sau đó mang về “độ” lại. Đôi khi cảm thấy nản, nhưng tất cả những thành viên trong nhóm đều động viên nhau và cuối cùng cũng vượt qua để hoàn thành sản phẩm”.
Nguyên lý hoạt động của máy chủ yếu nhờ chuyển động của xy lanh khí nén và được điều khiển bằng điện. Máy hoạt động dựa vào việc biến các chuyển động tịnh tiến ra vào của xy lanh thành chuyển động quay của khuôn ép làm biến dạng phôi (cọng dây thép hoặc dây nhôm để làm ra móc áo) thành hình dạng đã làm sẵn trên khuôn. Tức là, sau khi phôi đã đặt vào vị trí, người công nhân chỉ cần nhấn nút “start” thì máy sẽ kẹp chặt cọng phôi uốn theo khuôn đã được tạo sẵn. Khi đã tạo hình xong thì sẽ xoắn lại để giữ hình dáng và gấp phần móc treo.
Theo tính toán của nhóm tác giả trẻ, giá thành làm ra một cái máy khoảng 6 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với các máy nhập từ nước ngoài về. Hiện công suất hoạt động của máy trung bình 240 cái móc/giờ. “Hiện nay nhóm đang sử dụng công đoạn cắt phôi (cọng dây thép hoặc dây nhôm để làm ra móc áo) bằng tay trước khi bỏ vào máy để uốn ra sản phẩm hoàn chỉnh. Tụi mình chỉ cần cải tiến một chi tiết nhỏ, đó là thiết kế một bộ phận treo cuộn phôi phía trên chiếc máy để máy tự động cắt phôi thì công suất sẽ tăng hơn rất nhiều lần”, Nguyễn Minh Triết chia sẻ.
Như chưa bằng lòng với thành quả đạt được, Nguyễn Thanh Duy cho rằng: “Mặc dù sản phẩm của nhóm hiện đã hoạt động rất tốt nhưng trong thời gian tới, tụi mình phải tiếp tục nghiên cứu để giảm kích thước máy hơn nữa. Bên cạnh đó là nâng công suất cao hơn, đồng thời giảm tiếng ồn phát ra khi máy hoạt động. Nhóm mong muốn một khi chiếc máy được chào bán trên thị trường thì nó phải là một sản phẩm được chủ doanh nghiệp sản xuất cảm thấy thích thú và hài lòng khi sử dụng”.
Phòng bệnh cho cá tra
Nhận thấy dịch bệnh gan thận mủ do vi khuẩn edwardsiella ictaluri gây ra làm thiệt hại lớn đối với nghề nuôi cá tra, một nhóm bạn trẻ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm probiotic từ bacillus dùng kiểm soát edwardsiella ictaluri gây bệnh trên cá tra”. Nhóm thực hiện gồm Đỗ Phương Quỳnh, Nguyễn Thị Diệu Hiền, Nguyễn Thị Thúy, Võ Ngọc Yến Nhi, Nguyễn Hoàng Tuấn Duy, Nguyễn Văn Minh - sinh viên và cựu sinh viên Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Mở TP.HCM.
Nhóm nghiên cứu “Phòng bệnh cho cá tra” - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
“Nhóm tụi mình rất muốn làm những chế phẩm trong lĩnh vực thủy sản và ứng dụng trong cuộc sống cho người dân. Khi được giáo viên hướng dẫn gợi ý rằng chế phẩm cho cá tra chưa có trên thị trường, cả nhóm đã quyết tâm đi theo hướng này”, Đỗ Phương Quỳnh, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Nhóm thực hiện đề tài trong khoảng 2 năm, với không ít lần… nản chí. Phương Quỳnh cho biết: “Ban đầu, cá tra mua về thí nghiệm chết quá trời! Tụi mình mua đến 1.500 con nhưng chúng chết gần hết. Rút kinh nghiệm, những đợt sau mua mỗi lần mấy trăm con”.
Đặc biệt, nhóm phải vượt qua một khó khăn rất lớn, đó là nguồn tài liệu (tiếng Anh và tiếng Việt) vì đề tài này còn khá khan hiếm và mới mẻ. Thậm chí, ngay cả tài liệu tiếng Việt, đôi khi các bạn cũng không dám chắc… hiểu đúng vấn đề, nên đã tranh thủ tham khảo ý kiến của giảng viên và những anh chị đi trước.
Qua nhiều lần thực nghiệm, những tác giả nhận thấy hai chủng B. subtilis (Q16 và Q111) vừa an toàn vừa có khả năng bảo vệ cá tra giống chống lại E. ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá tra. Đồng thời, nhóm cũng xác định được môi trường tối ưu cho quá trình lên men thu sinh khối của hai chủng này. Vì vậy, hai chủng nói trên có tiềm năng lớn để đưa vào ứng dụng làm probiotics (tức là các vi sinh vật sống khi được đưa một lượng cần thiết vào cơ thể sẽ đem lại hiệu quả có lợi cho cơ thể) sử dụng trong nuôi trồng cá tra.
Đại diện nhóm cho hay chế phẩm probiotics có tác dụng phòng ngừa, hạn chế số lượng nhiễm bệnh tối đa cho cá tra trước khi sử dụng những phương pháp điều trị khác. Nó góp phần hạn chế việc lạm dụng kháng sinh, thuốc hóa học gây hại lên cá và tác động xấu tới môi trường.
Được biết, đề tài này đoạt giải nhì Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học (Eureka) cấp thành TP.HCM năm 2013.
Vậy, hậu giải thưởng là gì? “Tụi mình đã tìm hiểu đến bước này nên rất muốn tiếp tục nghiên cứu trên quy mô lớn hơn để đưa chế phẩm đến tay người nông dân”, trưởng nhóm Đỗ Phương Quỳnh bày tỏ.